Từng tuyên bố “kháng án” đến cùng kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT-DL, nhưng sau vòng đấu 14 V.League, lãnh đạo VPF bất ngờ đạt được thỏa thuận với AVG về vấn đề bản quyền truyền hình bóng đá nội. Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên khẳng định sẽ rút lại đơn kiện.
Trao đổi với các phóng viên, Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên cho biết, trong ngày 14/4, đại diện VPF đã có buổi làm việc cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG Phạm Nhật Vũ. Bầu Kiên khẳng định VPF và AVG đã giải quyết xong những khúc mắc còn tồn tại trong vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu chuyên nghiệp như: Giá trị hợp đồng, diện phủ sóng, thời hạn hợp đồng...
Phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên khẳng định sẽ rút lại đơn kiện |
Chi tiết buổi làm việc này chưa được các bên công khai, nhưng Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên khẳng định các bên đã làm việc trên tinh thần hợp tác, tất cả đều vui vẻ và hài lòng trước những gì đạt được. Với tư cách là đơn vị quản lý - tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF đã và đang phấn đấu mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho bóng đá Việt Nam.
Sau khi đạt được thỏa thuận với AVG, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cũng lên tiếng xác nhận việc lãnh đạo VPF quyết định rút lại đơn kiện gửi đến lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên quan. Với quyết định vừa đưa ra, “cuộc chiến” bản quyền bóng đá nội kéo dài và phức tạp đã chính thức khép lại sau gần nửa năm diễn biến căng thẳng.
“Cuộc chiến” bản quyền giữa VPF - AVG bắt đầu từ tháng 12/2011. Ngay khi VPF được “khai sinh”, công ty này đã yêu cầu AVG - VFF xem xét lại bản hợp đồng có thời hạn 20 năm ký vào năm 2010. Lãnh đạo VPF cho rằng việc ký hợp đồng diễn ra không đúng luật, giá quá thấp (6 tỷ đồng/năm, lũy tiến 10% hàng năm),thời hạn quá lâu...
Trước đề nghị của VPF, Bộ VH-TT-DL đã thành lập đoàn thanh tra rà soát lại hợp đồng truyền hình có thời hạn 20 năm do VFF ký chuyển giao cho AVG. Giữa tháng 2/2012, Thanh tra Bộ VH-TT-DL ra phán quyết khẳng định hợp đồng truyền hình VFF-AVG đồng diễn ra đúng luật.
Kết luận của Thanh tra Bộ VH-TT-DL vấp phải những phản ứng dữ dội từ VPF. Hội đồng quản trị VPF tuyên bố sẽ tiếp tục làm đơn kháng án đề nghị xem lại hợp đồng truyền hình theo đúng trình tự pháp lý.
Trong lúc VPF tiến hành thủ tục khiếu nại, AVG bất ngờ chấp nhận chia sẻ bản quyền theo tỷ lệ 40 - 30 - 30. Trong đó VTV được chia 40 %, VTC 30 % và AVG 30 %. Việc chia sẻ này sẽ được áp dụng đối với tất cả các giải bóng đá thuộc hệ thống thi đấu của VFF đã ký hợp đồng chuyển giao thương quyền cho AVG là: V-League, hạng Nhất, VĐBĐ nữ, U19, các trận đấu của ĐT Việt Nam.
Mức giá bản quyền chi trả cho VFF hàng năm cũng được điều chỉnh lên mức 10 tỷ đồng/năm (có điều khoản lũy tiến), thay vì 6 tỷ đồng/năm và lũy tiến 10% như lúc ký kết (2010)
Diễn biến “cuộc chiến” bản quyền giữa VPF và AVG
- Tháng 12/2010, VFF bán độc quyền cho AVG với thời hạn 20 năm để đối tác này khai thác hình ảnh 4 giải đấu: V- League (Super League), hạng Nhất, Cúp QG, Siêu Cup.
- Ngày 8/9/2011, “bầu” Kiên lên tiếng phản đối việc VFF ký hợp đồng có thời hạn 20 năm cho AVG, đồng thời yêu cầu VFF phải xem xét lại hợp đồng.
- Ngay sau lễ ra mắt VPF ngày 14/12, “bầu” Kiên tuyên bố VPF sẽ đàm phán lại hợp đồng bản quyền truyền hình với AVG.
- Ngày 23/12/2011, VPF gửi công văn đề nghị đàm phán với AVG về những vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình. Nhưng cuộc họp đã không diễn ra do lãnh đạo AVG bận đi công tác.
- Ngày 28/12/2011 AVG tuyên bố chỉ nhấp nhận đàm phán với VFF, đơn vị đã ký hợp đồng với AVG.
- Ngày 29/12/2011, Phó chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Kiên ký công văn cho phép VTV và các đơn vị trực thuộc truyền hình trực tiếp cả 4 giải đấu.
- Tháng 2/2012, Bộ Tư pháp và Thanh tra Bộ VH-TT-DL khẳng định hợp đồng VFF ký với AVG diễn ra đúng luật. Trước phán quyết này, lãnh đạo VPF tuyên bố sẽ theo đuổi “cuộc chiến” đến cùng.
- Tháng 3/2012, AVG bất ngờ đưa ra quyết định chia sẻ 70% bản quyền cho hai đài truyền hình lớn là VTV và VTC theo tỷ lệ 40 - 30- 30.
- Ngày 14/4, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên tuyên bố rút đơn kiện sau khi thống nhất được những khúc mắc với AVG.
(Theo Dân Trí)