Những hình ảnh Công Phượng cô độc trên sân trong trận đấu giữa Olympic Việt Nam và Olympic Indonesia đã khiến dư luận xôn xao và xuất hiện cả những tranh cãi. Tuy nhiên, sự thực có đúng là số 10 của Olympic Việt Nam đang bị cô lập?
Trách ai, ai trách?
Có một thực tế, khi Công Phượng thi đấu trên hàng tấn công của HAGL ở V.League, tiền đạo này cũng thường xuyên tỏ ra cô độc khi không tìm được sự ăn ý với các đối tác xung quanh. Nguyên nhân cơ bản là kiểu đá và cách chơi của Phượng mang nặng tính cá nhân, anh cũng bị các cầu thủ đối phương theo sát, nhiều lúc Công Phượng đóng vai trò "chim mồi" để tạo khoảng trống cho các cầu thủ xung quanh. Nói cách khác, ngay ở CLB thì việc Công Phượng cũng rất ít khi nhận được bóng từ đồng đội là chuyện bình thường.
Nhiệm vụ của một mẫu tiền đạo như Công Phượng là hút hậu vệ đối phương, và đôi khi có khả năng tạo nên sự đột biến bằng những phút bùng nổ bất ngờ. Việc tham gia phối hợp cùng toàn đội sẽ có những hạn chế nhất định, và không thể yêu cầu sự liên tục.
Nhiều ý kiến nhận xét rằng Công Phượng đang bị cô lập trong màu áo đội tuyển Olympic Việt Nam. |
Ở đội tuyển Olympic Việt Nam, trong 2 trận đấu với Hà Nội T&T và Olympic Indonesia, Công Phượng đóng vai trò một tiền đạo lùi hay còn gọi là tiền đạo "ảo". Phượng không phải là người có khả năng dứt điểm tốt và HLV cũng không yêu cầu nhiệm vụ ghi bàn thuộc về Công Phượng. Thế nên, dễ hiểu khi ở 2 trận đấu trên, nhiều lần dù được đồng đội tạo cơ hội đối mặt với thủ môn đối phương, Phượng vẫn không có đủ tố chất cần thiết để biến cơ hội ấy thành bàn thắng.
Và cũng vì lẽ đó mà Công Phượng không phải là điểm đến cuối cùng trong các đợt tấn công của Olympic Việt Nam. Người làm nhiệm vụ ấy, là tiền đạo chơi cao nhất Thanh Bình, thậm chí là các vệ tinh xung quanh. Một điểm nữa, khiến người ta cảm thấy Công Phượng bị cô độc là bởi sự hòa nhập của cầu thủ với các đồng đội xung quanh.
Theo một cầu thủ của Olympic Việt Nam, thì Phượng không giỏi trong khả năng chọn vị trí thuận lợi để nhận bóng, hoặc luôn bị hậu vệ đối phương theo sát, vì thế nếu đưa bóng thường xuyên cho Phượng thì tỷ lệ mất bóng cao, đấy là chưa kể, mỗi khi để mất bóng Phượng rất khó giành lại được bởi khả năng tranh chấp kém. Công Phượng cũng rất ít khi giao tiếp bằng lời nói, điều mà HLV Miura luôn yêu cầu các cầu thủ gọi nhau trên sân. Thế nên, không thể trách các đồng đội khi không chuyền bóng cho Công Phượng.
Dư luận đang cô lập Công Phượng?
Phải thừa nhận rằng, những gì Công Phượng làm được ở trận gặp Olympic Indonesia ở mức tròn vai. Đội tuyển Olympic Việt Nam đang trong quá trình thử nghiệm, thế nên không chỉ riêng Công Phượng mà các vị trí khác cũng chưa tìm được sự ăn ý. Tuy nhiên, dường như dư luận đang quá đề cao Công Phượng lên trên tất cả, thậm chí, đang tự cô lập Công Phượng ra khỏi cả tập thể.
Tối 9/3, mỗi khi Công Phượng có bóng, khán đài sân Mỹ Đình lại ồ lên và hô vang tên cầu thủ này. Thậm chí, sau trận đấu dường như có hẳn một kế hoạch để bảo vệ Công Phượng, cứ như anh đang bị đối xử bạc bẽo ở đội tuyển, trong khi mọi chuyện không phải như vậy. Sự đề cao quá đáng của dư luận đối với Công Phượng có thể xuất phát từ tình yêu và sự kỳ vọng với tài năng trẻ này.
Nhưng thực tế, phải hiểu rằng Công Phượng không phải ngôi sao số 1 của đội tuyển, không thể là người đứng trên cả một tập thể vốn được xây dựng một cách công bằng của HLV Miura. Ngay cả vị trí tiền đạo đá chính, Công Phượng cũng đang phải vất vả để cạnh tranh 1 suất.
Thế nên, việc dư luận đang đẩy xa vấn đề và nâng tầm Công Phượng vượt quá khả năng của anh càng khiến số 10 gặp khó khăn hơn trong việc hòa nhập cùng toàn đội. Chính những tình yêu ấy cũng chẳng khác nào đang hại tài năng trẻ của Olympic Việt Nam.
Theo Kênh14