Thứ Sáu, 27/12/2024Mới nhất
Zalo

'Bong bóng bóng đá Việt đã vỡ'

Thứ Sáu 05/10/2012 15:35(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không còn cầu thủ bạc tỷ, thị trường chuyển nhượng đóng băng, nhiều đội nợ lương cầu thủ… 'Bong bóng bóng đá Việt Nam', nói như chuyên gia Nguyễn Văn Vinh, đã vỡ.

V-League ra đời từ mùa giải 2000-2001 với chủ yếu các đội bóng quốc doanh. Chỉ một thời gian ngắn, cùng với sự xuất hiện của hàng loạt ông bầu, V-League được đánh giá là phát triển nhanh chóng. Hàng loạt doanh nghiệp vào cuộc khiến V-League thay đổi chóng mặt.

Dễ nhận thấy nhất là giá cầu thủ tăng vọt và sự xuất hiện ngày càng nhiều của cầu thủ ngoại rồi gốc ngoại. Năm 2003, Minh Phương là cầu thủ đắt nhất Việt Nam khi chuyển từ Cảng Sài Gòn tới Đồng Tâm với giá 500 triệu đồng. Mốc này nhanh chóng bị Trường Giang chuyển từ Tiền Giang tới Bình Dương phá vỡ với mức 1,2 tỷ đồng. Sau Trường Giang, khái niệm “cầu thủ tiền tỷ” ra đời. Hàng loạt kỷ lục về giá chuyển nhượng thi nhau xuất hiện. Tới giờ, đình đám nhất có lẽ là thương vụ Sài Gòn FC chi 12 tỷ đồng để có sự phục vụ của trung vệ Phước Tứ.

Là ngôi sao nhưng Huỳnh Kesley vẫn khó kiếm việc tốt thời bong bóng vỡ
Là ngôi sao nhưng Huỳnh Kesley vẫn khó kiếm việc tốt thời bong bóng vỡ

Cũng như cầu thủ nội, giá ngoại binh liên tục tăng. Năm 2004, Nam Định tuyển được chân sút Amaobi người Nigeria mà chẳng mất một xu tiền chuyển nhượng. Amaobi nhanh chóng trở thành chân sút số một V-League nhưng lương anh nhận được mỗi tháng không quá 700 USD (đã bao gồm cả thưởng). Chỉ ít thời gian sau khi chơi cho Nam Định, Amaobi đến Đà Nẵng với mức lương cao gần 6 lần. Cũng lần đầu tiên trong đời quần đùi áo số, Amaobi kiếm được cả chục nghìn USD gọi là “lót tay” nhờ chuyển đến Đà Nẵng.

Cùng thời với Amaobi, các ngoại binh ở V-League thường nhận lương không quá 1.500 USD mỗi tháng. Tới V-League 2011, Amaobi hẳn phải tiếc nuối bởi các đồng nghiệp của anh như Timothy, Merlo Gaston, Samson… nhận mức lương hàng chục nghìn USD mỗi tháng và “lót tay” vài trăm nghìn USD một mùa.

Giành cơ hội cho cầu thủ bản địa, giữ “chất” Việt cho bóng đá Việt, VFF đã siết chặt quy chế quy định lượng cầu thủ ngoại ở V-League và hạng Nhất. Việc đăng ký 5 người, cho vào sân 3 với V-League không thỏa mãn các đội bóng. Từ đó các ông chủ bóng đá tìm cách lách luật. Nhập quốc tịch Việt Nam cho cầu thủ ngoại là lựa chọn được ưa thích. Số cầu thủ ngoại kiếm Việt đủ thâm niên có quốc tịch, ngày càng nhiều. Bắt đầu từ Phan Văn Santos với Đồng Tâm, tới nay bóng đá Việt đã có 18 cầu thủ gốc ngoại. Lượng không đi liền với chất trong khi nhu cầu thì nhiều. Các ông chủ bóng đá vì thế rất khát cầu thủ gốc ngoại nhập tịch. Giá cầu thủ gốc ngoại vì thế tăng chóng mặt. Làng nhàng cỡ trung vệ Nguyễn Hoàng Helio (đang đá cho Bình Dương) cũng đòi “lót tay” tới 200.000 USD một mùa. Dạng sao số như Huỳnh Kesley của Sài Gòn Xuân Thành, con số cao gấp đôi.

Chạy đua mua sao, đã có nhiều đội bóng đạt thành tích tốt. Đồng Tâm, HAGL chi bạo ngay từ thưở V-League khai sinh, đã chia nhau 4 chức vô địch ở những mùa giải đầu tiên. Bình Dương đội được ví như “Chelsea Việt Nam” cũng có hai lần đăng quang các năm 2007, 2008. Đà Nẵng ngay trong năm thứ hai có sự góp mặt của SHB, đã chấm dứt cơn khát danh hiệu 17 năm với chiếc Cup V-League 2009. Hà Nội T&T không có truyền thống nhưng nhờ sự bạo tay của ông bầu Đỗ Quang Hiển cũng kịp có một Cup V-League và hai lần về nhì. Sài Gòn Xuân Thành với biệt danh “thiếu gia” Sài thành cũng vừa giải Cup Quốc gia và Á quân V-League 2012.

Tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng như ông bầu Đỗ Quang Hiển từng thừa nhận, bóng đá Việt chưa thể sinh lời. Ông Hiển nói không sai. V-League, theo lý thuyết, các đội bóng sẽ sống bằng tiền bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình. Ngặt nỗi, V-League chưa đủ sức để hút khán giả đến sân, tiền vé vì thế không đáng kể. Tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình… cũng là câu chuyện tương tự.

Sống dựa hơi, khi các ông chủ kêu trời vì khủng hoảng kinh tế, bóng đá Việt cũng lao dốc theo. Navibank là doanh nghiệp mới nhất tháo chạy khỏi bóng đá. Ở Hà Nội, tin đồn hai đội bóng của bầu Kiên bị giải thể rộ lên. Nhiều đội bóng chậm lương cầu thủ vài tháng. Kế hoạch chuyển nhượng, chuẩn bị cho mùa bóng 2013 vẫn nằm trên bàn giấy…

“Làm bóng đá phải có cái tâm. Nhưng nhiều ông chủ đôi khi đổ tiền vào bóng đá chỉ để đánh bóng thương hiệu. Sự có mặt của các ông chủ đã đẩy bóng đá Việt Nam đi rất xa, vào những giá trị ảo. Nói vui thì sự phát triển kiểu dựa hơi ấy như bong bóng. Khi các ông chủ đạt mục đích hoặc việc kinh doanh khó khăn, bóng đá là gánh nặng và người ta có thể bỏ đi cả một đội bóng chỉ sau cái phẩy tay. Có vẻ như sau nhiều năm hào nhoáng, bong bóng bóng đá Việt Nam đã vỡ. Bóng đá Việt Nam đang đứng trước một thời kỳ rất khó khăn”, chuyên gia Nguyễn Văn Vinh bình luận.

(Theo Vnexpress)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X