Sau thất bại nặng nề U19 Việt Nam 0-6 U19 Thái Lan tại chung kết giải U19 Đông Nam Á 2015, có một sự so sánh lớn giữa sự phát triển giữa bóng đá Việt Nam và xứ chùa vàng.
Người Thái không chỉ đi trước Việt Nam mà còn với cả phần còn lại của Đông Nam Á về sự phát triển. Thế nhưng khuôn mẫu mà chủ tịch Worawi cùng bộ sậu muốn hướng tới cho xứ chùa vàng là phát triển theo bóng đá Anh. Tức là nặng về kinh doanh, quảng bá và đưa bóng đá trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền. Tất nhiên bóng đá Anh rất giỏi về truyền thông nhưng chưa bao giờ được đánh giá cao về công tác đào tạo cầu thủ, về chuyên môn. Vì thế cần phải loại bỏ ngay cái suy nghĩ bóng đá Việt Nam nên học tập người Thái hay lấy cái đích vượt qua người Thái làm mốc phát triển. Không nên đưa bóng đá xứ chùa vàng lên 1 vị trí trang trọng quá như vậy chỉ vì chúng ta bị ám ảnh vì thua họ quá nhiều. Về công tác phát triển thì hãy coi Thái Lan như Malaysia, Indonesia hay Trung Quốc, Hàn Quốc cũng được. Mỗi nước có cách làm và hoàn cảnh rất khác nhau, còn bóng đá Việt Nam vốn rất đặc thù thì chúng ta cần phải học theo những khuôn mẫu cơ bản nhất. Đó là bóng đá Đức, khuôn mẫu của thế giới hiện nay, đó có thể là Nhật Bản, khuôn mẫu của bóng đá châu Á và có nhiều nét tương đồng với bóng đá Việt Nam.
Thật ra, VFF cũng đang muốn học theo mô hình của Nhật Bản nhưng chưa triệt để, cách làm vẫn hời hợt chưa có dấu ấn nào cụ thể. Vì vậy chúng ta cần phải mạnh tay hơn để thay đổi bóng đá nước nhà. Nhưng như đã nói, mỗi nước mỗi khác, dù học tập nhưng chỉ là phương pháp còn vận hành thì phải phù hợp với thực tiễn bóng đá Việt Nam. Bóng đá xứ mặt trời mọc phát triển dựa trên nền tảng của bóng đá học đường, kết hợp với các trường học trong cả nước, vừa tận dụng được cơ sở vật chất và con người. Thế nhưng đó là cách làm tương đối bị động, chưa kể ngành giáo dục vốn nhiều bất cập chưa chắc đã muốn dây dưa trách nhiệm với VFF. Thực tế sau gần 2 năm đi theo mô hình bóng đá Nhật Bản, gần như mọi thứ vẫn đang giậm chân tại chỗ. Mô hình bóng đá học đường cũng chỉ áp dụng thí điểm 1 số trường ở thành phố Hồ Chí Minh, tất nhiên là hiệu quả gần như là con số 0.
Muốn vượt qua nỗi sợ hãi Thái Lan, BĐVN cần học tập mô hình của Đức, Nhật Bản |
Có một cách làm khác tốn kém hơn nhưng rất chủ động và khai thác được tối đa nhân lực quốc gia, đó là học theo bóng đá Đức. Ở đất nước châu Âu này thì tài năng sân cỏ nhiều không đếm xuể. Việc “Cỗ xe tăng” 4 kỳ liên tiếp gần đây lọt vào bán kết World Cup và đang là nhà ĐKVĐ thế giới đã cho thấy điều đó. Ở Đức, LĐBĐ nước này bắt tất cả các đội bóng tham dự Bundesliga phải có học viện bóng đá quy củ. Nếu áp dụng điều này vào V-League sẽ cực kỳ hợp lý bởi khi đó các ông chủ sẽ gắn bó lâu dài với bóng đá và muốn giải tán CLB cũng không dễ. Hãy thử tưởng tượng CLB nào cũng có 1 học viện như HAGL JMG thì chắc chắn bộ mặt nền bóng đá sẽ thay đổi. Các ông chủ sẽ đầu tư nhiều tiền vào đào tạo trẻ thay vì chuyển nhượng. Khi đó sự phát triển sẽ rất vững bền chứ không “bong bóng” như suốt bao năm qua. Ngoài ra, cách làm giúp bóng đá Đức tận dụng được tối đa nhân tài quốc gia là việc cho xây dựng 121 trung tâm bóng đá địa phương rải khắp đất nước. Ý tưởng của nền bóng đá được coi là số 1 thế giới hiện nay là mỗi cầu thủ nhí sẽ không phải di chuyển quá 25 km để thực hiện giấc mơ sân cỏ của mình. Đây là lý do mà 1 cầu thủ ở vùng hẻo lánh nhất nước Đức như Toni Kroos đã được phát hiện và giờ đây trở thành ngôi sao sáng của bóng đá thế giới.
Việt Nam đang có 3 học viện bóng đá được coi là đạt tiêu chuẩn là HAGL JMG, PVF và Viettel. Nhưng như thế là quá ít và đây cũng chỉ là những học viện nhỏ lẻ chưa thể “cứu” cả 1 nền bóng đá. Chúng ta cần phải phát triển nền bóng đá một cách vững bền, có kế hoạch chứ không phải chờ từng địa phương làm bóng đá theo “hứng” như hiện nay. Tất nhiên trên con đường đi ấy thì bóng đá Việt Nam nói chung và VFF nói riêng phải chọn cho mình con đường đi đúng đắn. Con đường đó là phải học theo khuôn mẫu của Đức, phần nào đó là Nhật, chứ không phải chăm chăm theo Thái Lan như sự “ám ảnh” của nhiều người. Chúng ta thua đại diện xứ chùa vàng quá nhiều lần, quá đau đớn nhưng đó là chỉ sự “sợ hãi” mà thôi. Đừng bao giờ nhẫm lẫn để rồi lạc bước ngay trên con đường định hướng phát triển.
Doãn Công