Bầu Thắng là một trong những ông bầu đi tiên phong làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam. Quan điểm làm bóng đá của ông bầu này là phải đầu tư hiệu quả, thành công của đội bóng đem lại những lợi nhuận về thương hiệu trong kinh doanh. Ngay cả bây giờ, khi đang làm Chủ tịch VPF, thì lợi nhuận từ V.League vẫn là điều mà bầu Thắng đang hướng tới.
Thời V.League mới chập chững vào chuyên nghiệp, bầu Thắng đã nổi đình nổi đám khi chi tiền để có được sự phục vụ của HLV Calisto, giúp ĐTLA hồi đó trở thành một tên tuổi lẫy lừng trong làng bóng đá Việt suốt nhiều năm liền. Cũng như các ông bầu khác, việc đầu tư vào bóng đá những năm mới lên chuyên nghiệp, giúp các doanh nghiệp thu lợi nhuận lớn từ giá trị thương hiệu. Đó chính là cái lãi nhất, chứ không phải trông vào vài đồng bán quảng cáo trên sân, bản quyền tuyền hình, vé…
Bầu Thắng có cách làm bóng đá hiệu quả
Bóng đá là kênh quảng cáo hiệu quả để ông Thắng tung ra thị trường sản phẩm của Đồng Tâm. Nói một cách dễ hiểu, bóng đá là sản phẩm vô hình được bầu Thắng nhắm đến để đầu tư, mua bán.
Với sự đầu tư hiệu quả, nên ngay cả sau này, ĐTLA thi đấu bết bát và bị xuống hạng, bầu Thắng vẫn tỉnh như không. Tuy nhiên, không như trước, bầu Thắng tiêu tiền ở mức rất chừng mực, duy trì đội bóng trong thời điểm khó khăn kinh tế. Ở 2 mùa giải gần đây, ĐTLA gần như không được đầu tư mua sắm cầu thủ cũng như chuyện tăng lương, thưởng, nhưng sau khi xuống hạng, đội bóng này đã trở lại “mái nhà xưa” ở mùa giải năm nay.
Rõ ràng là cùng với kinh tế suy thoái, túi tiền bầu Thắng chi cho bóng đá ngày một thắt chặt. Thậm chí, CLB Kiên Giang được ngân hàng của bầu Thắng tài trợ với số tiền 20 tỷ mỗi năm, nhưng trước khó khăn kinh tế, CLB này đã bị cắt "bầu sữa", dẫn đến việc giải thể ở mùa giải năm nay.
Ở ĐTLA, bầu Thắng tận dụng tối đa cầu thủ trẻ để giảm bớt chi phí, nên mỗi năm, ngân sách hoạt động của CLB này luôn ở mức thấp nhất, cụ thể là trong khoảng 35 tỷ đồng.
Quan điểm trong cách làm bóng đá của bầu Thắng nhiều năm nay, chính là nếu không thay đổi cách trả lương, thưởng và đặc biệt là tiền lót tay, không sớm thì muộn CLB sẽ suy sụp không thể gượng dậy nổi. Rất nhiều cầu thủ ở V.League nhận lương 30 đến 50 triệu/tháng nhưng lại cầm lót tay đến cả 1-2 tỷ/năm, chưa kể tiền thưởng. Điều đó khiến ngân sách hoạt động ở mỗi đội bóng luôn phình to.
Bầu Thắng luôn giữ chặt quan điểm của mình về mua sắm lực lượng. Theo ông, nếu tốn kém mà chơi không thành công thì sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu. Việc đội bóng xuống hạng cũng là chuyện bình thường và giá trị thương hiệu sẽ không bị mất đi nhiều nếu như hình ảnh thi đấu của các cầu thủ được thể hiện.
Sẵn sàng đối mặt với khó khăn và chấp nhận chuyện CLB xuống hạng nhưng nhất quyết không phá giá chuyển nhượng, lương, thưởng, cách làm của bầu Thắng đã nhận được ủng hộ của nhiều đội bóng ở thời điểm hiện tại.
Làm ông bầu bóng đá như vậy, nên khi đóng vai Chủ tịch VPF - công ty điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, bầu Thắng cũng đặt mục tiêu kinh doanh song hành với việc nâng chất giải đấu số 1 Việt Nam.
Những hành động như thắt chặt chi tiêu nhưng không tiếc tiền thuê các chuyên gia ngoại; Các CLB phải nộp phạt lớn, đóng tiền lệ phí nhiều, nhưng luôn được khuyến khích bằng những giải thưởng…Bầu Thắng luôn tin rằng, trong một ngày không xa, V.League sẽ trở thành giải đấu hái ra tiền, như con đường J.League (Nhật Bản) đang đi.
Đã qua thời nổi đình nổi đám với những vụ mua sắm tiền tỷ, bầu Thắng đang hướng CLB của mình vào quy củ, với chủ trương sử dụng đồng tiền hợp lý, hiệu quả, nhưng vẫn đáp ứng được công tác đào tạo trẻ. Còn tại V.League, dù có nhiều khó khăn nhưng bầu Thắng cùng các cộng sự vẫn đang đầu tư tâm huyết. Đó là cách làm bóng đá mang thương hiệu riêng của bầu Thắng, không lẫn vào đâu được.
Theo Vietnamnet