Sự kiện CĐV SLNA “phủ vàng” sân Hàng Đẫy trong trận gặp chủ nhà HN.T&T ở vòng 4 vừa qua chắc chắn sẽ được nằm trong danh sách bình chọn những sự kiện tiêu biểu của mùa bóng 2013, và thông qua sự kiện này, những người làm bóng đá Việt Nam hẳn đã học được bài học kinh nghiệm bổ ích.
Rõ ràng CĐV vẫn chưa hề quay lưng lại với bóng đá nội, và vấn đề chỉ là làm sao để khi tới sân theo dõi bóng đá, các CĐV cảm nhận được sự gắn bó chặt chẽ và gần gũi với cầu thủ đang thi đấu dưới sân, thay vì chỉ ngồi trên khán đài theo dõi một cách thờ ơ. Không phải ngẫu nhiên mà những đội bóng đậm chất địa phương như SLNA hay Thanh Hoá lại là 2 đội bóng có nhiều CĐV nhất ở V-League hiện tại, và cả 2 đều đang bay cao trên bảng xếp hạng V-League.
HLV Hữu Thắng của SLNA chào khán giả xứ Nghệ trên sân Hàng Đẫy ngày 7/4 vừa qua |
Trước đây, khi tư duy bóng đá kim tiền còn thịnh hành ở V-League, yếu tố màu cờ sắc áo không được nhắc đến nhiều lắm, nhưng trong hoàn cảnh cả nền bóng đá đang phải thắt lưng buộc bụng như hiện nay thì đây lại trở thành tôn chỉ có ý nghĩa sống còn với không ít CLB.
Có một thực tế mà ai cũng phải thừa nhận rằng dù đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong giai đoạn trước đây, nhưng những đội bóng được xem là lấy giá trị truyền thống làm nền tảng như SLNA, Thanh Hoá hay kể cả TĐCS.ĐT đều vẫn nỗ lực để tồn tại thành công, cho dù họ thường xuyên phải đối mặt với nỗi ám ảnh về ngân sách eo hẹp và nguy cơ chảy máu lực lượng.
Bóng đá cho dù có được chuyên nghiệp hoá tới mức độ nào thì xét về bản chất bóng đá vẫn là một trò chơi, mà phàm đã là trò chơi thì phải đến với nhau bằng sự tự nguyện, chứ không thể lôi kéo khán giả bằng những cách phi bóng đá như trả tiền lương cổ vũ cho CĐV, hoặc biến mỗi trận đấu bóng đá thành một buổi biểu diễn tạp kỹ ngoài trời.
Với các CĐV SLNA trên sân Hàng Đẫy vào chiều ngày 7/4 vừa qua thì họ đến sân không đơn thuần chỉ là để theo dõi bóng đá, mà có thể đây còn được xem là một cuộc giao lưu văn hoá, một dịp gặp mặt ở quy mô cực lớn của những người con xứ Nghệ xa quê đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hà Nội.
Chính bởi nhu cầu đến sân theo dõi bóng đá được xuất phát từ tận đáy lòng một cách tự nhiên như thế, nên các CĐV SLNA mới có thể làm được một kỳ tích là biến sân Hàng Đẫy thành chảo lửa Vinh giữa lòng Hà Nội.
Chứng kiến cảnh tượng CĐV SLNA “tung hoành” như trên sân Vinh, hẳn không ít CĐV Hà Nội đã cảm thấy chạnh lòng, và có lẽ đấy là lý do khiến một nhóm đông đảo khán giả Thủ đô trên tầng 2 khán đài A sân Hàng Đẫy đã tự nhóm họp và cổ vũ cho HN.T&T như là cách để làm đối trọng với CĐV SLNA.
Tất nhiên, xét cả về quy mô cũng như mức độ máu lửa thì dàn CĐV này thua xa với những CĐV của Thể Công hay CAHN trên sân Hàng Đẫy trước kia, nhưng cái gì mà chẳng có sự khởi đầu. HN.T&T muốn chinh phục được trái tim khán giả Thủ đô thì trước hết phải bắt đầu bằng việc gây dựng từng nhóm nhỏ CĐV như thế.
Chẳng phải trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” nhà thơ Chế Lan Viên đã viết: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn” đấy sao!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)