La Liga đang đảo chiều. Sự ra đi của Mourinho đã khiến những mâu thuẫn ở Real tạm lắng và bầu không khí trở về yên ả. Sự ồn ào và hỗn loạn giờ chuyển sang Barca, nơi những cuộc chiến đang bùng phát và sẽ còn tiếp diễn.
"Không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn”, câu nói nổi tiếng của cố thủ tướng Anh Winston Churchill quả là đúng khi vận vào Barca, vào Johan Cruyff và Carles Rexach trước kia hay Pep Guardiola và Tito Vilanova ngày nay. Ở Camp Nou, tình bạn đôi khi chỉ là một phạm trù mang ý nghĩa tương đối, và tình bạn vĩnh cửu là một trò cười.Tình bạn giữa Tito và Pep đã tan vỡ
28 năm và 5 ngày
Johan Cruyff và Carles Rexach có thể là hình mẫu cho một tình bạn đẹp. Họ là đồng đội của nhau trong những năm 1970 và hợp thành bộ đôi cực kỳ ăn ý ở Barca. Điểm nhấn cho tình bạn khăng khít ấy là cú hat-trick của Rexach vào lưới Feyenoord ở Cúp C1 năm 1974 mà Cruyff đóng vai người kiến tạo trong cả 3 bàn thắng. Khi Cruyff trở lại Camp Nou trên vai trò HLV, Rexach được chọn là trợ lý và là người trợ giúp đắc lực cho “Thánh Johan”, đặc biệt là khi huyền thoại người Hà Lan mổ tim và Rexach trong vai HLV tạm quyền đã dẫn dắt Barca tới chức vô địch Liga 1991. Nhưng cũng chỉ vì chiếc ghế HLV mà tình bạn keo sơn được gây dựng trong 23 năm đã đổ vỡ. Họ trở thành thù địch.
Tình bạn giữa Pep và Tito thậm chí còn đẹp đẽ hơn. Họ ở chung phòng tại “nông trại” La Masia thời niên thiếu và cùng chia sẻ vui buồn, tính ra đã có 28 năm làm bạn của nhau. Vậy mà chỉ trong năm ngày, họ bỗng dưng đứng về hai chiến tuyến. Pep tháo ngòi nổ và Tito là người phản pháo. Bắt đầu từ bài phát biểu kéo dài 292 giây của Pep tại doanh trại của Bayern ở Italia hôm thứ Năm, khi ông công khai chỉ trích lãnh đạo đội bóng cũ đã lấy bệnh tật của Tito làm cớ để gây tổn thương mình. Chủ tịch Rosell bác bỏ cáo buộc ấy vào thứ Hai và một ngày sau đến lượt Tito phản pháo.
“Tôi không nghĩ rằng có ai đó trong BLĐ dùng bệnh tật của tôi để tấn công Pep”, Tito phát biểu trước báo giới. HLV 44 tuổi cũng ngầm kết tội Pep bằng cách kể lại thời gian hai tháng điều trị trên đất Mỹ: "Pep có gặp tôi ở New York một lần, đó là khi tôi mới đến hai ngày. Nhưng anh ấy không đến thêm lần nào trong hai tháng sau đó. Đó đâu phải lỗi của tôi. Anh ấy là bạn tôi và tôi cần anh ấy”, Tito cho biết. “Bạn bè rất lo lắng cho bệnh tình của tôi, có người còn đi máy bay để tới thăm”, phát biểu này chẳng khác nào một lời trách móc dành cho người bạn cũ.
Barcelona giờ “xấu” hơn Real Madrid
Những hình ảnh của quá khứ được tái hiện. Qua những chỉ trích của Pep nhằm vào Barca có thể nhìn hình ảnh của người thầy Johan Cruyff. Cruyff có thể là một trong những tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử Barca nhưng cũng là một trong những con người gây tranh cãi nhiều nhất, đặc biệt là vụ chửi rủa chủ tịch Josep Lluis Nunez thậm tệ năm 1996. Câu chuyện của Cruyff cũng hao hao giống với Pep và Tito lúc này: chủ tịch Nunez sa thải Cruyff và bổ nhiệm trợ lý Rexach thay thế khi mùa giải chỉ còn hai vòng nữa, quyết định ấy đã làm tan vỡ một tình bạn đẹp.
Pep tấn công Barca còn mạnh mẽ hơn cái cách mà Cruyff vẫn thường “đâm chọc” chủ tịch Rosell kể từ ngày bị bãi nhiệm chức chủ tịch danh dự, nó có phần ngoa ngoắt như Mourinho vẫn thường làm trước kia. Thay vì an ủi, khích lệ Tito, người vẫn đang chiến đấu với bệnh ung thư mỗi ngày, Pep dùng bệnh tật của người bạn cũ làm cái cớ để chỉ trích.
Thần tượng của các culé đã sụp đổ và nhiều người ngạc nhiên không hiểu nổi tại sao. Nhưng thực ra không quá khó để giải thích sự việc. Pep tấn công Barca theo cái cách mà các quan chức Bayern như Uli Hoeness, Rummenigge vẫn thường làm với đối thủ của họ. Bằng cách này, Pep cho người Đức thấy ông đã hòa nhập hoàn toàn với văn hóa Bayern. Một tuần nữa Bayern sẽ tiếp Barca tại Bavaria và họ sẽ là đối thủ chính của nhau ở Champions League những mùa giải sắp tới. Giống như Mourinho, Pep đề cao thành công của bản thân và sẵn sàng làm mọi cách vì động lực tiến thân, kể cả những cách có phần ích kỷ. Bằng cách tấn công Barca, Pep cũng cho thấy ông đã đoạn tuyệt với quá khứ để bắt đầu chuyến phiêu lưu mới.
Barca và Real thay nhau thống trị La Liga suốt 10 năm qua và đội chiến thắng luôn là đội đoàn kết hơn và chiếm lợi thế về tinh thần. Barca của Ronaldinho, Eto’o, Henry và Messi đã thua trong các mùa giải 2006-07, 2007-08 bởi những mâu thuẫn nội bộ. Ngược lại, Real của Mourinho cũng thất bại bởi thiếu “đắc nhân tâm”.
Khi mà Real đang mỗi ngày một ổn định hơn dưới thời Ancelotti, Barca lại trở nên ồn ã vì những cuộc khẩu chiến. Ngoài Thiago thì Barca vẫn còn đó những phần tử ủng hộ Pep như Pique (người từng xung đột với Tito trên báo sau thảm bại trước Bayern), Fabregas… Đó có thể là mầm mống của những sự nổi loạn trong mùa giải tới.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)