Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Ban trọng tài: Người cũ liệu cách làm có mới?

Thứ Tư 02/04/2014 02:14(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Việc ông Nguyễn Văn Mùi ngồi ghế trưởng Ban trọng tài thực chất chỉ chọn lại người cũ. Các thành viên trong ban này cũng chưa có gì mới. Chỉ hy vọng là cách làm sẽ mới và công tác trọng tài thực sự sẽ có bước đột phá như lời VFF đã tuyên bố…

Bộ máy không mới

Bên cạnh vị trí trưởng ban của ông Nguyễn Văn Mùi, các thành viên còn lại trong Ban trọng tài cũng toàn những gương mặt cũ, gồm các ông Bùi Như Đức, Đặng Thanh Hạ và Nguyễn Tấn Hiền. 3 ủy viên vừa nêu chính là những người từng trải qua nhiều nhiệm kỳ khác nhau của Ban trọng tài, và cũng không thể nói là họ vô can trong việc trọng tài Việt Nam càng lúc càng sa sút về mặt chất lượng, cũng như sa sút niềm tin nơi các đội bóng và người hâm mộ.

Chưa có đột phá về nhân sự trong Ban trọng tài
Chưa có đột phá về nhân sự trong Ban trọng tài

Riêng 2 ủy viên Bùi Như Đức và Đặng Thanh Hạ từng “đụng” nhau hơn 1 năm trước, khi ông Đức tố ông Hạ “tính nhầm” tiền chế độ, vì việc đấy mà có thời gian ông Hạ bị “treo” làm nhiệm vụ. Trao đổi vấn đề này với PCT phụ trách chuyên môn của VFF Trần Quốc Tuấn, ông Tuấn cho biết: “Đấy là chuyện cũ và công việc là công việc. Trong công việc thì họ phải biết hợp tác với nhau vì cái chung”. Cái khó của giới trọng tài thường nằm ở chỗ khi các ủy viên đụng nhau, thì việc đụng chạm có phải vì cái chung hay không? Hay vì đụng chạm quyền lợi và vì “dây” này đá “dây” kia?

Bởi từ cách đấu tố của các ủy viên trong Ban trọng tài nhiều tháng trước, liên quan đến vụ việc của ông Bùi Như Đức và ông Đặng Thanh Hạ, người ta đã chứng kiến những “đòn bẩn” lẽ ra không nên có, theo kiểu “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”. Người tố thay vì làm đúng trình tự thì lại chủ động bắn tin trước cho giới truyền thông về sai sót của nhau.

Nhân tố mới duy nhất, đáng chờ đợi nhất chính là phó trưởng Ban trọng tài Dương Văn Hiền. Người ta hy vọng vài ông Hiền là hy vọng vào cái mới. Cũng từng có lúc có người dự báo là ông Hiền sẽ ngồi thẳng ghế trưởng ban. Dù vậy, tính về thâm niên và sự ủng hộ của đồng nghiệp, ông Hiền có thể chưa bằng ông Mùi nên tạm đứng sau một bước.

Tăng tính cạnh tranh từ trọng tài ngoại

Mời hay không mời trọng tài ngoại là vấn đề gây tranh cãi. Dù vậy, đã đến lúc làng cầu Việt Nam cần có cái nhìn thoáng hơn, nếu sự xuất hiện của các trọng tài ngoại có thể nâng chất trọng tài nội. Việc nâng chất ở đây không đơn thuần nằm ở chỗ chất lượng trọng tài ngoại hơn trọng tài nội, mà nâng tính cạnh tranh.

Lâu nay, nói về giới trọng tài là người ta nói về những câu chuyện thâm cung bí sử, về những vòng tròn khép kín, từ khâu tuyển chọn, đến khâu phân công trọng tài, về chuyện giới này đôi khi không tồn tại bằng năng lực mà bằng khả năng chạy dây.

Vậy thì sự có mặt của trọng tài ngoại sẽ góp phần phá bỏ cái vòng tròn khép kín này. Ban trọng tài không thể vin vào cái cớ thiếu trọng tài để bao biện cho những yếu kém của các thuộc cấp. Bản thân các trọng tài cũng phải có ý thức tự nâng cao năng lực, nếu không muốn mất việc.

Đấy cũng là cách tốt để làm giảm bớt quyền sinh quyền sát của một số vị làm công tác phân công trọng tài, vốn đang được hưởng quá nhiều đặc ân, nhưng lại chưa cho thấy họ xứng đáng với những quyền hành mà họ có trong tay.

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói: “Bóng đá Việt Nam đã có HLV ngoại, có cầu thủ ngoại, tại sao chúng ta không tiến đến việc mời trọng tài ngoại?!”. Có lẽ đã đến lúc cần đến nhân tố ngoại để phá bỏ sự trì trệ của giới trọng tài Việt Nam nhiều năm qua, phá bỏ cái thế độc quyền của giới “vua sân cỏ” trong nước vốn luôn là đề tài nhức nhối trong dư luận.

Có thể có người thắc mắc về chất lượng của các trọng tài ngoại, nếu họ được mời. Nhưng cũng nên đặt vấn đề ngược lại, rằng nhiều năm sử dụng toàn trọng tài trong nước, chúng ta đã bao giờ yên tâm về chất lượng của lực lượng này? Yên tâm về mặt niềm tin?

Nếu câu trả lời là không thì cũng nên thử cách làm mới. Việt Nam cũng không phải là nước đầu tiên sử dụng trọng tài ngoại cho giải quốc nội, nếu điều đó xảy ra, bởi Trung Quốc và Indonesia cũng đã làm rồi. Mà hiện tại thì không nền bóng đá nào trong 2 nền bóng đá vừa nêu kém hơn nền bóng đá Việt Nam cả!

Theo Dân Trí
 

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X