TP.HCM lâu nay luôn được biết đến là một trong những địa chỉ phồn hoa nhất Việt Nam. Nơi đây là chốn mơ về của dân quần đùi áo số. Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi đến chóng mặt chỉ sau một mùa bóng. Không còn cảnh mọi ngả đường đều dẫn về Sài thành nữa, thay vào đó là một cuộc “bỏ của chạy lấy người” mang tính hệ thống.
Bắt đầu từ CLB TP.HCM, đội bóng sẽ chính thức chơi ở giải hạng Nhì mùa tới. Hầu hết các thành viên của CLB có tiền thân là Cảng Sài Gòn này được lãnh đạo bật đèn xanh để tự tìm bến đỗ mới. GĐĐH Nguyễn Chí Kiên kiên quyết bám trụ với đội bóng nhưng đường hướng hoạt động trong mùa giải tới ra sao thì ngay bản thân người đứng mũi chịu sào này vẫn chưa chắc chắn được gì. Tiền nợ lương, thưởng, lót tay cho toàn đội đã đến mức ngập đầu, CLB có thể xem như đã giải thể, để duy trì một đội hình trẻ đủ để đá giải hạng Nhì thôi đã khó chứ chưa nói chuyện tuyển thêm quân. Mùa tới CLB TP.HCM chỉ tập trung khoảng 2 tháng để chơi giải hạng Nhì, nhưng còn tồn tại ngày nào, chắc hẳn ông Kiên còn phải đau đầu nhiều với đội bóng này bởi ông bầu này đã bất lực với cục “nợ xấu” mà mình đã ôm nhiều năm qua.
Tương lai của N.SG (áo trắng) hiện vẫn đang rất mờ mịt
Hai đội bóng chuyên nghiệp còn lại của bóng đá TP.HCM là N.SG và SG.XT cũng không có nhiều triển vọng lạc quan. N.SG mới năm ngoái còn chịu chi với những bản hợp đồng tốn kém cho Thế Anh, Việt Cường bỗng chốc có dấu hiệu “đổ bệnh” ngay khi mùa bóng kết thúc. Trong khó khăn chung của nền kinh tế bây giờ, việc N.SG tìm được một đối tác để “tặng” còn khó chứ chưa nói đến nguyện vọng “mua bán” sòng phẳng như nguyện vọng của họ. LĐBĐ TP.HCM (HFF) và N.SG chưa tìm được tiếng nói chung. HFF cũng không kiếm đâu ra tiền để thỏa ước nguyện của N.SG. Và chắc chắn, tình trạng lùng nhùng là điều còn kéo dài nữa nếu hai bên cứ nhất quyết bảo lưu quan điểm của mình. Mùa giải mới vẫn chưa thể tiến triển theo đúng lịch vì N.SG. Cầu thủ CLB này thì méo mặt vì bị lãnh đạo bỏ rơi. Tình thế buộc họ phải thức thời, tìm cửa chạy thoát thân. Ai nhanh chân, biết tận dụng tối đa những mối quan hệ để tìm đội bóng khác làm bến đỗ là điều may mắn.
SG.XT không còn sốt sắng như thời điểm này năm ngoái, giờ họ muốn đẩy được càng nhiều cầu thủ đi càng tốt, đặc biệt là những “ông sao” đang làm bội chi ngân sách CLB. Những công thần được xem như không thể thay thế như Kesley, Nguyễn Rogerio không là ngoại lệ. Người hết hạn hợp đồng từ cầu thủ đến BHL không cần đàm phán mới còn những người chưa hết hợp đồng muốn thì cứ đề xuất rồi đi. Mặc kệ người đi, nhà ĐKVĐ Cúp QG vẫn cứ đủng đình. Không mua, chỉ muốn bán cho nhanh, họ thậm chí không hẹn ngày tập trung trở lại. Bầu Thụy trong Hội nghị tổng kết mùa giải mới đây tuyên bố sẵn sàng nghỉ chơi bóng đá. Ông Thụy chán thật và khi đã không còn hứng thú, có rất nhiều lý do để người ta bỏ cuộc. SG.XT có lẽ cũng không cần cái danh “đại gia hão” như đã biết những mùa trước đó. Nhưng dẫu sao, nếu tồn tại thì SG.XT vẫn cứ phải yên vị ở đất Sài thành “chứ không đi đâu hết” như tuyên bố của lãnh đạo CLB này. Tin này có thể vui cho CĐV Sài thành vì họ vẫn được hưởng mùi bóng đá chuyên nghiệp ở thành phố này.
Đó là bóng đá Sài Gòn thời kinh tế khó khăn. Một Sài Gòn rất khác với những gì hào nhoáng nhất mà người ta nghĩ đầu tiên về thành phố này. So sánh môn giải trí này với những địa phương tỉnh lẻ khác như Kiên Giang vừa được rót 45 tỷ đồng để hoạt động trong mùa giải tới hay ĐT.LA, đội bóng mà bầu Thắng tự hào rằng, họ chỉ cần chừng 30-35 tỷ đồng để hoàn thành một mùa giải thì bóng đá Sài Gòn khổ sở hơn nhiều vì có thể giải tán bất cứ lúc nào.
Vì mưu sinh, những cầu thủ có thương hiệu phải bỏ chạy khỏi xứ phồn hoa. Bóng đá Sài thành giờ không màu mỡ nữa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)