Trong số 14 đội bóng tham dự V-League 2012, có tới 6 đội đang “sống” nhờ vào những khoản tiền tài trợ của các Ngân hàng (SHB, ACB, Navibank (NVB), Kiên Long (KLB), Bắc Á). Nếu kể cả Eximbank (EIB), nhà tài trợ chính cho V-League, thì có thể nói giải đấu hạng cao nhất của bóng đá VN đang tồn tại được nhờ vào 50% “bầu sữa” của các Ngân hàng thương mại. Và khi các Ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh như hiện tại thì chuyện gì sẽ xảy ra với bóng đá Việt Nam?
Theo Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 mà Ủy ban kinh tế Quốc hội vừa công bố mới đây thì do có khoảng chênh lệch lớn giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động, đặc biệt là nhờ chính sách áp trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước cho nên hầu hết các Ngân hàng thương mại đều có lợi nhuận sau thuế năm 2011 lớn hơn năm 2010. Chẳng hạn như ACB là 3193.8 tỷ (tăng 29,3%), EIB là 3051.3 tỷ (tăng 68,6%), SHB là 753.8 tỷ (50,82%)…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì thực chất mức lãi của các Ngân hàng thương mại không tăng trưởng nhiều như vậy, thậm chí có những Ngân hàng còn giảm. Bởi chỉ số ROE - tỉ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu cho thấy: chỉ có ACB và EIB là tăng lên so với năm 2010 (ACB từ 21,74% lên 25,53%, EIB từ 13,51% lên 20,46%), còn SHB giảm chút ít (từ 14,98% xuống còn 14,73%) trong khi Navibank giảm nhiều nhất (từ 9,84% xuống còn 6,86%) (xem biểu đồ dưới đây, nguồn Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012).Nếu năm sau VPF không bắt bầu Hiển phải lựa chọn giữa HN.T&T hay SHB.ĐN thì có khi bầu Hiển cũng tự động chỉ nuôi một đội bóng cho đỡ tốn kém
Sở dĩ có tình trạng này là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, khiến cho nền kinh tế VN đã và đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, tỷ lệ nợ xấu của các Ngân hàng có chiều hướng gia tăng (từ mức 2,29% năm 2010 lên mức 3,72% năm 2011), trong khi tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu lại có xu hướng giảm (số dư dự phòng rủi ro tín dụng tại thời điểm cuối năm 2011 chỉ bằng 62,81% tổng nợ xấu và so với năm 2010 giảm 17,15%).
Theo kết quả giám sát của cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng công bố mới đây, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các tổ chức tín dụng là hơn 202.000 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ tín dụng - nhiều gấp đôi so với báo cáo của chính các tổ chức tín dụng (nợ xấu là hơn 117.000 tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng, tính đến ngày 31/5/2012).
Đa số các Ngân hàng, trong đó có cả các Ngân hàng đang tài trợ cho bóng đá VN, đều có tỷ lệ nợ xấu năm 2011 tăng lên so với năm 2010. Ngân hàng ACB (tài trợ cho CLB BĐ Hà Nội) tăng từ 0,34% lên 0,86%, Ngân hàng Eximbank (tài trợ chính cho V-League) tăng từ 1,42% lên 1,58%, Ngân hàng SHB (tài trợ cho HN.T&T và SHB.ĐN) tăng từ 1,4% lên 2,13%
Mới đây nhất, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của các ngân hàng cho thấy ngoại trừ Ngân hàng Kiên Long có tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ (từ 2,77% năm 2011 xuống còn 2,74% ở thời điểm 30/6/2012), phần lớn các Ngân hàng còn lại đều tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ngày một phình to trên bảng cân đối kế toán (xem biểu đồ tỷ lệ nợ xấu của một số Nngân hàng trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 dưới đây, nguồn Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 và báo cáo kết quả kinh doanh của các Ngân hàng).
Trong đó, tỷ lệ nợ xấu tăng nhiều nhất thuộc về NVB (từ 2,9% cuối năm 2011 lên 3,87%), tiếp theo là SHB (từ 2,13% lên 2,52%), EIB (tăng từ 1,61% lên 1,73%) và ACB (tăng từ 0,89% lên 1,53%). Kéo theo các khoản nợ có khả năng mất vốn của các ngân hàng cũng tăng theo: EIB tăng 51%, ACB tăng 50%, NVB tăng 32,7%, SHB tăng 13,48% so với cuối năm 2011.
Bởi thế không có gì ngạc nhiên khi lợi nhuận sau thuế của các Ngân hàng không còn tăng trưởng như năm 2011. Căn cứ theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2012 của các Ngân hàng thì trong số các Ngân hàng đang tài trợ cho bóng đá VN, chỉ có SHB và Eximbank là có lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm nay tăng lên so với cùng kỳ năm 2011 (SHB tăng 40,48%, Eximbank tăng 9,69%). Các ngân hàng còn lại đều giảm nhẹ (ACB giảm 2,62%, NVB giảm 4%, KLB giảm 13,6%).
Nguy cơ nợ xấu của các Ngân hàng là khá rõ ràng, khi từ nay cho đến cuối năm 2012, những nỗ lực trả lãi vay sẽ tiếp tục bào mòn khả năng tài chính của doanh nghiệp, nhiều khoản nợ sẽ tiếp tục được xếp vào loại nợ xấu, khiến cho tỷ lệ nợ xấu của các Ngân hàng sẽ còn tiếp tục tăng lên, kéo theo lợi nhuận của các Ngân hàng tiếp tục giảm.
Bởi thế, nhiều khả năng bóng đá VN sẽ ngày càng phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực hơn nữa từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)