U15 Thái Lan đánh nhau: Khi quá thất vọng, tiêu cực sẽ đến!
Thứ Tư 14/08/2019 15:50(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Những cú đấm trong trận đấu giữa U15 Thái Lan và U15 Malaysia thể hiện một bộ mặt khác của người Thái với sự ức chế, bất lực do thất vọng kéo dài.
Khi người Thái… dậm chân tại chỗ
Tháng 6/2009, ĐT Thái Lan đứng ở vị trí thứ 116 trong BXH FIFA, đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Đúng 10 năm sau, “bầy voi chiến” vẫn dậm chân tại chỗ với thứ hạng y hệt trong khi phần lớn các nền bóng đá ở khu vực có sự tiến bộ đáng kể.
|
ĐT Thái Lan "dậm chân tại chỗ" trong BXH FIFA sau 10 năm. |
ĐT Việt Nam thăng tiến nhanh nhất khi lọt vào top 100 lần đầu tiên trong lịch sử (98), tăng đến 37 bậc sau một thập kỷ. Những Malaysia, Philippines, Myanmar hay Campuchia đều có sự tiến bộ thấy rõ.
Đặc biệt sau thất bại ở chiến dịch đến World Cup 2018, sự ra đi của huyền thoại Kiatisak Senamuang làm gợi lên nhiều vấn đề trong nội bộ bóng đá Thái Lan. LĐBĐ nước này gạt bỏ kế hoạch xây dựng lối chơi được đánh giá là phù hợp với người Thái do Kiatisak xây dựng.
LĐBĐ Thái quyết định đặt niềm tin vào các HLV nước ngoài, đầu tiên là ông Milovan Rajevac – người bị các học trò “lật ghế” rồi mất việc ngay sau trận đầu tiên ở Asian Cup 2019. HLV Sirisak Yodyardthai chỉ là giải pháp tạm thời, rồi cũng phải rời ghế sau thất bại bẽ bàng ở King’s Cup 2019.
Giờ thì ĐT Thái Lan lần đầu tiên sử dụng một chiến lược gia châu Á là ông Akira Nishino – người giúp ĐT Nhật Bản đi đến vòng 1/8, suýt tạo “địa chấn” trước ĐT Bỉ. Bước đi này được đánh giá là chịu ảnh hưởng từ thành công của bóng đá Việt Nam dưới thời ông Park Hang Seo, một chiến lược gia đến từ khu vực Đông Á.
Thất bại nối tiếp thất vọng
Dưới thời Kiatisak, người Thái từng kỳ vọng về việc xây dựng một lối chơi mang “bản sắc Thái”, xuyên suốt giữa các lứa đội tuyển từ U15 cho đến ĐTQG. Nhưng sự ra đi của Kiatisak khiến kế hoạch này bị đứt đoạn, trong vòng hai năm, LĐBĐ Thái Lan thay ba HLV với những phong cách bóng đá khác nhau.
Nguyên nhân cho sự thay tướng tất nhiên đến từ thất bại, cùng việc các nền bóng đá khác trong khu vực Đông Nam Á vươn lên mạnh mẽ. Ở VCK U23 châu Á 2018, Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng trong khi Malaysia đi đến vòng knock out, U23 Việt Nam còn làm nên kỳ tích khi trở thành á quân.
|
Từ đầu năm 2018, bóng đá Thái Lan phải chứng kiến sự thăng tiến của "kình địch" là bóng đá Việt Nam. |
Đến ASIAD 2018, Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng trong khi Indonesia, Việt Nam và Malaysia dắt tay nhau vào vòng trong. Một lần nữa, ĐT Olympic Việt Nam gây ấn tượng khi đi đến bán kết giải đấu.
Bóng đá Thái Lan khép lại năm 2018 với việc một lần nữa đứng dưới cái bóng của Việt Nam. “Bầy voi chiến” gục ngã ngay tại “thánh địa” Rajamangala trước Malaysia, rồi nhìn thầy trò HLV Park Hang Seo lên ngôi vô địch đầy thuyết phục.
Sang năm 2019, bóng đá Thái Lan tiếp tục lép vế toàn diện trước Việt Nam. Ở Asian Cup 2019, người Thái thất bại bẽ bàng trước Ấn Độ (1-4) dẫn tới việc HLV Rajevac mất ghế. Dù vượt qua vòng bảng nhưng “bầy voi chiến” vẫn lép vế so với ĐT Việt Nam đã tiến vào tứ kết, chỉ chịu thua với tỉ số tối thiểu 0-1 trước ĐT Nhật Bản – á quân giải đấu.
Người Thái kỳ vọng sẽ lấy lại thể diện ở vòng loại U23 châu Á 2020 khi nằm cùng bảng với U23 Việt Nam. Kết quả là Quang Hải cùng các đồng đội hạ gục đối thủ với tỉ số “đậm nhất trong lịch sử” (4-0) ngay tại Mỹ Đình. King’s Cup 2019 một lần nữa chứng kiến thất bại buồn bã của người Thái khi thua cả hai trận đấu với Việt Nam và Ấn Độ (cùng với tỉ số 0-1).
Khi quá thất vọng, tiêu cực sẽ đến!
Sáu thất bại liên tiếp ở những giải đấu từ giao hữu đến chính thức, từ khu vực cho đến châu lục, từ tuyến trẻ cho đến ĐTQG, sự thất vọng của người Thái đã lên đến cùng cực! Khi thất vọng kéo dài, tâm lý tiêu cực nảy sinh là điều thực dễ hiểu.
Cú ra đòn trong trận đấu giữa U15 Thái Lan và U15 Malaysia không phải lần đầu tiên “bầy voi chiến” để lại ấn tượng xấu kể từ đầu năm đến nay. Cú phốt “lật ghế” HLV Rajevac, cú đánh nguội của Supachai với Đình Trọng, Thitipan tát vào mặt Đoàn Văn Hậu, Pansa đá xấu với Công Phượng, CĐV Thái Lan cổ vũ cho… ĐT Curacao trong trận chung kết King’s Cup 2019.
|
Cầu thủ của Thái Lan bỏ bóng lao thẳng vào người Công Phượng tại King's Cup 2019. |
Bị tước ngôi “King of ASEAN Football”, người Thái thể hiện ra một mặt tiêu cực khi tâm lý ức chế, bất lực, thất vọng kéo dài mà không được giải toả. Tại King’s Cup 2019, đội trưởng Theerathon Bunmathan đứng thẫn thờ một mình rất lâu trên sân sau trận thua Ấn Độ.
Không phải ai khi rơi vào đấy sự thất vọng có thể nghĩ lạc quan, biến thành động lực chiến đấu. Phần nhiều trong chúng ta khi thất vọng sẽ tìm đến sự tiêu cực như giải toả những ức chế trong lòng, y như cái cách cầu thủ Thái Lan làm trong suốt thời gian qua.
Vấn đề của bóng đá Thái Lan giờ không hẳn là chuyên môn mà về tâm lý. Nếu cứ giữ tâm thái ăn thua, nóng vội ở mỗi lần ra sân, ĐT Thái Lan sẽ phải trả giá bởi chiến thắng chỉ dành cho kẻ bản lĩnh hơn!
Tình huống cầu thủ U15 Thái Lan đánh nhau: