Tuần này, chuyện chọn huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam nóng nhất. Nhưng vấn đề chính được phơi bày lại là việc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn không đoàn kết, thống nhất, nếu như không muốn nói là ngược lại. Bản thân VFF đang ngấm ngầm cuộc chiến quyền lực giữa cũ và mới, trước thềm đại hội nhiệm kỳ bảy.
Cuộc họp xuyên đêm
Phải đến sáng ngày 4/1/2013, thiên hạ mới biết rằng tối trước đó, có một cuộc họp vô cùng gay cấn để đi đến thống nhất lớn về quan điểm cho ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam, giữa đại diện Tổng cục Thể dục thể thao, VFF và huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn. Sở dĩ gọi gay cấn bởi cuộc họp chẳng mấy người biết, lại kéo dài xuyên đêm.Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn
Tất nhiên, chúng ta không lạ gì những động thái “bí mật” của VFF, căn cứ vào tiền lệ. Sự minh bạch ở tổ chức này luôn bị dư luận đặt dấu hỏi. Đơn cử gần đây nhất, tiền đạo Lê Công Vinh vô tình bị dính vào nghi án, sau khi ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch VFF đã “lập lờ” rằng có “danh sách đen” về những cầu thủ đã biểu hiện bất thường ở AFF Cup. Đội tuyển thất bại, không ai có thể hài lòng, nhưng như thế không có nghĩa là quy chụp Công Vinh là “cừu đen”. Thực tế, anh đã chịu quá nhiều tai tiếng sau cái nghi án úp mở đó. Giờ đây, thiên hạ lại ngã ngửa khi nghe Công Vinh vẫn có tên trong danh sách đợt tập trung sắp tới. Thế là thế nào!?
Sau “cuộc họp lịch sử” đêm 3/1/2013, ông Hoàng Anh Tuấn nhận hợp đồng 3 năm, chuyên trách, mức lương 200 triệu đồng/tháng. Và hai bên đều thống nhất sáng hôm sau sẽ điều chỉnh một vài điều khoản ở phần phụ lục, và tiến hành ký ngay hợp đồng, trước khi làm lễ “chào sân” với dư luận vài ngày sau. Nhưng khi trời vừa tảng sáng thì thông tin đó lộ, VFF nhận vô số áp lực từ đủ thành phần, bao gồm từ chính các lãnh đạo chủ chốt của VFF, khiến cho cuộc ký kết phải lùi lại. Tuy thế, cơ bản buổi làm việc ngay sáng 4/1/2013, hai bên thống nhất những gì đã họp bàn tối trước đó và xác định: Sử dụng HLV nội, trong đó ông Hoàng Anh Tuấn vẫn là sự lựa chọn số một, đấy cũng là quan điểm của Tổng cục.
Tổng cục TDTT yếu thế trước Thường trực VFF
Sự hiện diện của ông Phạm Văn Tuấn, không thể nói là tiếng nói thiếu trọng lượng. Ngoài vai trò phó chủ tịch VFF, ông Tuấn còn là phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao. Cũng không thể nói cuộc họp thiếu dân chủ, bởi còn có sự hiện diện của ông Tổng thư ký VFF Ngô Lê Bằng, Trưởng phòng các đội tuyển quốc gia Trương Hải Tùng.
Vậy nhưng sự việc vẫn bị tắc vào thời điểm đó bởi Thường trực VFF chưa quyết. Thực chất, tắc do nhân vật chính chưa quyết, Phó chủ tịch phụ trách tài chính Lê Hùng Dũng. Quan điểm của ông Dũng là chọn huấn luyện viên ngoại, nghĩa là “chọi” với số đông Thường trực VFF đã nhóm họp ngày 25/12. Ông Dũng còn hứa trước đó đã có nhà tài trợ hứa trả lương khủng cho thầy ngoại là 500.000 USD/ năm. Bóng đá ta đang khủng hoảng kinh tế, VFF không là ngoại lệ, nên ai nắm được mảng kinh tế người đó sẽ có tiếng nói cực kỳ trọng lượng. Vậy thì, còn ai có tiếng nói “sấm sét” ngoài nhà tài phiệt Lê Hùng Dũng? Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy chủ tịch VFF mấy ngày qua cũng chọn cách im lặng để “tọa sơn”. Một phó chủ tịch khác, ông Nguyễn Lân Trung, cũng ủng hộ quan điểm của tổng cục, chọn huấn luyện viên nội. Thành ra, có thể thấy ngoài ông Phạm Ngọc Viễn và Lê Hùng Dũng, các nhân vật trong Thường trực VFF cũng không muốn đi trái định hướng của tổng cục.
Đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm với VFF, bởi những quyết sách lớn, trong đó có chọn huấn luyện viên trưởng, thành bại đều do Thường trực VFF nhiệm kỳ bảy phải gánh chịu. Trong tiền lệ, không ít lần nhiệm kỳ sau phải “khóc thét” vì những quyết sách của khóa trước. Do đó, những nhân vật đang thuộc diện quy hoạch cho nhiệm kỳ bảy, đặc biệt là ông Phạm Văn Tuấn (khả năng lớn sẽ cạnh tranh với ông Lê Hùng Dũng cho ghế chủ tịch), ông Ngô Lê Bằng, muốn thực sự phải thay đổi toàn diện cung cách, lề lối làm việc đậm bao cấp và tư duy nhiệm kỳ như lâu nay. Nhưng cũng không phải dễ bởi VFF còn có bảo bối, quy định của FIFA về quyền của các liên đoàn thành viên phải được cơ quan quản lý tôn trọng.
Ai dũng cảm ngồi ghế HLV trưởng, giơ tay lên !
Trong khi chúng ta cứ mải miết tranh cãi, dền dứ chuyện thầy nội-thầy ngoại, thì không ai để ý đến điều căn bản nhất: Bóng đá ta đã lỗi hệ thống, việc chọn ông Hoàng Anh Tuấn hay ai đó, không quá quan trọng khi bản chất nền bóng đá cơ bản không thay đổi.
Cũng cần phải sòng phẳng thế này: Cho đến trước khi ông Hoàng Anh Tuấn chấp nhận đàm phán, VFF đã kêu gọi khản cổ nhưng chẳng huấn luyện viên nào dám dũng cảm đưa tay lên. Ngay cả những người được cho là thuộc dạng bản lĩnh như Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng đều chính thức từ chối. Còn lại, đa số đều dõi theo, trong tâm trạng vừa khao khát và sợ hãi, thậm chí khó tránh khỏi ghen tị! Không huấn luyện viên nội nào mặn mà, trước khi ông Tuấn nhận lời, đấy là một sự thật. Hoặc VFF và tổng cục không chọn được ai đáp ứng đầy đủ các tiêu chí. Những ứng viên ngoại vẫn chỉ nghe mơ hồ, thậm chí có người điện thoại đến xin ứng cử!?
Có một tiêu chí đang được đặt ra gay gắt cho huấn luyện viên nội : sự trong sáng hoàn toàn. Nếu tìm được một huấn luyện viên không tì vết về tư cách ở bóng đá ta, e rằng quá khó bởi một thời gian quá dài, một bộ phận lớn các cầu thủ (sau này trở thành huấn luyện viên) đã phải hít thở trong bầu không khí rất ngột ngạt của bóng đá tiêu cực.
Bất luận thế nào, ông Hoàng Anh Tuấn vẫn đã bị tổn thương bởi sự thiếu nhất quán, tôn trọng, sự dũng cảm; tinh thần đoàn kết, thống nhất của những người định chọn ông. Ông Tuấn hoàn toàn có thể sống khỏe với ghế huấn luyện viên trưởng Hải Phòng.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)