(Bongda24h) – Thay vì 55 triệu euro mà Real Madrid định giá cho Ribery, Bayenr Munich có nguy cơ chỉ nhận được 16-22 triệu euro nếu họ không chấp nhận bán đi ngôi sao của mình ngay trong mùa hè năm nay. Đó là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu Real và Ribery “móc ngoặc”, áp dụng Luật 17 của FIFA để tự giải phóng hợp đồng vào mùa hè 2010.
Nội dung Luật 17 (hay còn gọi là Luật Webster)
Điều 17 thuộc chương IV của Luật FIFA, quy định về tình trạng và việc chuyển nhượng cầu thủ. Điều luật này cho phép cầu thủ đơn phương phá vỡ hợp đồng sau khi hoàn thành “thời hạn bảo vệ” (protected period). Đối với cầu thủ từ 23 đến 28 tuổi, thời hạn là 3 năm của hợp đồng (theo quy định hiện tại, hợp đồng có thời hạn tối đa là 5 năm) còn từ 28 tuổi trở lên là 2 năm. Cầu thủ phải đền bù phần giá trị còn lại hợp đồng, gồm lương và phần còn lại của phí chuyển nhượng ban đầu. Điều này đồng nghĩa, cầu thủ có thể tự giải phóng hợp đồng.
Ribery có thể tới Real với giá chuyển nhượng thấp
nhờ vào Luật 17 FIFA
Điều 17 của FIFA giờ đây cũng được gọi là Luật Webster, để ghi dấu “vụ án” đầu tiên áp dụng điều luật này của FIFA. Trung vệ người Scotland, Andy Webster, sinh ngày 23/4/1982, chính là người đầu tiên áp dụng Điều 17 để tự giải phóng mình. Tháng 3/2001, Webster gia nhập CLB Hearts (Scotland) từ Arbroath qua vụ chuyển nhượng trị giá 75 nghìn bảng. Cầu thủ này đứng trong đội hình Một của Hearts suốt 5 năm và từng 22 lần được gọi vào ĐTQG. Tuy vậy, đầu năm 2006, Webster và ông chủ đội bóng Vladimir Romanov đã phát sinh mâu thuẫn sau khi anh từ chối ký hợp đồng mới, vốn mãn hạn vào tháng 5/2006. Kết cục là anh bị đẩy lên băng ghế dự bị trong thời gian còn lại của mùa bóng 2005/06.
Điều này khiến Webster một mực đòi ra đi, đặc biệt là sau khi Wigan bày tỏ ý định chiêu mộ anh. Mặc dù Hearts không muốn bán, nhưng Webster lại quyết định vận dụng Điều 17 bởi anh đã hoàn thành “thời hạn bảo vệ” và hợp đồng chỉ còn lại 1 năm để tự giải phóng bản thân. Phải mất hơn 1 năm rưỡi sau, vào ngày 30/1/2008, Toà án trọng tài Quốc tế mới ra phán quyết cuối cùng, yêu cầu Webster đền bù cho phía Hearts 150 nghìn bảng (174 nghìn euro), căn cứ vào mức lương, khoản thu nhập tiềm năng trong 1 năm còn lại của hợp đồng và chi phí kiện tụng; đồng thời khép lại vụ kiện tại đây.
Ribery sẽ là Webster thứ 4?
Sau Webster, mới có 2 trường hợp được FIFA ghi nhận áp dụng Điều 17 để tự giải phóng hợp đồng. Đó là các trường hợp của Mexes (từ Auxerre sang Roma tháng 7/2004, 7 triệu euro) và Matuzalem (từ Shakhtar Donetsk sang Zaragoza, 12 triệu euro). Trong thương vụ Mexes, Auxerre đã treo giá 18 triệu euro trước khi nhận được yêu cầu chấm dứt hợp đồng của Mexes, Shakhtar Donetsk cũng ra giá 25 triệu euro cho Matuzalem, nhưng chỉ nhận được 12 triệu euro từ tiền đền bù hợp đồng.
Bayern chắc hẳn không muốn nhận được
16-22 triệu euro nếu mất Ribery
Trong trường hợp của Ribery, anh năm nay 26 tuổi, kí hợp đồng từ năm 2007 với Bayern. Điều đó có nghĩa Ribery đã thực hiện được 2 năm hợp đồng và có quyền áp dụng Luật 17 vào mùa hè 2010 để tự giải phóng mình, khi anh hoàn thành 3 năm đầu trong bản hợp đồng. Tờ AS đã tham khảo ý kiến của Juan de Dios Crespo, một Luật sư có uy tín ở Tòa án thể thao quốc tế, từng giành chiến thắng cho hai thân chủ Webster và Matuzalem nhờ Luật 17. Theo đó, Ribery đã kí hợp đồng 4 năm với Bayern Munich, trị giá 25 triệu euro và hưởng lương 5 triệu euro/ mùa; suy ra phí phá vỡ hợp đồng của anh vào mùa hè 2010 có mức giá tối thiểu là 16 và tối đa là 22 triệu euro. Dù là mức giá nào, thì Bayern cũng gặp thiệt thòi lớn so với mức đề nghị 55 triệu euro của Real.
Trong khi Real Madrid vẫn giữ im lặng, bởi CT Perez luôn “chơi đẹp”, thì hai tờ báo thể thao hàng đầu Madrid, được coi như cơ quan ngôn luận chính thức của CLB Hoàng gia là AS và Marca, đã vạch sẵn kế hoạch cho Ribery áp dụng Luật 17 để đe dọa Bayern. Thậm chí họ còn tiến cử Luật sư Dios Crespo bảo vệ “mặt thẹo” trong trường hợp anh muốn kéo Hùm xám nước Đức đứng trước Tòa án trọng tài Quốc tế.
Những gì đang diễn ra với Ribery lúc này cũng rất giống với trường hợp của Ronaldo trước đây. Vào mùa hè 2008, ngôi sao MU khi ấy từng bày tỏ giấc mơ khoác áo Real Madrid, nhưng Sir Alex lại tuyên bố “không bán cho Real ngay cả một con virus”. Đã có thời điểm người ta viện dẫn Luật 17 để tiên đoán về sự kết thúc của mối tình Ronaldo – MU. Ngoài ra, khả năng Ronaldo được MU bán đi khi TTCN mùa đông 2009 mở cửa cũng đã được nhắc tới, nhưng rốt cuộc anh vẫn đường hoàng bước chân tới Bernabeu với tư cách cầu thủ đắt giá nhất lịch sử thế giới, trị giá 94 triệu euro.
- Ngô Thắng