Trong buổi tập chiều 23/5 của ĐT nữ Việt Nam, một vị khách đặc biệt đã xuất hiện, đó là ký giả Jere Longman của The New York Times (Mỹ). Ông Longman đã làm việc từ năm 1993 và có kiến thức sâu rộng về bóng đá quốc tế.
Trước buổi tập của thầy trò Mai Đức Chung, tiền vệ Thuỳ Trang đã có những chia sẻ về tình hình toàn đội để chuẩn bị trước thềm World Cup nữ 2023. Cầu thủ của tuyển nữ Việt Nam đã nhận câu hỏi từ phóng viên Jere Longman “Làm thế nào để bạn thuyết phục gia đình cho theo nghiệp thể thao, bởi với nữ giới, việc theo đuổi đam mê đá bóng vốn rất khó khăn?”.
Thùy Trang chia sẻ: "Ban đầu, gia đình tôi không ủng hộ. Nhưng sau một thời gian tôi thuyết phục, gia đình đã ủng hộ. So với lứa cầu thủ đi trước, lứa hiện nay được tạo điều kiện, quan tâm nhiều hơn từ VFF và nhà tài trợ. Chúng tôi đã được cọ xát với những đội bóng lớn ở châu Á cũng như thế giới”.
Bên cạnh đó, ký giả giàu kinh nghiệm này cũng có những chia sẻ về bóng đá Việt Nam trên con đường tham dự World Cup, giải đấu lớn nhất từ trước tới nay mà toàn đội tham dự.
Thuỳ Trang chia sẻ trong buổi tập chiều và trả lời câu hỏi của ký giả Mỹ. Ảnh: TH |
Sự khác biệt giữa bóng đá Mỹ và Việt Nam
“Tôi là phóng viên phụ trách mảng thể thao của The New York Times suốt 30 năm qua. Về bóng đá nữ, tôi cũng theo dõi được khoảng 20 năm” – phóng viên Jere Longman chia sẻ về sự có mặt trong buổi tập của ĐT nữ Việt Nam chiều 23/5. “World Cup 2023 vào tháng 7 tới sẽ là vòng chung kết bóng đá nữ thứ 6 mà tôi đến tác nghiệp, đưa tin. Tôi nhận thấy có một số ĐT mới ở giải lần này, trong đó có ĐT nữ Việt Nam. Do đó, tôi muốn đến đây tìm hiểu bởi biết được đội tuyển nữ Việt Nam đã trở thành đội bóng mạnh, vượt qua vòng loại World Cup”.
Tại VCK World Cup nữ 2023, Việt Nam sẽ nằm cùng bảng với Mỹ - quê hương của Jere Longman. Ông chia sẻ về điều này: “Khi biết lá thăm đưa ĐT nữ Mỹ nằm cùng bảng Việt Nam, mọi người ở Mỹ đều thấy kết quả bốc thăm này rất thú vị, bởi có những nét tương đồng giữa bóng đá nữ ở Mỹ và Việt Nam trước đây. Tại Mỹ nhiều năm trước, người ta nghĩ rằng phụ nữ không nên đá bóng.
Phóng viên Jere Longman của New York Times. Ảnh: TH |
Sau đó, Mỹ bắt đầu phát triển bóng đá nữ. Dần dần, với những nguồn lực đầu tư, cách nhìn nhận của xã hội với những cầu thủ nữ chơi bóng ở Mỹ,... bóng đá nữ ở đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Tôi nghĩ những điều này cũng đang diễn ra ở Việt Nam. Trước đây, không phải dễ dàng gì để nữ giới ở Việt Nam được chơi bóng. Sau đó, các cầu thủ đã từng bước vượt qua khó khăn và ngày càng được ghi nhận nhiều hơn. Khi bóng đá nữ Việt Nam đã có sự ghi nhận, bên cạnh nguồn lực đầu tư, phần thưởng của nhà tài trợ, ĐT nữ Việt Nam đã cải thiện thành tích rất đáng kể. Tôi có xem qua băng ghi hình một số trận của Việt Nam, còn tất nhiên chưa thể theo dõi trực tiếp được.
Mỹ và Việt Nam có hai cách làm thể thao khác nhau. Thực ra đó không phải sự khác biệt riêng giữa Mỹ và Việt Nam, mà còn là giữa Mỹ và các nước khác. Ở nhiều nền bóng đá khác, trọng tâm và điểm tựa phát triển thể thao nằm ở CLB.
Còn tại Mỹ, chúng tôi xây dựng thể thao trên nền tảng học đường. Ở các trường học, chúng tôi có các hoạt động thể thao đa dạng, từ đó học sinh, sinh viên có thể tập luyện thể thao từ cấp phổ thông cho đến đại học và sau đại học. Khi tham gia các CLB thể thao trong trường học, các cầu thủ được hưởng quyền lợi tương tự VĐV chuyên nghiệp ở các CLB chuyên nghiệp khác. Họ được bán hình ảnh, có chế độ đãi ngộ,... đó là sự hỗ trợ rất cần thiết.
Tất nhiên, nền tảng này không tự nhiên mà thành. Chúng tôi đã phải thông qua đạo luật tạo ra sự bình đẳng cho phụ nữ khi tham gia các hoạt động thể thao. Có một đạo luật như thế tồn tại ở Mỹ đấy. Người ta không thể có những hành động ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm năng phát triển của nữ giới trong thể thao Mỹ. Nhờ hành lang pháp lý này, mọi thứ cứ tuần tự diễn ra."
Sau chức vô địch SEA Games, ĐT nữ Việt Nam hướng đến VCK World Cup. Ảnh: TH |
Cầu thủ nữ Việt Nam xuất ngoại, tại sao không?
“Ở Mỹ, bóng đá không phải môn thể thao số 1, mà có lẽ chỉ đứng thứ 4 hoặc thứ 5 thôi. Còn ở Việt Nam, bóng đá là môn số 1, được tạo điều kiện phát triển hơn thông qua hệ thống CLB. Dù vậy, bóng đá học đường lại chưa phổ cập.
Mỗi bên có thuận lợi, khó khăn riêng. Nhưng theo quan điểm của tôi, thành tích tốt của đội tuyển nữ Việt Nam sẽ là minh chứng để các nhà quản lý thể thao nói chung và bóng đá nói riêng đầu tư để có thành tích tốt hơn” – ký giả New York Times phân tích.
Jere Longman tiếp tục về cơ hội của bóng đá nữ Việt Nam: “Được dự World Cup là vinh dự với bất kỳ đội tuyển quốc gia nào trên thế giới. Với đội tuyển nữ Việt Nam, dự World Cup là cơ hội để học hỏi nhiều điều. Lá thăm đưa Việt Nam nằm chung bảng với Mỹ và Hà Lan, hai đội đã chơi trận chung kết World Cup 2019. Đó là kết quả bốc thăm rất khắc nghiệt và khó khăn. Song, đây là cơ hội để học hỏi ở nhiều góc độ khác nhau.
Huỳnh Như là cầu thủ hiếm hoi của bóng đá nữ Việt Nam xuất ngoại |
Tuyển nữ Việt Nam có Huỳnh Như đang chơi bóng ở Bồ Đào Nha. Tôi tin rằng, việc chơi bóng ở một quốc gia khác, tiếp xúc với những triết lý, phong cách chơi bóng khác giúp Huỳnh Như học được cả về tâm lý, bản lĩnh thi đấu, kỹ chiến thuật. Tương tự, việc đối đầu với những nền bóng đá hùng mạnh ở World Cup 2023 sẽ giúp ĐT nữ Việt Nam tiến bộ ở nhiều mặt, từ bản lĩnh, trình độ kỹ chiến thuật để tạo đà cho những bước tiến xa hơn trong tương lai.
Sau này khi nhìn lại, họ có thể tự hào rằng mình đã không đấu với những đội bình thường, mà được đọ sức sòng phẳng với những đội ở đẳng cấp World Cup như Mỹ và Hà Lan. Đó là bệ phóng cho sự trưởng thành của bóng đá nữ Việt Nam. Những kết quả này sẽ thuyết phục giới lãnh đạo, những nhà quản lý thể thao đầu tư nhiều hơn cho đội tuyển nữ Việt Nam để hướng tới mục tiêu xa hơn, chứ không chỉ là góp mặt ở sân chơi World Cup”.
Bóng đá nữ Việt Nam mới có 2 trường hợp xuất ngoại, đó là Trần Thị Hồng Nhung (sang Thái Lan thi đấu cho CLB nữ Chonburi trong thời gian ngắn) và giờ Huỳnh Như hiện tại (khoác áo CLB Lank tại Bồ Đào Nha. VCK World Cup 2023 tới sẽ là cơ hội lớn để các nhà tuyển trạch theo dõi, mở ra hy vọng để các nữ cầu thủ xuất ngoại.
Khi nhận câu hỏi về khả năng xuất ngoại của các cầu thủ nữ Việt Nam, ông Jere Longman bày tỏ: “Tất nhiên rồi, tại sao lại không chứ? Ở Mỹ, chúng tôi có hệ thống thi đấu bóng đá rất đa dạng với nhiều hạng đấu khác nhau, phát triển trong 20 năm qua. Có nhiều cầu thủ châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tới đây thi đấu. Họ làm được, tại sao cầu thủ Việt Nam lại không thể?”