Thứ Tư, 06/11/2024Mới nhất
Zalo

5 khó khăn của HLV Miura tại Vòng loại U23 châu Á

Thứ Ba 24/03/2015 16:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không giống với Asian Games 17 và AFF Cup 2014, nhà cầm quân người Nhật đang bước vào khoảng thời gian khó khăn nhất kể từ khi bắt tay vào công việc tại Việt Nam.

1. Thay mới hầu hết lực lượng

Trong danh sách đội tuyển Olympic Việt Nam lúc này chỉ còn 3 cầu thủ từng làm việc với HLV Miura năm 2014 là Ngọc Hải, Huy Toàn và Ngọc Thắng. Việc xây dựng lại đội bóng gần như mới hoàn toàn trong vòng một tháng là thách thức không nhỏ đối với nhà cầm quân người Nhật. Mặt khác, so với lứa cầu thủ Olympic tham dự Asian Games 17, các cầu thủ tham dự Vòng loại U23 châu Á có thể hình, thể lực không tốt bằng. Đây là 2 tiêu chí rất quan trọng trong lối chơi mạnh mẽ theo phong cách bóng đá Nhật mà HLV Miura muốn truyền tải.

HLV Miura U23 Viet Nam hinh anh
HLV Miura mất khá nhiều thời gian để truyền tải triết lý bóng đá của ông đến các cầu thủ trong mỗi buổi tập

2. Hàng loạt tuyển thủ chấn thương

Olympic Việt Nam đã phải chia tay tổng cộng 10 cầu thủ vì chấn thương hoặc đau ốm. Đây là con số cao nhất trong các kỳ tập trung đội tuyển nhiều năm qua. Xuân Trường, Văn Hiền, Tuấn Tài hay Văn Tiến… đều là những gương mặt được đánh giá rất cao nhưng không thể góp mặt tại Vòng loại U23 châu Á. Vì thế, kế hoạch chuẩn bị của HLV Miura sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ. Việc phải triệu tập bổ sung 3 cầu thủ vào phút cuối phần nào cũng cho thấy sự bị động của HLV trưởng Olympic Việt Nam.

3. Sức ép thành tích và sự khẳng định năng lực

Sau gần một năm làm việc tại Việt Nam, HLV Miura sẽ không còn nhận được sự châm chước như khi mới bắt tay vào công việc. Thành công tương đối của chiến lược gia sinh năm 1963 với đội tuyển Quốc gia và đội tuyển Olympic năm 2014 giờ được xem là cột mốc để chờ đợi những nấc thang cao hơn của bóng đá Việt Nam. Mặt khác, thất bại trong trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 cũng đặt ra dấu hỏi về khả năng điều chỉnh chiến thuật của HLV Miura. Vòng loại U23 châu Á sẽ là cơ hội để ông xóa đi hoài nghi đó, nhưng cũng có thể sẽ làm lộ rõ hơn nhược điểm của nhà cầm quân người Nhật.

4. Kỳ vọng nâng tầm lứa cầu thủ Công Phượng

Những cầu thủ trẻ của Học viện HAGL Arsenal JMG được xem như những viên ngọc thô đã lâu lắm bóng đá Việt Nam mới sản sinh ra. Khi đặt dưới sự chỉ đạo của vị HLV đến từ nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục, Công Phượng, Tuấn Anh cùng đồng đội được kỳ vọng sẽ nâng tầm khả năng của họ. Nếu không thực hiện được điều này, ngay cả khi giành chiến thắng, HLV Miura cũng sẽ rất khó nhận được sự ủng hộ. Thực tế đã chứng minh, dù vượt qua Olympic Indonesia, đội bóng của nhà cầm quân người Nhật vẫn bị "ném đá" tơi bời khi Công Phượng đói bóng hay Tuấn Anh lạc lõng ở khu trung tuyến. Kế tục hình ảnh đầy sức cuốn hút của U19 Việt Nam 2 năm qua là nhiệm vụ không đơn giản với bất cứ HLV nào.

5. Nguy cơ hết bài

Theo dõi những trận đấu giao hữu của Olympic Việt Nam, nhiều chuyên gia bày tỏ sự thất vọng về lối chơi rời rạc của các cầu thủ. Từ đội tuyển Olympic tham dự Asian Games 17, đến đội tuyển Việt Nam tranh tài tại AFF Cup 2014, và bây giờ là đội tuyển Olympic chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á, HLV Miura đều áp dụng một phương pháp huấn luyện, một chiến thuật thi đấu. Nguyên tắc cơ bản trong bóng đá là chiến thuật được xây dựng trên cơ sở con người. Nhưng dường như nhà cầm quân người Nhật đang đi theo chiều ngược lại. Nếu tỉnh táo, HLV Miura hẳn nhận ra lối chơi của Olympic Việt Nam trong thất bại 1-3 trước Olympic Thái Lan là không khó để hóa giải.

Xem thêm Olympic Việt Nam
Theo Soha

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X