Chính bởi có nhiều ông bầu "xổi" mà giờ đây nền bóng đá nước nhà đứng trước nhiều thách thức ngàn cân treo sợi tóc khi ông bầu dính vào lao lý hay đơn giản là kinh tế khó khăn...
Chắc chắn không có ông bầu nào khi nhận đội bóng A hay B mà lại không làm việc, quan hệ với địa phương đó, đơn giản là đội bóng phải có đất mà đứng chân, có sân tập và thi đấu, có ngành thể thao để kết hợp tổ chức thi đấu và các hoạt động liên quan. Đặc biệt, chỉ khi kết hợp chặt chẽ với địa phương, đội bóng mới có một lực lượng CĐV hùng hậu và thủy chung. Đội bóng phải đứng vững trên “đất” ấy may ra mới tránh khỏi nguy cơ bị…rao bán, bị đe dọa giải tán như mọi người đã thấy.
Lâu nay, ở ta đã có chuyện ông bầu mạnh tay đứng ra lập đội bóng trên cơ sở mua bán HLV và cầu thủ, giống như chuyện “bứng” cây từ muôn nơi về trồng. Tất nhiên, địa phương chẳng làm gì cũng “được” một đội bóng. Chỉ có điều, việc chăm lo thành tích được khoán cho ông bầu, địa phương không lo đào tạo trẻ, cũng không cần thưởng nóng, thưởng nguội. Khán giả lèo tèo nên ban tổ chức địa phương càng không phải lo gì nhiều về đảm bảo an ninh, an toàn trước, trong và sau thi đấu.Đến giờ này liệu CLB Hà Nội có dự mùa giải mới hay không vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Vậy nên khi thắng thì vui vẻ, hể hả, còn khi khó khăn thì…tự lo, giải tán hay cố gắng lê lết là chuyện của “các chú”. Cầu thủ không phải là người địa phương, chả ngại ngần bác nào, chú nào, chẳng sợ CĐV nào la mắng nên chậm lương, nhạt thưởng là kêu, là đình công, bỏ tập, bỏ đội. Cần thiết vẫn “đoàn kết” đến hơi thở cuối cùng, tuyệt đối không hé răng khai ra ai “đội trưởng” đội đình công! Tóm lại, đó là “mô hình” dở hết chỗ nói của kiểu đội bóng “bứng” về trồng trên một mảnh đất cằn mọi mặt về bóng đá.
Ở nước ta, câu hỏi tại sao các địa phương vốn rất mạnh về kinh tế - xã hội, nhất là thể thao như Hà Nội và TP.HCM cuối cùng vẫn “ngán” việc duy trì một đội bóng đá hạng mạnh? Trong khi đó các địa phương nghèo như Nghệ An, Đồng Tháp lại “sống chết” nuôi bằng được và trong khó khăn triền miên, họ lại miễn dịch tốt trước mọi thể loại bệnh tật?
Ai cũng biết bóng đá không bao giờ chết, nếu mọi đường đi nước bước để duy trì và phát triển được thực hiện căn cơ, bài bản, trên một mảnh đất hiện thực sống động. Không phải có tiền là làm được bóng đá, càng không phải ông bầu nào cũng thành công nhờ bóng đá.
Hãy bắt đầu từ bóng đá đường phố, bóng đá chân đất. Niềm khát khao tự nhiên chân thành của con người nếu được đầu tư, được chăm trồng khoa học và có định hướng thì mới sinh ra người Braxin từ đời này qua đời khác luôn là “nghệ sỹ sân cỏ” mà Pele là điển hình.
Mặt khác, thế giới văn minh có thể tạo điều kiện thu hút và tập hợp mọi tài năng khắp các gầm trời, nâng bước để họ trở thành những cầu thủ kiệt xuất, mà Messi là một ví dụ tiêu biểu. Ở đây, bóng đá không chỉ là môn thể thao vua đơn thuần, mà còn là văn hóa, văn minh xứ sở. Tây Ban Nha hiện thời chắc chắn cũng gặp khó trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, nhưng sẽ không thể có chuyện ông bầu FC Barca tuyên bố…giải tán đội bóng hay chuyện nọ, chuyện kia bôi bác, lằng nhằng.
Ở ta, rõ ràng một số ông bầu nhảy vào bóng đá và hoạt động kém hiệu quả của bộ máy điều hành làm cho câu chuyện trở nên kém vui vẻ đối với người hâm mộ, thậm chí đặt bóng đá vào…cửa hẹp, cửa thua. Vấn đề là cơ quan quản lý phải biết xây dựng cơ chế, quy chế để vận hành một giải đấu quốc gia như nó cần phải diễn ra. Bắt đầu phải là sự trung thực, cao thượng của thể thao để thu hút khán giả tới sân. Thời bao cấp sao sân Hàng Đẫy luôn không còn một chỗ trống? Người rành bóng đá luôn chọn việc ra sân cuối tuần chứ không chọn cách dán mắt vào tivi dù đó cũng là một thứ giải trí thích hợp.
Khó lắm khi mọi thứ đã và đang trở nên bầy hầy, nhưng không thể không thay đổi và làm lại. Hãy bắt đầu từ nơi người ta đến với bóng đá một cách vô tư, say sưa, không bao giờ toan tính, vụ lợi như mấy ông bầu xổi nọ…
(Theo Vietnamnet)