AFC là viết tắt của chữ gì?
AFC là tên viết tắt của Liên đoàn bóng đá châu Á |
AFC là viết tắt của Asian Football Confederation, nghĩa là Liên đoàn bóng đá châu Á. Đây là cơ quan quản lý các hiệp hội bóng đá, bóng đá bãi biển và futsal ở một số quốc gia/vùng lãnh thổ ở châu Á và châu Đại Dương.
AFC có 47 quốc gia thành viên, hầu hết nằm ở châu Á. Australia trước đây thuộc Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương, đã quyết định gia nhập AFC từ năm 2006. Đảo Guam và Quần đảo Bắc Mariana, cả hai lãnh thổ của Hoa Kỳ, cũng là thành viên của AFC nhưng có vị trí địa lý nằm ở châu Đại Dương.
Việt Nam có phải thành viên sáng lập của AFC?
Sơ đồ các liên đoàn khu vực cấu thành nên AFC |
AFC có 47 liên đoàn thành viên tách ra làm 5 khu vực. Một vài quốc gia đề xuất rằng nên có một Liên đoàn Tây Nam Á nên tách riêng khỏi AFC. 5 liên đoàn khu vực của AFC bao gồm Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á AFF (12 thành viên), Liên đoàn bóng đá Trung Á CAFA (6 thành viên), Liên đoàn bóng đá Đông Á EAFF (10 thành viên), Liên đoàn bóng đá Nam Á SAFF (7 thành viên) và Liên đoàn bóng đá Tây Á WAFF (12 thành viên).
Afghanistan, Myanmar, Đài Bắc Trung Hoa, Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Philippines, Singapore và Việt Nam là những thành viên sáng lập của AFC.
Có 4 quốc gia từng là thành viên của AFC. Đầu tiên là Israel từ năm 1954 đến 1974. Israel bị khai trừ khỏi các giải đấu của AFC vào năm 1974, sau một đề xuất của Kuwait. Khi đó, các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập khác đều từ chối thi đấu với Israel. Đề xuất này được thông qua với số phiếu thuận là 17 so với 13 phiếu chống, cùng 6 phiếu trắng. Israel trở thành một thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA từ năm 1994.
New Zealand là thành viên của AFC năm 1964 nhưng đã tách ra và thành lập Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương vào năm 1966. Nam Yemen thì hợp nhất với Bắc Yemen để trở thành một quốc gia Yemen duy nhất. Trong khi đó, Kazakhstan chuyển sang Liên đoàn bóng đá châu Âu từ năm 2002.
AFC tổ chức những giải đấu nào?
AFC Asian Cup là giải đấu danh giá nhất ở châu Á ở cấp độ đội tuyển quốc gia |
AFC tổ chức Cúp bóng đá châu Á và Cúp bóng đá nữa châu Á. AFC còn tổ chức Solidarity Cup (Cúp Đoàn kết), thay thế cho Challenge Cup (Cúp Thử thách) để tạo sân chơi cho các quốc gia có ít cơ hội tham dự Cúp bóng đá châu Á. Cả ba giải đấu này đều được tổ chức 4 năm 1 lần.
Ngoài ra, AFC cũng tổ chức Cúp futsal châu Á, Cúp futsal nữ châu Á, Cúp bóng đá bãi biển châu Á, các giải đấu bóng đá, futsal theo nhiều lứa tuổi và vòng loại châu Á cho FIFA World Cup và cho môn bóng đá Olympic mùa hè.
Ở cấp câu lạc bộ, giải đấu được xếp hạng cao nhất của AFC là AFC Champions League, bắt đầu từ mùa giải 2002/03. Giải đấu này quy tụ top 1-4 đội bóng của mỗi quốc gia và chỉ lựa chọn từ các giải vô địch quốc gia hàng đầu.
Giải đấu có thứ hạng cao thứ 2 là AFC Cup, được tổ chức từ năm 2004. Giải đấu xếp thứ 3 là AFC President’s Cup, bắt đầu từ năm 2005 và đã sát nhập vào AFC từ năm 2015.
AFC cũng tổ chức các giải đấu thường niên cho các câu lạc bộ futsal châu Á.
Những tranh cãi liên quan đến AFC
AFC Champions League 2020
Ở AFC Champions League năm 2020, Liên đoàn bóng đá Cộng hòa Hồi giáo Iran đã nhận một bức thư từ AFC vào ngày 17/1/2020, thông báo rằng các đội bóng từ Iran không được phép tổ chức các trận đấu trên sân nhà ở giải đấu này vì lo ngại về an ninh.
4 đội bóng Iran tham dự AFC Champions League tuyên bố họ sẽ rút khỏi giải đấu nếu lệnh cấm không bị gỡ bỏ. Sau đó, AFC phải xuống nước và ra thông báo vào ngày 23/1/2020 rằng các đội bóng Iran sẽ tạm thời đá sân khách ở 3 lượt trận đầu tiên ở vòng bảng để có thời gian đánh giá lại về các mối lo ngại an ninh.
Israel bị các quốc gia Hồi giáo và Ả Rập tẩy chay
Cúp bóng đá châu Á cũng từng có những sự can thiệp chính trị. Trường hợp của Israel là một ví dụ. Quốc gia này từng là một thành viên của AFC. Nhưng họ đã bị trục xuất khỏi AFC vào năm 1974 sau thất bại của người Hồi giáo/Ả Rập ở Trận chiến Yom Kippur. Israel phải thi đấu ở Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương (OFC) trước khi được trao tư cách thành viên UEFA năm 1990.
Vòng loại World Cup
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên ở vòng loại World Cup 2010 đã dẫn tới việc Triều Tiên từ chối tiếp đón đội tuyển quốc gia Hàn Quốc, từ chối treo cờ và chơi quốc ca của Hàn Quốc. Kết quả là các trận đấu sân nhà của Triều Tiên đã được dời đến Thượng Hải.
Ở vòng loại World Cup 2022, Triều Tiên miễn cưỡng đồng ý tiếp đón đội tuyển Hàn Quốc tại Bình Nhưỡng, lần đầu tiên điều này xảy ra trong lịch sử. Chính phủ Triều Tiên cấm các cổ động viên vào sân vận động. Trận đấu kết thúc với tỉ số hòa không bàn thắng. Vì những tranh cãi, Hàn Quốc quyết định rút khỏi cuộc đua giành quyền đăng cai FIFA World Cup nữ 2023 và cáo buộc Triều Tiên vì can thiệp chính trị vào thể thao. AFC bị cáo buộc không làm gì để giải quyết vụ việc, dẫn tới việc AFC quyết định rút quyền đăng cai tổ chức AFC Cup 2019 ở Triều Tiên.