Thứ Hai, 25/11/2024Mới nhất
Zalo

Xu hướng: Sao trẻ TBN "bỏ trốn" sang Anh

Thứ Năm 06/10/2011 09:17(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Tây Ban Nha đang được coi là thiên đường bóng đá. Nhưng thực tế, có cả một làn sóng cầu thủ trẻ đang "vượt rào" sang Anh. Tại sao "phi lý" vậy?

Tây Ban Nha đang là nhà vô địch châu Âu và thế giới. La Liga hút hết cả nhân tài khắp hành tinh về đây, hội tụ cả ở Real Madrid và Barcelona. Thế nhưng, bất chấp điều ấy, đáng ngạc nhiên là có cả một làn sóng tài năng trẻ người TBN lại "ngược chiều" để tìm đến với Premier League.

Hiệu ứng từ thương vụ Cesc Fabregas rời Barca chuyển đến Arsenal năm 2003 đã biến thị trường bóng đá trẻ Tây Ban Nha trở thành "mỏ vàng" trong mắt các đội bóng thuộc đảo quốc Sương mù. Một phần bởi các cầu thủ mới hé lộ tài năng rất khó cưỡng lại những lời đề nghị hấp dẫn, nhưng nguyên nhân lớn nhất phải kể đến sự "lệch pha" về cơ chế quản lý của hai nền bóng đá này.

Gerard Deulofeu là một trong những tài năng người Tây Ban Nha được thèm muốn nhất hiện nay

Theo điều luật FIFA ban hành, những cầu thủ dưới 18 tuổi được phép ký hợp đồng với CLB nhưng thời hạn không vượt quá 3 năm. Tuy nhiên, ở Italia và Tây Ban Nha, có những quy định không cho phép cầu thủ dưới 18 tuổi được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Trái lại, điều này lại được cho phép ở Anh.

Năm ngoái, Tòa án Tư pháp châu Âu đưa ra một phán quyết dựa trên vụ chuyển nhượng diễn ra từ năm 1997 liên quan tới cầu thủ có tên là Olivier Bernard. Theo đó, đội bóng A sẽ nhận được khoản phí bồi thường cho cầu thủ mà họ có công đào tạo trong độ tuổi từ 16 đến 22, nếu đội bóng B bán cầu thủ này sang đội bóng C.

Vụ chuyển nhượng Juan Mata từ Valencia sang Chelsea là ví dụ tiêu biểu cho điều luật này. Khi đó, ngoài 27 triệu euro Chelsea chuyển cho Valencia, họ còn phải trả thêm cho Juventud Estadio 50.000 euro, Real Oviedo 200.000 euro và Real Madrid 500.000 euro. Đây là những đội bóng có công đào tạo Mata trước lúc anh gia nhập Valencia.

Song rõ ràng, khoản phí bồi thường trên chỉ mang tính hình thức, đặc biệt nếu cầu thủ đó lại là một tài năng độc nhất, vô nhị. Một vụ chuyển nhượng đã tạo nên khá nhiều tranh cãi hồi tháng 2 năm nay là khi Arsenal cuỗm cầu thủ 16 tuổi Jon Toral khỏi Barca. Arsenal đã "chơi đúng luật" khi trả cho Barca 350.000 bảng phí đào tạo, nhưng từ quan điểm của đội bóng xứ Catalonia thì thật khó lòng chấp nhận. Chủ tịch Sandro Rosell của Barca đã gọi hành động của Arsenal là "vô đạo đức".

Barca đã tốn nhiều thời gian và công sức để đào tạo những tài năng hứa hẹn nhất hành tinh. Nhưng vì những quy định hạn chế của nền bóng đá nước nhà nên họ đành bất lực chứng kiến hết Fabregas, Gerard Pique, Fran Merida và nhiều người khác nữa bỏ sang những đội bóng lớn tại Anh. Trước khi những cầu thủ này đủ 18 tuổi, Barca có thể ký với họ hợp đồng ghi nhớ. Có điều, mức lương cũng như điều khoản giải phóng là không đáng kể bởi đây không được coi là hợp đồng chuyên nghiệp.

Thế nên, không bất ngờ khi nhiều cầu thủ đã chọn cách không ký vào hợp đồng ghi nhớ này nhằm rộng đường ra đi nếu nhận được đề nghị hấp dẫn từ nơi khác. Đây chính xác là những gì mà Toral đã suy nghĩ. Vậy câu hỏi đặt ra là khi nào nền bóng đá Tây Ban Nha mới chịu thay đổi các quy chế "cũ kỹ" hiện tại để ngăn chặn vấn nạn chảy máu tài năng? Và câu trả lời từ một chuyên gia bóng đá Tây Ban Nha trên trang Forza Futbol có thể khiến tất cả ngạc nhiên: Người Tây Ban Nha hy vọng sẽ gây áp lực lên Liên minh châu Âu và UEFA để phần còn lại thay đổi theo quy chế đang hiện hành tại xứ Bò tót.

Nhìn sang quy chế tại Anh, có một nguyên tắc là các CLB chỉ được phép chiêu mộ những cầu thủ dưới 16 tuổi đang sinh sống trong một khu vực hạn chế về mặt địa lý. Rõ ràng, quy tắc này chống lại những lợi ích của các đội bóng Anh, trong khi tại Tây Ban Nha, các CLB có quyền thoải mái chiêu mộ những cầu thủ từ nước ngoài (Lionel Messi rời Argentina đến Barca khi mới 13 tuổi).

Hệ quả là các CLB của Anh gặp rào cản khó khăn nếu muốn tiếp cận các cầu thủ dưới 16 tuổi, nhưng sau đó cánh cửa lại rộng mở với họ. Và họ gửi những tuyển trạch viên tới Tây Ban Nha săn lùng tài năng như một cách bù lấp cho sự thiệt thòi trước đó.

Dù vậy, mọi vấn đề trong cuộc sống luôn có hai mặt. Người Anh cũng chẳng thể hài lòng với quy chế của mình bởi nó bị xem là nguyên nhân khiến ĐT Anh kiệt quệ tài năng và thi đấu không thành công. Ngược lại, Tây Ban Nha với nguồn cầu thủ dồi dào chơi ở những giải hàng đầu đang thống trị bóng đá châu Âu ở cả cấp đội CLB lẫn ĐTQG.

(Theo báo Bóng Đá)


Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X