Bấy lâu nay, bóng đá Việt Nam vẫn bị chỉ trích là yếu kém vì bạo lực vì cách làm quan liêu của những người quản lý. Thế nhưng môn thể thao vua xứ ta còn có chiến thuật “tàng hình” cực kỳ biến ảo mà không nền bóng đá nào có được.
Dư luận cả nước đang dậy sóng vì pha bóng triệt hạ của Quế Ngọc Hải với tiền vệ Trần Anh Khoa của SHB Đà Nẵng khiến cầu thủ này phải ngồi xe lăn. Án phạt cũng đã được đưa ra khi đội trưởng của U23 Việt Nam bị treo giò trong 6 tháng ở các giải quốc nội. Thế nhưng điều kỳ lạ là trong suốt 1 tuần qua khi NHM tỏ ra hết sức bất bình thì người ta không nhìn thấy bóng dáng VFF ở đâu. Tất nhiên việc quản lý V-League do VPF điều hành nhưng những trường hợp đặc biệt như của Ngọc Hải thì VFF phải can thiệp một cách quyết liệt. Nhưng rồi vì những vấn đề nhạy cảm, vì trung vệ SLNA là tài năng hiếm có của đất nước mà các quan chức của Liên đoàn bóng đá Việt Nam bỗng dưng “mất hút”. Không có bất cứ tuyên ngôn hay chỉ đạo nào được VFF công khai với dư luận. Thậm chí trong suốt thời gian sóng gió vừa qua, người ta cũng đột nhiên thấy ngài chủ tịch “tàng hình” trong mọi hoạt động của bóng đá nước nhà. Từ thất bại của U19, ồn ào về việc sa thải HLV Miura, bạo lực và tiêu cực ở V-League…VFF đều không có bất cứ hành động dứt khoát nào để trấn an dư luận.
Chiến thuật “tàng hình” của bóng đá Việt Nam đang trở nên ngày càng tinh vi hơn trong thời gian gần đây. Đặc biệt còn trở nên có hệ thống và trải rộng ở nhiều khía cạnh hơn.
Chiến thuật "tàng hình" là đặc sản riêng biệt của Bóng đá Việt Nam |
Trong vụ Ngọc Hải vừa qua, dư luận hết sức bức xúc vì cách đá bạo lực quá mức của cầu thủ này, thực tế chấn thương dành cho Anh Khoa là rất nặng và đứng trước nguy cơ giải nghệ. Sự việc của Ngọc Hải chung quy lại cũng vì lối chơi “chém đinh chặt sắt” của SLNA. Ấy thế mà trong tâm bão, trong lúc NHM muốn xem cách mà đội bóng xứ Nghệ sửa sai trên sân bóng thì bỗng dưng không có đài truyền hình nào phát trận Hải Phòng vs SLNA ở vòng cuối cùng V-League 2016. Như vậy, ngoài những người đến sân Lạch Tray thì đa số khán giả cả nước sẽ không được xem thái độ thi đấu của thầy trò HLV Quang Trường sau vụ Ngọc Hải vào chủ nhật này.
Trước đó, trận cầu tâm điểm vòng 25 giữa HAGL vs ĐTLA, trận đấu quyết định suất trụ hạng của thầy trò HLV Quốc Tuấn cũng mất hút trên sóng truyền hình. Xin thưa là ở thời điểm này, với vô số đài truyền lớn cùng các đài địa phương thì việc 1 trận đấu ở giải chuyên nghiệp không được truyền hình là điều cực kỳ phi lý, chưa kể hồi đầu mùa các đài tranh nhau bản quyền các trận của HAGL. Thật “trùng hợp” khi trận HAGL vs ĐTLA không bị “lộ” bất cứ hình ảnh nào đúng lúc dư luận đang nghi ngờ về việc “xin điểm” của đội bóng phố Núi. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên mà những trận cầu trong “tâm bão” đột nhiên không được lên sóng. Với chiến thuật “tàng hình” của BTC V-League thì đúng là bóng đá Việt Nam không biết đường nào mà lần.
Trước kia V-League nổi tiếng với chiến thuật “tàng hình” của các đội bóng, nhất là giai đoạn cuối mùa. 1 ứng viên vô địch có thể “bất ngờ” đánh mất phong độ để thua đội bóng khát điểm để trụ hạng. Mùa giải 2015, thậm chí số trận đấu kỳ lạ theo “chiến thuật” này càng nhiều hơn. Hà Nội T&T “tàng hình” trong hiệp 2 trận gặp HAGL để thua với tỷ số 2-3 dù dẫn trước 2 bàn. SLNA liên tục chơi dưới sức ở những vòng cuối và thua đậm 2 đội cần điểm trụ hạng là Cần Thơ và HAGL. Nói chung bóng đá Việt Nam như 1 thế giới “ảo” riêng biệt không lẫn với ai. Tất nhiên trong môi trường phức tạp ấy không ai có thể đoán trước và lường trước điều gì. Kể cả những người trong cuộc, những người điều hành cũng không rõ bóng đá Việt Nam đang đi về đâu, V-League cũng không biết bao giờ hết tiêu cực, bạo lực…
Doãn Công