Real Madrid hoàn toàn có thể hài lòng khi bán Gonzalo Higuain cho Napoli với giá 40 triệu euro. Los Blancos lại càng có lí do để mỉm cười nếu như biết rằng, đại kình địch Barcelona của họ thường xuyên lâm vào cảnh mua đắt, bán rẻ trên thị trường chuyển nhượng.
Ngày hôm qua, Higuain đã hạ cánh xuống Napoli để kiểm tra y tế và hoàn tất các thủ tục cần thiết trước khi trở thành một phần của đội chủ sân San Paolo. Để El Pipita ra đi, Real Madrid đã thu về tới 40 triệu euro tiền chuyển nhượng, trong đó có 37 triệu euro trả trước, phần còn lại tùy thuộc vào phong độ của chân sút người Argentina tại Napoli.
Cách đây 6 năm, “kền kền trắng” chỉ mất có 12 triệu euro để chiêu mộ Higuain và như thế, họ đã lãi tới 28 triệu euro từ ngôi sao 25 tuổi. Hơn nữa, Higuain cũng không phải là thương vụ làm ăn có lãi lớn duy nhất của Real Madrid từ trước tới nay.
Higuain hay Robinho là những vụ làm ăn có lời tiêu biểu của Real Madrid
4 năm trước, Los Blancos đã nhanh tay đẩy thẳng Robinho tới Man City với giá 42 triệu euro trong ngày cuối của “phiên chợ Hè” 2009. Một bước đi cao tay của Real Madrid bởi lẽ năm 2005, để đưa Robinho cập bến Bernabeu, họ chỉ tốn cho Santos 24 triệu euro mà thôi.
Quan trọng hơn, dường như Real Madrid đã “dự cảm” được rằng Robinho sẽ bắt đầu tuột dốc không phanh sau mùa hè ấy. Quả thật, điều đó đã trở thành sự thật khi cầu thủ từng được gán với biệt danh “tiểu Pele” này dần dần trở thành cái bóng mờ của chính mình tại Man City và AC Milan.
Ngoài ra, đội chủ sân Bernabeu còn bán được không ít ngôi sao với giá “khủng” trong quá khứ như Anelka (tới PSG với giá 33 triệu euro năm 2000), Robben (tới Bayern Munich giá 25 triệu euro năm 2009), Owen (tơi Newcastle năm 2005 giá 25 triệu euro), Makelele (tới Chelsea năm 2004 giá 24 triệu euro)…
Tất nhiên, không phải tất cả những cái tên kể trên đều đem về lợi nhuận bởi chính họ cũng từng được Real Madrid mua về với giá cao. Song ít ra, bộ sậu chuyển nhượng ở Bernabeu đã cho thấy sự lọc lõi cần thiết trên thị trường “chợ” cầu thủ.
Và khi nhìn sang Barcelona, những người Real Madrid càng có lí do để mà cười vang bởi lẽ không như Los Blancos, Los Blaugrana là “ông trùm” mua cầu thủ với giá cắt cổ để rồi sau đó phải mang đi bán tống, bán tháo với giá rẻ mạt.
“Kinh điển” nhất trong số những vụ mua đắt, bán rẻ ở xứ Catalan cho tới nay vẫn là thương vụ Zlatan Ibrahimovic. Barcelona đã tốn rất nhiều công sức để đưa được Ibra về với tổng giá trị 69,5 triệu euro (bao gồm 49,5 triệu euro tiền mặt và các thêm Samuel Eto’o được định giá 20 triệu euro).
Thế nhưng, trung phong người Thụy Điển chỉ trụ lại được Nou Camp đúng 1 mùa trước khi phải ngậm ngùi ra đi vì làm “gai mắt” siêu sao số một Lionel Messi và mâu thuẫn với ông thầy Pep Guardiola. Sau 1 năm thi đấu cho AC Milan dưới dạng cho mượn, Barca cắn răng bán đứt Ibra cho Rossoneri với cái giá như cho không (so với tài năng của “sát thủ” này) là 24 triệu euro.
Hay mới đây, giới mộ điệu lại có dịp chỉ trích đường lối chuyển nhượng phí tiền ở Nou Camp với thương vụ David Villa. Mất 40 triệu euro để mua cây săn bàn vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Tây Ban Nha từ Valencia nhưng sau 3 năm, Barca đã để Villa tới Atletico Madrid mà chỉ thu về có 5,1 triệu euro.
“Gã khổng lồ” xứ Catalan còn thiệt hại rất đậm ở những bản hợp đồng dại dột khác mang tên Henrique (lỗ 16,5 triệu euro), Alexander Hleb (lỗ 15 triệu euro), Keirrison (lỗ 14 triệu euro) Martin Caceres (lỗ 13 triệu euro) hay Dmitro Chigrinskiy (lỗ 10 triệu euro chỉ sau đúng 1 năm).
Ở những vụ đầu tư “bom tấn” khác, Real Madrid cũng thường thành công hơn hẳn Barcelona. Siêu sao C.Ronaldo được mua về với giá 94 triệu euro nhưng luôn tỏ ra xứng đáng đến từng xu với 201 pha lập công sau 199 trận suốt 4 mùa giải vừa qua.
Trước đó, Real Madrid còn thu về nhiều “trái ngọt” từ chính sách Galacticos của chủ tịch Florentino Perez với những bản hợp đồng đắt giá chiêu mộ Luis Figo, Zidane, Ronaldo “béo”, Xabi Alonsos…Không thể tránh khỏi những sai lầm nhớ đời như vụ Kaka (65 triệu euro) nhưng nhìn toàn cục, Los Blancos vẫn là một CLB có tầm nhìn khá sáng suốt khi “đi chợ”.
Với Barca, những thương vụ lớn ở Nou Camp vẫn thường xuyên đem tới cơn ác mộng với các cules. May sao, các nhà ĐKVĐ La Liga còn có lò đào tạo trẻ La Masia quá xuất sắc để bù đắp lại những vụ làm ăn thua lỗ trên thị trường chuyển nhượng.
Đổi lại, từ sau Iker Casillas, Real Madrid gần như “bó tay” với những tài năng trẻ trưởng thành từ lò Castilla. Nếu như Barca là một kẻ “khôn nhà, dại chợ” trên thị trường mua bán cầu thủ thì Real Madrid chính là hình ảnh đối lập với kình địch của mình: dại ở nhà nhưng rất khôn khi đi chợ.
(Theo Dân Trí)