Không ít người băn khoăn về năng lực của vị tân HLV trưởng đội tuyển quốc gia người Nhật, cũng như băn khoăn về khả năng thành công của ông này với bóng đá Việt Nam. Dù vậy, ít ai đặt câu hỏi ngược lại rằng bóng đá Việt Nam thực sự cần những gì?
Cần người hiểu việc
Người ta nghi ngờ năng lực của HLV Toshiya Miura chủ yếu xuất phát từ chuyện lý lịch của ông không đẹp bằng nhiều ứng cử viên khác, hay từ chuyện vị HLV này chủ yếu dẫn dắt các đội bóng nhỏ ở giải nhà nghề Nhật Bản J-League.
Nhưng vấn đề là người ta cũng không nói rõ là bóng đá Việt Nam đang ở đâu, và có còn là thế lực lớn trong khu vực như chúng ta từng ngồi ở đấy hay không? Và người ta cũng ít nói đến chuyện bóng đá Việt Nam lúc này thực sự cần gì nơi một chuyên gia ngoại?HLV Miura (giữa) có thể không nổi tiếng, nhưng biết đâu lại phù hợp với bóng đá Việt Nam
Nếu bóng đá nội cần có thành tích ngay lập tức, thì vấn đề sẽ khác. Dĩ nhiên, lúc đó lực lượng của bóng đá Việt Nam chuẩn bị cho việc tìm kiếm thành tích cũng phải khác. Đằng này, bóng đá Việt Nam đang ở vào giai đoạn khủng hoảnh lực lượng, nên có đưa HLV nổi tiếng đến để gặt hái vinh quang cũng chưa chắc đã thành công ngay lập tức. Có khi chính chúng ta đang cần dạng HLV chuyên nắm các đội bóng nhỏ, chuyên huấn luyện các đội bóng nhỏ, biết cách chơi của một đội bóng nhỏ khi đối đầu với những đội bóng mạnh hơn mình.
Về mặt này thì rõ ràng là ông Miura phù hợp với tiêu chí ấy. Trong sự nghiệp cầm quân của mình, ông này chủ yếu nắm các đội từ mức trung bình trở xuống, chuyên huấn luyện những đội bóng không ngôi sao, xây dựng lối chơi dựa trên tính tập thể. Và đấy là điều mà VFF đã nói rõ là họ muốn như thế, vì bóng đá Việt Nam bây giờ, làm gì còn dạng ngôi sao có thể bằng một khoảnh khắc tỏa sáng, đủ sức thay đổi cục diện trận đấu. Cái thời mà bóng đá Việt Nam nhất nhất phải có thành công ở mọi giải đấu khu vực mà chúng ta tham dự đã qua rồi. Cái thời mà chúng ta có những thế hệ cầu thủ tài năng nối tiếp nhau cũng đã qua rồi.
Một nền bóng đá đang chuyển từ trạng thái nền bóng đá mạnh sang chỗ trở thành nền bóng đá đang xuống dốc, một đội tuyển đang ở chiếu trên dần chuyển sang tư thế của đội yếu có khi lại cần một HLV giỏi liệu cơm gắp mắm hơn là một HLV chuyên huấn luyện các ngôi sao.
Tính kế thừa?
Dĩ nhiên cần có thời gian để nói HLV Miura sẽ thành công hay thất bại trong vai trò HLV trưởng đội tuyển Việt Nam. Khoảng thời gian ấy trước mắt sẽ là 2 năm. Tuy nhiên, việc VFF đang hướng bóng đá nội đi theo mô hình của bóng đá Nhật cho thấy tổ chức này đang có định hướng.
Để thay đổi một đội tuyển không phải là chuyện của riêng đội tuyển, mà còn phải thay đổi cả hệ thống bóng đá. Không thể có một đội tuyển mạnh, nếu như cái gốc là các CLB và giải quốc nội không mạnh. Càng không thể có chuyện phần gốc và phần ngọn phát triển theo những hướng tách biệt hoàn toàn.
Việc lựa chọn HLV Nhật, sau khi đã có trưởng giải V-League người Nhật và sắp tới là GĐKT VFF nhiều khả năng cũng là người Nhật phản ánh điều đó. Ông HLV trưởng đôi khi chỉ là người giải quyết phần việc cuối cùng ở phần đỉnh của một nền bóng đá, thông qua hình ảnh của đội tuyển quốc gia, chứ không phải là người cứ mỗi lần tập trung đội tuyển cứ phải “cài đặt” lại từ đầu cho từng tuyển thủ.
Xét trên tiêu chí này, việc chọn HLV người Nhật cho đội tuyển cũng không có gì là lạ. Cũng đừng bỡ ngỡ về chuyện ông Miura kết thúc sự nghiệp cầu thủ quá sớm (năm 27) để chuyển sang nghề HLV. Đừng cho rằng một HLV như thế là thiếu dạng HLV thiếu kinh nghiệm thực tế sân cỏ, bởi có không ít HLV trên thế giới trở thành chuyên gia giỏi như Mourinho, Wenger, Sacchi…, dù họ không hề là cầu thủ giỏi.
Nhiều khi phải trả lời được câu hỏi bóng đá Việt Nam đang cần gì thì mới giải thích được thấu đáo quyết định chọn một HLV thoạt nhìn thì vô danh như ông Miura? Thực tế là đội tuyển đúng cần một chuyên gia chuyên trị các đội bóng nhỏ, biết xây dựng đội từ con số không hơn là biết cách thừa hưởng những gì mà người khác đã tạo nên.
Theo Dân Trí