Sau hàng loạt những động thái cứng rắn đòi ra đi, Lionel Messi vẫn mắc kẹt tại Camp Nou bởi sự cương quyết của CLB chủ quản. Nhưng đây có phải cách để Barca đối xử với một huyền thoại?
Camp Nou đã không còn là nhà
Cuối tuần qua, Lionel Messi không có mặt trong buổi xét nghiệm trước mùa giải, đồng nghĩa với việc anh không đủ điều kiện để tham gia luyện tập. Cùng ngày, BTC La Liga phát đi thông điệp: Hoặc 700 triệu euro, hoặc Messi sẽ tiếp tục ở lại và không đi đâu cả.
Trên thực tế, La Liga (hay bất kỳ LĐBĐ nào khác) đều không quyết định được việc đi hay ở của Messi. Họ chỉ củng cố lại điều khoản trong hợp đồng với số tiền giải phóng cực khủng – cũng chính là thứ duy nhất mà Barca đang bấu víu vào thời điểm này. Bởi suy cho cùng, Messi cũng chỉ còn 1 năm hợp đồng và phía chịu sức ép đang là Barca.
Gã khổng lồ xứ Catalonia không chấp nhận nhượng bộ hay bước vào đàm phán, bởi họ vẫn hy vọng Messi sẽ ở lại (và xa hơn, ký hợp đồng mới). Chứ nếu chỉ đơn thuần giữ chân Leo ở mùa hè này, họ mất nhiều hơn được và còn mang tiếng bạc đãi công thần. Trong tình cảnh đó, cả 2 bên đang sẵn sàng lôi nhau ra toà như một cách tồi tệ nhất để khép lại 2 thập kỷ gắn bó.
|
Hình ảnh một fan Barca đợi chờ Messi trong vô vọng |
Messi được Barca phát hiện, đào tạo và khiến anh trở thành cầu thủ xuất sắc bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới với mọi danh hiệu có thể. Thậm chí, cũng chẳng sai khi cho rằng Messi là cầu thủ của Barca, hơn là… ĐT Argentina. Nhưng suy cho cùng, Messi không phải thứ tài sản của Barca, bởi Messi là của… Messi.
Thật khó tin là với khoảng thời gian dài cống hiến cho Barca, toàn bộ tuổi thanh xuân và cả tuổi… xế chiều (33 tuổi vẫn gồng gánh đội bóng), nhưng Leo Messi lại không được đáp ứng ‘thoả thuận quý ông’ (gentleman's agreement) – tạo điều kiện cho anh được rời CLB ở năm cuối hợp đồng. Ai đồng ý cài điều khoản này vào hợp đồng? Barca. Ai cương quyết không chấp nhận điều khoản này? Cũng chính là họ. Nghe thật khôi hài.
Nếu coi mối quan hệ giữa Messi vs Barca là nhân viên vs công ty/ông chủ (thực tế đúng là như vậy), thì đội chủ sân Camp Nou chẳng những không muốn ‘bỏ vỏ’ sau khi vắt chanh. Họ còn coi Messi như một cái ‘cổ chày’, và cho dù không còn ra nước được thì… vẫn cứ vắt.
|
Lionel Messi không được tạo điều kiện để rời Barca |
Barca cần trả tự do cho Messi
Về mối quan hệ này, trên thực tế khi 1 bên đã không hài lòng về nhau, thì rất khó để tiếp tục. Nhưng sự thực cũng chỉ ra, không chỉ Messi thất vọng với BLĐ Barca, mà ngược lại đội bóng này cũng không đạt được những mục tiêu họ đặt ra, kể cả có Messi trong đội. Hợp đồng cam kết giữa 2 bên bây giờ chỉ như một mối quan hệ lose-lose, cả 2 đều thất bại.
Vậy cớ gì Barca cứ bám riết không rời, không chịu buông tha cho Messi? Để giữ sự tự tôn? Không, niềm kiêu hãnh của họ đã hoàn toàn sụp đổ sau chính hành động này rồi.
Hãy nhìn sang những đội bóng lớn khác trên toàn châu Âu, về cách họ đối xử với những huyền thoại của mình. Real Madrid ủng hộ Cristiano Ronaldo ra đi (vì họ biết có níu kéo cũng không được). Man United cho Rooney trở về đội bóng cũ Everton theo dạng chuyển nhượng tự do (để anh được nhận mức lương tốt hơn), và hứa hẹn một vị trí đại sứ sau khi giải nghệ.
|
Cùng là đội bóng lớn, nhưng cách đối xử với huyền thoại của Barca và các CLB khác lại rất khác nhau |
Juventus tạo điều kiện cho Gigi Buffon gia nhập PSG, và cũng giang tay đón chào Người nhện quay trở lại sau chuyến xuất ngoại bất thành. Những huyền thoại đều được tự do lựa chọn bến đỗ mới của mình và không có bất kỳ khó khăn níu giữ nào (vì nói thật, họ cũng già hết rồi!).
Tiền vệ Toni Kroos từng trả lời thẳng thừng với sự thực tế đến máu lạnh của người Đức: “Ronaldo rời Real Madrid là một vụ chuyển nhượng tốt. Anh ấy có cuộc phiêu lưu mới, còn chúng tôi có tiền.”
Nhưng kình địch của họ, Barcelona lại không muốn làm theo đạo lý này. Họ vẫn bắt Leo Messi đóng vai người thuyền trưởng cho cuộc phiêu lưu thất bại qua hàng năm, mà chẳng biết đi đâu của cả hai.
Thậm chí, những scandal vẫn liên tục xuất hiện trên mặt báo, rằng chính Barca đã sử dụng ‘truyền thông bẩn’ để đánh ngôi sao số 1 của mình, như một cách để kéo sự ủng hộ cho những thành phần cốt cán trong ban lãnh đạo. Chính Barca, chứ chẳng ai khác, đã ‘phím’ cho báo chí về việc các cầu thủ không chịu giảm lương mùa dịch, dù họ vẫn luôn vui vẻ mất tiền để đóng góp cho xã hội.
|
Những năm qua, Barca liên tục sử dụng truyền thông bẩn để đánh Messi |
Chỉ có 2 sự lựa chọn dành cho Barca trong sự việc này. Một, họ nâng cấp đội hình và giải quyết bài toán thượng tầng. Nhưng kết quả đã rõ ràng, Chủ tịch Bartomeu bám trụ kiên cường chiếc ghế nóng, và Barca cũng không có kinh phí trong mùa dịch Covid để bổ sung lực lượng, đến từ chính những vụ mua bán sai lầm của họ trong những năm qua.
Hai, Barca ‘chày cối’ đưa Messi ra toà, và giữ chân cầu thủ này ở lại nếu thắng kiện. Nhưng thắng kiện là một định nghĩa hết sức mơ hồ, khi họ chỉ có thể trói chân Messi thêm 1 năm, trước khi nhìn anh đi tự do vào mùa hè 2021. Nói cách khác nếu đã đến nước đưa nhau ra toà, dù thắng dù thua thì Barca… vẫn thua.
Hay họ có thể làm theo cách thứ ba, vui vẻ tạo điều kiện để Messi tự do tìm kiếm bất kỳ bến đỗ nào trong phần còn lại của sự nghiệp, với tư cách một vụ chuyển nhượng – đàm phán bình thường. Khi đó, Barca vừa có thể thu lại một khoản tiển nhất định để mua sắm, vừa giữ lại những hình ảnh tốt đẹp trong mắt người hâm mộ về cách đối xử với một huyền thoại.
Nguyệt Anh