- Dư luận xôn xao về thông tin M.U đạt thỏa thuận cá nhân với Ronaldo
- Lionel Messi – Cristiano Ronaldo: Màn so kè giữa hai "dị nhân"
- Luis Enrique:" Nếu Ronaldo là Michael Jordan thì Messi là Chamberlain"
Không biết tự bao giờ mà máy bay trở thành một phương tiện hữu hiệu để truyền tải một thông điệp nào đó.
Câu chuyện của những chiếc máy bay
Dĩ nhiên máy bay là loại phương tiện đắt đỏ và nhóm cổ động viên cuồng nhiệt của Manchester United đã phải chi tới 3.000 bảng cho vài phút máy bay xuất hiện ở El Madrigal. Nhóm United Reel, quy tụ một số CĐV trẻ Man United ở UAE, Lebanon và Ai Cập đã bỏ tiền thuê chiếc máy bay này. Đó là những ông hoàng Ả-rập, những người sở hữu hàng chục siêu xe và thường giải trí bằng trò đốt lốp (drift) với những chiếc xe trị giá cả triệu đô hay lái xe băng qua sa mạc.
Đây không phải lần đầu tiên những người nhân danh fan Man United thuê máy bay vì một mục đích nào đó. Họ từng làm điều đó 3 lần ở mùa giải trước, lần đầu tiên khi tấm băng-rôn "Moyes Out" yêu cầu sa thải David Moyes, 2 lần khác là nhằm chế giễu Steven Gerrard. Tất cả đều vô nghĩa, bởi Man United sau đó đã sa thải Moyes nhưng quyết định ấy không bị ảnh hưởng bởi chiếc máy bay kia. Và việc nhạo báng Gerrard thì gợi ý cho CĐV Man City làm điều tương tự để nhạo fan “Quỷ đỏ”.
Không có chiếc máy bay nào xuất hiện ở Old Trafford khi Man United ăn mừng những danh hiệu của mình, hay khi Sir Alex Ferguson rời ghế HLV. Máy bay không phải để chúc tụng hay tri ân, chỉ là để làm những việc vô thưởng vô phạt nhằm thỏa mãn một nhóm những kẻ thích chơi ngông.
Cả nhà cùng vui
Có thể khẳng định rằng dù Cris Ronaldo có trở lại Old Trafford hay không thì quyết định cũng không phụ thuộc vào chiếc máy bay ở El Madrigal chiều 27/9. Nếu Ronaldo muốn “về nhà”, đó không phải là vì anh cảm động với một tấm băng-rôn lướt qua vài chục giây.
Câu hỏi được đặt ra, Ronaldo có thực sự muốn rời Bernabeu? Thông tin bắt đầu khi anh công khai trên báo rằng, “nếu là tôi, tôi sẽ không bán Angel Di Maria và Xabi Alonso”. Nhưng đừng quên rằng cầu thủ người Bồ đã thòng thêm vào, “nếu ông Chủ tịch nghĩ rằng quyết định ấy tốt cho đội bóng thì chúng ta phải tôn trọng và ủng hộ”. Đó là những phát biểu khôn ngoan, rất có chủ đích và có bóng dáng Jorge Mendes ở sau đó.
Câu chuyện được đẩy đi xa hơn khi cựu Chủ tịch Ramon Calderon lên báo và nói rằng Ronaldo bất mãn khi Flo Perez lần lượt bán đi những đối tác ăn ý của anh, mùa trước là Gonzalo Higuain và Mesut Oezil, mùa này là Di Maria và Alonso.
Ronaldo vẫn là số 1 ở Bernabeu, anh được mọi người tôn trọng, có hợp đồng dài hạn với mức thù lao chót vót mà Man United hay bất kỳ CLB nào khác khó lòng đáp ứng. Hơn nữa, việc hàng loạt tờ báo ở Anh đồng loạt đăng tin “Quỷ đỏ” sẽ chi 140 triệu bảng cho Ronaldo vào ngày thứ Sáu cho thấy có một ai đó đã đứng sau và “phím tin” cho báo chí. Rõ ràng Jorge Mendes đã tính toán rất kỹ từng đường đi nước bước, vừa đủ để “có thái độ” với Perez về việc khách hàng của mình bị bán và đừng có đụng vào Pepe hay Coentrao.
Suy cho cùng thì tất cả nhân vật trong câu chuyện “Ronaldo 140 triệu bảng” đều thắng. Với Ronaldo và Mendes, rất có thể Real sẽ chìa ra hợp đồng mới. Với Man United, họ vẫn thắng lớn dù không thể có Ronaldo bởi chỉ riêng việc theo đuổi (và là ứng cử viên duy nhất theo đuổi) giúp họ chứng minh với cả thế giới rằng “tôi giàu, tôi chịu chơi”, những chữ ký khác sẽ đến.
Với Ramon Calderon, ông Chủ tịch “tuột xích” này lại được nói, được báo chí nhắc tên, và nhen nhóm cơ hội một ngày hất cẳng kẻ thù không đội trời chung Perez. Giới truyền thông thì bán được báo, được thêm lượt “view” bởi Ronaldo, Manchester United, Real Madrid là những từ khóa “hot” nhất trên mạng.
Tất cả đều vui vẻ, dù vẫn chưa đến ngày Cá tháng Tư.
Theo Thể Thao Văn Hoá