Thứ Tư, 25/12/2024Mới nhất
Zalo

Bóng đá gây lãng phí, các địa phương ngao ngán

Thứ Ba 03/12/2013 07:11(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Khác với cách nay vài năm, nhiều địa phương, kể cả các đô thị lớn không còn mặn mà trong việc nuôi hoặc giữ CLB bóng đá, bởi đơn giản bóng đá bây giờ quá tốn kém, trong khi phần thu lại gần như con số 0.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương hiện nay không còn mặn mà với bóng đá đỉnh cao, mặn mà với giải V-League. Cách nay 1 năm Khánh Hòa quyết định bán đội bóng cho V.Hải Phòng, sau khi Khatoco rút lui.

Khánh Hòa không phải là tỉnh nghèo, nhưng họ vẫn bỏ đội bóng vì sợ lãng phí
Khánh Hòa không phải là tỉnh nghèo, nhưng họ vẫn bỏ đội bóng vì sợ lãng phí

Khánh Hòa là một trong những địa phương đóng góp cho ngân sách tốt nhất cả nước hàng năm. Tin rằng họ không thiếu kinh phí, cũng như không thiếu doanh nghiệp nuôi đội bóng theo kiểu “góp gạo thổi cơm chung”. Nhưng vấn đề ở đây có lẽ là địa phương không thấy đầu ra tốt của bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam hiện nay, để đổ tiền hoặc kêu gọi doanh nghiệp đổ tiền vào đấy.

TPHCM cũng vậy, nơi đây là đô thị lớn nhất nước, với mức đóng góp cho ngân sách luôn đứng đầu Việt Nam. Dù vậy, nhiều năm qua, hoạt động bóng đá đỉnh cao của TPHCM cũng không còn sôi nổi như trước. Thành phố có lẽ đã quá thấm thía với những dạng CLB như Navibank Sài Gòn, hay XM Xuân Thành Sài Gòn, rồi trước nữa là Sài Gòn United.

Những doanh nghiệp này khi mới đến với bóng đá thì bảo làm vì bóng đá thành phố, vì niềm tự hào của người hâm mộ TPHCM, nhưng kỳ thực lúc đầu tư họ toàn nhắm đến những lô đất đẹp, những dự án đẹp của thành phố, hoặc đòi hỏi những ưu đãi này khác. Đến lúc không xin được dự án, không được cấp đất thì tình yêu của họ với bóng đá thành phố cứ thế phai nhạt theo, trước khi họ bỏ bóng đá không thương tiếc.

Bóng đá đang gây ra quá nhiều lãng phí, mỗi CLB ở V-League muốn sống khỏe mỗi năm tiêu tốn 40 – 50 tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng hơn là hàng đống tiền bỏ ra thường không thu lại những kết quả đúng như kỳ vọng. Kết quả ở đây không đơn thuần là thành tích nhất thời, mà còn ở công tác trồng người, cũng như hiệu quả lâu dài về mặt kinh doanh cũng như về mặt chuyên môn.

Ví như Navibank Sài Gòn trước lúc rút khỏi bóng đá công bố họ tốn khoảng 300 tỷ đồng cho 3 năm hoạt động. Con số ấy với XM Xuân Thành Sài Gòn có lẽ cũng không thấp hơn, nhưng hiệu quả thu về được gì thì lại quá khó nhìn thấy? Khán giả đến với sân bóng ngày càng èo uột, người hâm mộ bóng đá ngày càng chán ngán với màn trình diễn có chất lượng làng nhàng của V-League, dù tiền đầu tư cho dàn cầu thủ, HLV ở sân đấu ấy cứ gia tăng vùn vụt.

Nhìn về tương lai cũng rất mờ mịt, khi hầu hết các đội bóng bỏ lỏng khâu đào tạo, trong khi VFF lại quản lý quá hời hợt. Ngay cả ở các giải đấu trẻ người ta cũng chạy theo thành tích bằng cách vay mượn quân tứ tung, còn lạ hơn nữa khi VFF lại cho phép điều ấy.

Đấy đâu phải là đào tạo, đâu phải là trồng người, mà đấy đơn thuần là cách làm đối phó. Thành ra tiền đổ vào bóng đá cứ như đổ vào cái hố không đáy. Rồi hàng đống tiền đổ vào bóng đá hóa ra chỉ làm lợi cho một bộ phận nhỏ những tay quản lý các đội bóng, có quyền ký, quyền nhận và quyền chi tiêu trong đội, theo kiểu “đục nước thì béo cò”.

Sau Khánh Hòa, TPHCM, đến lượt Kiên Giang, Cần Thơ cũng không mấy mặn mà với suất đá ở V-League. Kiên Giang đã bỏ đội K.Kiên Giang, còn Cần Thơ đã ít nhất 2 lần trong những ngày gần đây từ chối mua lại suất đá V-League mà người khác chào bán cho họ.

Sắp tới có lẽ đến lượt Hải Phòng, bởi sau khi Vicem rút lui, người Hải Phòng chưa chắc tâm huyết với cái đội bóng mà người ta không thấy phần hồn của bóng đá đất Cảng ở đâu cả, xung quanh một đoàn quân thực chất là được sang lại từ K.Khánh Hòa cách nay 1 năm.

Tin rằng các địa phương trên không phải không đủ sức kêu gọi nhà đầu tư chung tay nuôi đội bóng, nhưng vấn đề là ngay cả lãnh đạo địa phương cũng chưa chắc trả lời được rằng họ nuôi đội bóng để làm gì? Một khi bóng đá đỉnh cao như đã nói ở trên đang mất kiểm soát, đang phát triển chệch hướng, và nhất là đang gây lãng phí quá lớn, trong khi mỗi địa phương còn hàng loạt vấn đề khác cần được giải quyết.

Chuyện các địa phương bỏ bóng đá không còn đơn thuần là hiện tượng, mà đang trở thành xu thế. Tuy nhiên, đừng trách các địa phương bỏ bóng đá, có trách hãy trách sự biến tướng của cả một nền bóng đá đã và đang bị dẫn dắt đi sai đường!

Theo Dân Trí

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X