Thứ Sáu, 29/03/2024Mới nhất
Zalo

Bạo lực leo thang ở V-League: Cầu trường hay đấu trường?

Thứ Tư 11/05/2011 22:09(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Giải thích về việc ngôi chùa Thiếu Lâm nổi tiếng của Trung Quốc vừa quyết định thành lập một trường dạy bóng đá nhằm kết hợp giữa võ thuật và môn thể thao vua, với hy vọng tạo ra các tài năng đẳng cấp thế giới, ông Thích Diên Lỗ, một quan chức trong chùa Thiếu Lâm, khẳng định: “Võ thuật và bóng đã có nhiều điểm tương đồng. Chúng tôi muốn đưa tinh thần của võ thuật Thiếu Lâm vào trong bóng đá, nhằm nâng cao khả năng cho bóng đá Trung Quốc…”.

Tuy nhiên, với những gì đã và đang diễn ra với Eximbank V-League 2011, bóng đá VN tỏ ra còn cấp tiến hơn cả xứ Tàu, khi có sự phối kết hợp của kung-fu, pencak silat và cả muay Thái. Trong khi những cú song phi ở tầm cao là ngón đòn của kung-fu, thì pencak silat cho phép cầu thủ thực hiện các cú “tắc” – quét trụ, còn muay Thái nghĩa là có thể lên gối, giật chỏ thoải mái.

Muốn đá bóng, phải có “võ”

Đá bóng bằng… mồm (miệng) vẫn cứ nhan nhản ra đấy: cầu thủ với trọng tài, cầu thủ với cầu thủ. Mục đích của nó là khiến cho đối phương (hay đội ngũ cầm cân nảy mực) mất tập trung, ức chế, thậm chí sợ sệt không thể chơi bóng. Nhưng, những màn đấu khẩu, trước, trong và sau trận đấu (còn gọi là võ mồm), giờ xưa rồi. Để đá bóng (và thành công) ở VN, cầu thủ phải giỏi võ. Không tin cứ nhìn vào nhà vô địch lượt đi Eximbank V-League 2011, SLNA, mà xem! Hầu hết các cầu thủ SLNA đều là nhà vô địch “tán thủ”.

SLNA nổi tiếng là đội bóng chơi rắn ở V-League

Người HA.GL, sau trận thua 0 – 1 trước SLNA ngay trên sân nhà (trận đấu sớm vòng 13 Eximbank V-League 2011), kể lại rằng, họ gần như không thể tập trung chơi bóng, khi đối phương cứ lăm lăm đá người. “Họ (cầu thủ SLNA) nhắm vào những cầu thủ trẻ và cầu thủ người nước ngoài trước nhất, hòng phủ đầu, dọa dẫm. Trận đó, từ Hoàng Thiên, đến Anh Tuấn, Tăng Tuấn, rồi Marcelo, Elvaldo…, đều là những mục tiêu triệt hạ hàng đầu. Chỉ chực chờ trọng tài quay đi, cầu thủ SLNA lập tức đá nguội, khiêu khích. Phản ứng lại, như tình huống của Văn Trương hay Evaldo chẳng hạn, là dính thẻ ngay”, trưởng đoàn bóng đá HA.GL, Nguyễn Tấn Anh, bức xúc.

Ai trị được SLNA?

Vẫn còn cách khác để trị SLNA (tất nhiên nó không nên được cổ xúy), là dĩ độc trị độc: đá rắn và đá láo trả lại, nếu cần. Trận đấu ở vòng 8 V-League 2010 trên sân Cao Lãnh, TĐCS.ĐT dường như đã được đả thông tư tưởng này. SLNA hôm đó vẫn áp sát, pressing và tung cước phủ đầu. Chỉ ít phút đầu trận, Trọng Hoàng 2 lần ra chân; Lâm Tấn, Văn Bình, Đắc Khánh…, cũng rất tích cực ở những điểm nóng. Bằng mọi cách, không được phép để cầu thủ chủ nhà kiểm soát bóng.

Nhưng, các học trò của HLV Phạm Công Lộc cũng không phải dạng vừa. Trong một pha bóng cố rướn người cản phá, Lâm Tấn bị Felix Ajala gài, kết quả Tấn phải rời sân theo phương song song với mặt đất, với chấn thường dây chằng đầu gối phải tái phát. Duy Khanh khiến Công Mạnh phải nhấc chân, tránh đòn. Văn Mộc, với cú kê người rất kín sau đó, buộc Công Mạnh phải tập tễnh, bỏ ngang trận đấu. Bản thân đội trưởng Huy Hoàng cũng rướm máu ở mu bàn chân, còn Vidovic thì ra dấu thay người vì choáng váng sau pha tranh chấp bóng bổng với Văn Ngân…

Phải có những chế tài mạnh tay, bên cạnh công tác giáo dục, rằng bóng đá không phải võ thuật hay sân bóng không là võ đài tranh đai vô địch. Sẽ là thảm họa, nếu thứ bóng đá xấu xí lên ngôi. Thế giới cũng chưa từng có tiền lệ. Nhưng, trước khi phó thác cho các trọng tài VFF, lời khuyên cho phần còn lại của V-League: cắp sách xuôi Cao Lãnh tầm sư học đạo, trước khi tính kế đối đầu với SLNA.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X