(Bongda24h) - "Bố ơi, tại sao chúng ta lại cổ vũ cho Atletico Madrid?". Đó là câu hỏi không dễ trả lời của một cậu bé trong đoạn quảng cáo phát trên TV vào năm 2006.
Khi sống cùng thành phố Madrid với đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 là
Real, thật dễ hiểu vì sao câu hỏi như vậy lại trở nên khó trả lời. Trong suốt ba thập kỷ cho đến năm 2006, Atletico chỉ vô địch La Liga có 2 lần trong khi con số này của "hàng xóm" Real là 13 lần.
|
Ngày mai đầy hy vọng đang chờ đón các cầu thủ Atletico Madrid. |
Suốt một thập kỷ chuyển giao đầu những năm 2000, Atletico chẳng có được một danh hiệu nào còn Real với "Galaticos" giành đến 3 chức vô địch Champions League. Đó là chưa kể đến sự tồn tại của vị chủ tịch lập dị Jesus Gil, người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài đồng tính cũng như nghiện sa thải huấn luyện viên (38 chiến lược gia bị sa thải trong vòng 16 năm Gil cầm quyền tại Vicente Calderon).
Chính sách quản lý cực đoan của Gil để lại hậu quả nặng nề cho Atletico Madrid. Sau khi Gil qua đời năm 2004, Atletico trải qua quãng thời gian khốn khó về mặt tài chính trầm trọng với những khoản nợ lớn. Năm 2009, Atletico nợ 300 triệu euro. Ba năm sau, khoản nợ của họ lên đến con số 514 triệu euro, chỉ kém mỗi Real Madrid (590) và
Barcelona (578).
Có thể hiểu được vì sao tầng lớp lao động tại thành Madrid lại yêu thích Atletico. Những gì họ làm được thời gian qua là đại diện cho giấc mơ đổi đời từ kẻ nghèo khó, túng quẫn vươn tới "ngồi chung mâm" với hàng đại gia tại châu Âu.
Để tiến tới thành công, Atletico phải vượt qua khó khăn đầu tiên về mặt tài chính. Theo hãng kiểm toán Deloitte, Atletico có thu nhập hàng năm chỉ vào khoảng 187 triệu euro, chỉ bằng một phần ba so với Real Madrid (577) hay Barcelona (561), chỉ nhỉnh hơn một chút so với đội bị xuống hạng tại Premier League cuối mùa trước là Newcastle (169) trong khi phải cõng một khoản nợ lớn trên vai.
Vậy bí quyết thành công của Atletico là gì?
Đầu tiên, đó là kế hoạch chuyển nhượng đúng đắn. Atletico chi 63 triệu euro cho Aguero và Falcao. Bộ đôi này đóng góp 170 bàn cho Rojiblancos trước khi khoác áo một câu lạc bộ khác, mang lại cho Atletico số tiền lãi 42 triệu euro.
Điều đó nói lên chính sách mua sắm cầu thủ hợp lý của Atletico, khi họ có đội ngũ tuyển trạch viên ưu tú để mang về sân Vicente Calderon những bản hợp đồng hiệu quả thực sự. So sánh trong 5 mùa gần nhất, Atletico Madrid lãi 34 triệu euro từ
thị trường chuyển nhượng. Trong khi đó, Barcelona và Real lỗ lần lượt là 204 cùng 183 triệu euro.
|
Khoảnh khắc lịch sử làm thay đổi bộ mặt của Atletico Madrid. |
Atletico Madrid cũng quan tâm đến trung tâm đào tạo trẻ, nền tảng tạo nên thành công thời gian gần đây. Dưới thời Jesus Gil, trung tâm đào tạo trẻ của Atletico dường như chỉ mở ra cho có. Hậu quả là một loạt tài năng trẻ lần lượt tỏa sáng tại các CLB khác mà tiêu biểu là Raul Gonzalez, huyền thoại của Real Madrid từng rời lò đào tạo Atletico ở tuổi 15.
Những tài năng trẻ như Koke hay Saul Niguez đang là trụ cột trong đội hình của Atletico. Họ thuyết phục cả Fernando Torres và Gabi trở lại Vicente Calderon với cái giá rẻ mạt. Những cầu thủ có xuất thân từ chính CLB giúp Atletico dần xây dựng được bản sắc trong phòng thay đồ.
Sự trỗi dậy của Atletico còn gắn liền với cái tên Peter Kenyon, cựu giám đốc điều hành của
Manchester United và Chelsea. Chính ông đã giúp Atletico mở rộng thị trường ra nước ngoài, mà chủ yếu là thị trường châu Á.
Sau trận chung kết Champions League năm 2014, ban lãnh đạo Atletico đến Bắc kinh để đàm phán với Wang Jianlin, Chủ tịch Dalian Wanda Group. Một thời gian ngắn sau, Atletico nhận được khoản đầu tư mạnh mẽ về tài chính khi Jianlin mua lại 20% cổ phần. Đến thời điểm hiện tại, Atletico Madrid đang hướng đến mục tiêu xóa hết nợ vào cuối mùa giải tới.
Bí quyết cuối cùng làm nên thành công của Rojiblancos là chiến thuật hợp lý của HLV Diego Simeone. Với sơ đồ 4-4-2 cách tân, Simeone xây dựng lối chơi phòng ngự phản công giàu tốc độ với những miếng đánh trực diện. Với chiến thuật này, họ vô địch Copa del Rey năm 2013, La Liga năm 2014, hai lần lọt vào chung kết Champions League năm 2014 và 2016.
Để nhìn rõ sự đúng đắn trong cách lựa chọn chiến thuật của Atletico Madrid, hãy nhìn vào
Leicester và Bồ Đào Nha. Leicester vô địch Premier League mùa trước cũng bằng một biến thể của 4-4-2 với việc tận dụng tốc độ của tiền đạo, Bồ Đào Nha vô địch Euro 2016 cũng sử dụng lối chơi gần tương đồng như thế.
Trong khi các đội bóng lớn tại châu Âu đang "chạy đua vũ trang" bằng những bản hợp đồng đắt giá, Atletico Madrid vẫn khá lặng lẽ trên thị trường chuyển nhượng. Tuy nhiên, sự âm thầm dẫn đến thành công của Atletico Madrid mới là hình mẫu để các câu lạc bộ tại châu Âu học tập.
Như Đạt