Thứ Hai, 25/11/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá Việt Nam khủng hoảng người tài

Thứ Sáu 20/09/2013 06:25(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Người tài trong địa hạt bóng đá nội phải chăng đang ở mức khan hiếm đáng báo động để rồi cứ đụng đâu là khủng hoảng đó?

1. Không khan hiếm sao khi mà Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ VII đang có nguy cơ phải hoãn vì tìm mãi mới chốt được hai ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch, nhưng đã cận giờ khai mạc, vẫn chưa ổn về mặt pháp lý của hồ sơ.

Thiếu người cho ghế Chủ tịch VFF khiến những kế hoạch vĩ mô cho nền bóng đá ảnh hưởng thấy rõ. Thậm chí, đã có ý tưởng chỉ tổ chức đại hội thường niên, còn chuyện bầu bán vị trí lãnh đạo của tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam đành... hồi sau sẽ rõ! Nếu chuyện đó xảy ra, thì quả thực là hy hữu!

Những chiếc ghế lãnh đạo ở VFF vẫn rất cần người tài
Những chiếc ghế lãnh đạo ở VFF vẫn rất cần người tài

Tương tự là cuộc tìm kiếm huấn luyện viên trưởng cho hai đội tuyển quốc gia. Mãi Liên đoàn mới tìm ra ông Hoàng Văn Phúc, nhưng chưa thể thỏa mãn sự kỳ vọng của người hâm mộ.

Rồi nếu Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Võ Quốc Thắng rút lui thật, ai sẽ thay? Lại phải xới tung cả nền bóng đá...

Đó là chưa kể đến việc, ai sẽ thay ông Trần Duy Ly, Nguyễn Hữu Bàng cho ghế Trưởng giải V-League cùng hạng Nhất, cũng là bài toán quá khó giải. Ghế trưởng giải là cả một câu chuyện trường kỳ. Cho đến thời điểm này, dân chuyên môn mới chỉ ghi nhận người thạo việc nhất là ông Dương Nghiệp Khôi. Nhưng nếu ông Khôi trở lại, điều đó đồng nghĩa phải chấp nhận cung cách điều hành giải như xưa, tương tự V-League và hạng Nhất thuộc về VFF chứ không phải là VPF.

2. Về bản chất, tất cả những cái ghế trên đều là niềm vinh dự, thậm chí mơ ước của những người đang làm nghề bóng đá nói chung.

Nhưng trớ trêu, chúng ta đã và đang chứng kiến những cuộc “thoái lui” đầy thất vọng. "Tháo lui" khi được VFF nhắm đến chức vụ huấn luyện viên trưởng hai đội tuyển quốc gia. Còn tại VFF, nhiều người cũng “thoái lui” khi được đề cử vào chức Chủ tịch nhiệm kỳ tới.

Có hai tâm trạng chúng ta thường thấy sau những cuộc "tháo lui" của nhiều nhân vật khi được chọn lựa, cân nhắc vào một số vị trí chủ chốt trong địa hạt bóng đá ta. Thứ nhất là sợ: sợ thân bại danh liệt bởi rủi ro mà bóng đá mang lại là rất lớn.Thứ hai,với những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng lớn, dù yêu bóng đá nhưng họ chưa thấy môi trường bóng đá thực sự đáng để xả thân.

3. Nhìn lại công tác tổ chức cán bộ của VFF và cho VFF trong hơn thập kỷ vừa qua, rõ ràng việc đào tạo, phát triển toàn diện cho các nhân tố trẻ đang có vấn đề. Người như ông Trần Quốc Tuấn là quá hiếm, nhưng ông Tuấn cũng chưa được đặt trong một môi trường để phát triển đúng như kỳ vọng.

Nhìn lại Thường trực VFF và Ban chấp hành VFF hai nhiệm kỳ qua, cơ bản là những nhân tố cũ, thậm chí quá cũ kỹ! Trong khi đó, dư luận đều hiểu nhưng giá trị mà đội ngũ ủy viên ban chấp hành rất hùng hậu mang lại cho bóng đá nước nhà là ít ỏi. Số doanh nghiệp chịu làm ủy viên ban chấp hành chiếm tỉ lệ quá thấp.

Cho dù việc đào tạo cán bộ chủ chốt đáp ứng nhiệm vụ các thời kỳ khác nhau cho VFF là chưa ổn, nhưng không vì thế mà nói rằng bóng đá Việt Nam thiếu người tài.

Đúng thế thật, chưa có nhiều người tài gia nhập ngôi nhà VFF, gần đây là VPF, chắc chắn do hai tổ chức này chưa có cơ chế thích ứng với sự phát triển chung, chưa đáp ứng được niềm tin, tài năng của những người có năng lực đích thực.

Mà hãy nhìn sự loay hoay trong lộ trình phát triển của những nhà hoạch định chiến lược bóng đá nước nhà; sự giẫm chân tại chỗ về thành tích của các đội tuyển quốc gia; giải chuyên nghiệp trả giá quá đắt vì cách làm ăn xổi..., đủ hiểu vì sao người tài trong xã hội chưa muốn hợp tác sâu và rộng với VFF!

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X