Sự sa sút không phanh trong khoảng gần một thập kỷ qua đã khiến các nhà làm bóng đá Thái Lan suy nghĩ lại việc từ lâu đã không còn coi vô địch Đông Nam Á là mục tiêu hàng đầu.
Một thập kỷ đánh mất danh hiệu “ông kẹ khu vực”
Sau khi thống trị khu vực với 3 chức vô địch Đông Nam Á vào các năm 1996, 2000 và 2002, Thái Lan bắt đầu tính tới những kế hoạch dài hơi hơn để tiến vào đấu trường cấp châu lục cũng như thế giới. Đó là lý do vì sao đã tròn 10 năm, kể từ chiếc cúp 2002 trên đất Indonesia, người Thái không được tận hưởng cảm giác ngự trị trên đỉnh Đông Nam Á nữa. Họ để Singapore, Việt Nam rồi Malaysia lần lượt qua mặt khá dễ dàng. Thậm chí năm 2004 và 2010, tuyển Thái Lan còn bị loại ngay từ vòng bảng.Thái Lan không dồn toàn lực cho AFF Cup trong 10 năm qua.
Mặc dù vậy, dành hết tâm huyết cho những mục tiêu “nâng tầm” như vòng loại World Cup hay cúp vô địch châu Á, Thái Lan vẫn không gặt hái được kết quả tốt. Ở 3 lần tham dự vòng loại World Cup gần nhất, Thái Lan không thể lọt vào giai đoạn cuối. Hai vòng chung kết cúp vô địch châu Á 2004 và đặc biệt là 2007 dù được chọn làm chủ nhà nhưng đội bóng xứ Chùa Vàng vẫn không qua nổi vòng bảng.
Thất bại liên tiếp tại các đấu trường cấp cao cùng sự sa sút tại giải đấu vốn được coi là “ao làng” Đông Nam Á, Thái Lan lần đầu tiên trong lịch sử rơi xuống vị trí thấp cực điểm trên bảng xếp hạng FIFA tháng 10 vừa qua – hạng 152 thế giới. Đây là thứ hạng chỉ có giá trị tham khảo nhưng cũng rất đáng lo ngại nếu biết năm 1998, Thái Lan từng được xếp hạng 43 thế giới.
"Phù thủy" người Đức và kế hoạch phục hưng đội tuyển
Năm 2011, sau lần ra mắt thất vọng với Bryan Robson, HLV ngoại đầu tiên trong lịch sử, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) tiếp tục tin cậy giao phó đội tuyển cho một ông thầy Tây khác - Winfried Schafer. Chiến lược gia người Đức tới Bangkok với bản CV khó có thể tốt hơn.
Bỏ qua những danh hiệu lớn nhỏ thời khoác áo cầu thủ như vô địch Bundesliga, vô địch UEFA Cup, Winfried Schafer thực sự là một HLV thành công. Ông từng dẫn dắt đội tuyển quốc gia Cameroon tới chức vô địch châu Phi 2002 và á quân cúp Liên đoàn Thế giới 2003.
Winfried Schafer là người khá cứng rắn. Ông không chỉ muốn thay đổi diện mạo đội tuyển quốc gia mà cả nền bóng đá Thái Lan với những chiến lược hết sức cụ thể. Ông thúc giục FAT nâng cấp Thai-League và yêu cầu sự hợp tác toàn diện giữa ban huấn luyện đội tuyển quốc gia với lãnh đội các câu lạc bộ Thai-League. Ông phê bình thẳng thắn cung cách làm việc quan liêu của FAT và gợi ý thành lập giải vô địch quốc gia dành riêng cho lứa tuổi dưới 23 đồng thời tăng cường đào tạo trẻ kết hợp tập huấn tại châu Âu.
Một năm rưỡi nắm quyền, Schafer đã phần nào đi đúng hướng. Thai-League ngày càng thu hút khán giả tới sân, đội tuyển quốc gia Thái Lan trình làng nhiều gương mặt trẻ trung, tài năng hơn và đặc biệt các tuyển thủ đã cải thiện đáng kể thể lực. Kết quả ở vòng loại World Cup 2014 của đội tuyển – thắng Oman, hòa Ả-rập Xê-út và suýt hạ Australia – là minh chứng.
Trong điều kiện đội tuyển thiếu những trận đấu cọ xát đỉnh cao do sự bị động từ FAT, những gì Winfried Schafer làm được xứng đáng được ghi nhân. Chẳng phải ngẫu nhiên báo chí địa phương phong cho ông biệt hiệu phù thủy “Winny Potter”.
Bức thư mở trước thềm AFF Cup
Là người nhiều tham vọng và luôn tràn trề năng lượng, HLV trưởng đội tuyển Thái Lan Winfried Schafer có mục tiêu hết sức cụ thể trong tương lai gần trong tổng thể chiến lược ba năm. Trước mắt, tuyển Thái Lan phải trở lại top 100 thế giới. Bước đầu tiên chính là quyết tâm giành chức vô địch AFF Cup 2012.
Tháng 7 vừa rồi, Winfried Schafer đã gửi một bức thư ngỏ gây tiếng vang tới toàn bộ người hâm mộ cũng như cầu thủ, các nhà làm bóng đá với nội dung kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả để thay đổi và nâng chất nền bóng đá Thái Lan.
Ông nhấn mạnh Thái Lan không thiếu tài năng như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vấn đề còn lại là những tài năng này có được phát triển đúng mực hay không. Winfried Schafer vẽ ra viễn cảnh đầy mơ ước một ngày nào đó Thái Lan sẽ lọt vào top các đội mạnh châu Á, các tuyển thủ sẽ được thi đấu tại Champions League, các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.
Và khởi đầu cho tất cả những điều đó là chiến dịch AFF Suzuki Cup, nơi Thái Lan phải đòi lại bằng được vị trí số 1 khu vực. Giải đấu cũng là cơ hội để mọi người yêu bóng đá Thái Lan thể hiện sự đoàn kết và đồng lòng vì lợi ích chung.
“Chức vô địch là bắt buộc. Vượt qua vòng bảng là điều đương nhiên. Chúng tôi phải đề ra mục tiêu cao làm động lực cho các cầu thủ và tiến tới những điều xa hơn, cao hơn”, Winfried Schafer quả quyết trước ngày khai mạc giải đấu lớn nhất Đông Nam Á trên sân nhà.
(Theo VTC)