Nếu đi tìm một hình tượng trái ngược hoàn toàn với Barcelona trong công tác đào tạo trẻ thì không phải những gã trọc phú mới nổi như PSG, Manchester City hay Chelsea mà chính Real Madrid mới là cái tên đáng kể nhất…
Barcelona và Real Madrid, La Masia và La Fabrica: Đỉnh cao và vực sâu
Khi nhận định về khâu đào tạo tài năng trẻ tại các đội bóng hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21, Barcelona với La Masia nghiễm nhiên nắm giữ vị thế độc tôn là lò đào tào trẻ thành công nhất thế giới. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, Barcelona xây dựng được lực lượng mà những cầu thủ trưởng thành từ lò La Masia chiếm số lượng áp đảo đồng thời nắm giữ những vị trí chủ chốt trong đội hình.
Morata hay Jese có thể sánh bước La Quinta del Buitre?
Hơn thế nữa, dàn cầu thủ “made in La Masia” này còn in đấu đậm nét trong những chiến tích vô tiền khoáng hậu trong lịch sử của Barcelona lẫn đội tuyển Tây Ban Nha, tạo nên những chu kỳ vàng son nhất lịch sử đội bóng. Cụ thể, với thế hệ vàng xuất thân từ chính La Masia, Barcelona đã chinh phục 6 danh hiệu La Liga, 2 danh hiệu Copa del Rey, 3 danh hiệu Champions League cùng hàng tá danh hiệu khác.
Trong khi đó, những tài năng trưởng thành từ La Masia cũng là linh hồn của Tây Ban Nha thống trị 3 giải đấu lớn gần đây nhất là Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012 đồng thời trở thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch châu Âu. Trước thế hệ vàng ấy, Tây Ban Nha chỉ được xem là “ông vua vòng loại” và xuyên suốt lịch sử mới giành được 1 danh hiệu lớn duy nhất là chức vô địch Euro 1964 còn Barcelona bị che mờ bởi kình địch Real Madrid cả về danh hiệu lẫn danh tiếng.
Nói cách khác, chính thế hệ xuất thân từ La Masia ấy đã nâng tầm vị thế của cả Barcelona lẫn bóng đá Tây Ban Nha. Không kể đến Xavi và Puyol được trình làng trước năm 2000, một đội bóng dù cho có kiên trì đầu tư không tiếc tiền của cũng không bao giờ sở hữu được một dàn cầu thủ xuất sắc và thấm nhuần triết lý chơi bóng đặc trưng của đội bóng như Messi, Iniesta, Pedro, Busquets, Pique, Cesc Fabregas…
Nếu đi tìm một hình tượng trái ngược hoàn toàn với Barcelona thì không phải những gã trọc phú mới nổi như PSG, Manchester City hay Chelsea mà chính Real Madrid mới là cái tên xứng đáng nhất. Nói cách khác, đại kình địch của Barcelona chính là hình mẫu chuẩn mực của đội bóng dùng tiền, thậm chí rất nhiều tiền để chiêu mộ siêu sao và được ví như là “mồ chôn” của những tài năng trẻ.
Real Madrid dùng tiền khuấy đảo thị trường chuyển nhượng như thế nào thì quá rõ ràng. Chỉ tính riêng dưới triều đại chủ tịch Florentino Perez (2000-2006 và 2009-nay), Real Madrid đã ném vào thị trường chuyển nhượng hơn 1 tỷ euro, 5 lần liên tiếp phá vỡ kỷ lục chuyển nhượng thế giới. Ngược lại, chưa hề có một tài năng trẻ nào trưởng thành từ La Fabrica (tên của lò đào tạo trẻ Real Madrid) tìm được chỗ đứng tại Bernabeu suốt 10 năm qua.
Những sản phẩm sáng giá nhất của lò La Fabrica hoặc nhanh chóng bị thui chột hoặc phải nhanh chóng đào thoát khỏi Madrid để tìm cơ hội khẳng định tài năng. Nói đúng ra thì hai “xu thế” này diễn ra tiếp nối nhau chứ không diễn ra song hành! Sau thất bại thảm hại của thế hệ Javier Portilo, Francis Pavon hay Óscar Miñambres mà La Fabrica trình làng, ban lãnh đạo Real Madrid hoàn toàn mất niềm tin vào những sản phẩm do chính họ tạo ra.
Việc những tài năng trẻ trưởng thành từ La Fabrica gần như không có cơ hội tại Bernabeu dẫn đến hệ quả là những thế hệ tiếp nối phải chỉ có đường rời khởi Real Madrid mới có cơ hội khẳng định tài năng.
Vì không có gì là mãi mãi
Chính vì những yếu tố kể trên dẫn tới đánh giá rằng rằng La Masia như"đỉnh cao" còn La Fabrica như "vực sâu" của công tác đào tạo trẻ. Quan niệm này hầu như ăn sâu vào nếp nghĩ của rất nhiều người, tạo ra một ấn tượng sai lệch hoàn toàn khi nhắc đến lò La Fabrica của Real Madrid trong những năm trở lại đây.
Có thể La Fabrica chưa đóng góp nhiều về mặt chuyên môn tuy nhiên về mặt kinh tế thì những dấu ấn mà La Fabrica để lại là cực kỳ ấn tượng. Cụ thể, Real Madrid đã thu về tới 91 triệu euro nhờ việc bán những tài năng trẻ trưởng thành từ lò La Fabrica, chiếm hơn 32% tổng số tiền Real Madrid thu về từ chuyển nhượng cầu thủ. Cũng trong chừng ấy thời gian, La Masia của Barcelona chỉ thu về 34 triệu euro thông qua việc “bán lúa non”.
Không những vậy, cho đến thời điểm hiện tại, không ít cầu thủ trưởng thành từ La Fabrica đang chinh chiến khắp châu Âu đã tạo dựng được tên tuổi, điển hình như Negrego (Manchester City), Soldado (Tottenham) hay Juan Mata (Chelsea)…
Một thống kê khác cho thấy trong 5 năm qua, Barcelona trình làng tới 25 tài năng trẻ trưởng thành từ lò La Masia nhưng cho tới mùa giải 2013-14 và có 5 cái tên còn trụ lại trong đội một là Tello, Montoya, Sergi Roberto, Bartra, Busquets. Chưa thể sánh với La Masia nhưng 5 năm qua Real Madrid cũng trình làng 20 tài năng trưởng thành từ La Fabrica và hiện tại còn 4 cái tên góp mặt trong đội một là Morata, Nacho, Jesse và Casemiro.
Chính những dấu ấn đáng kể ấy cùng thành công của những sản phẩm trưởng thành từ chính La Fabrica như Mata, Negredo… đã giúp lò đào tạo này ghi điểm trở lại trong mắt ban lãnh đạo Real Madrid. Quyết định thay đổi chiến lược phát triển đội bóng với việc chú trọng đến khâu đào tạo trẻ của Perez trong mùa hè vừa qua chính là là bằng chứng rõ ràng nhất.
Quả thực là quá phiến diện nếu nhận định La Fabrica vẫn ở dưới đáy của công tác đào tạo bóng đá trẻ vào thời điểm hiện tại, thậm chí thực tế La Fabrica đang dần thu hẹp khoảng cách với La Masia. Từ sự khởi sắc của La Fabrica, madridistas tìm thấy cơ hội để được chứng kiến một Raul Gonzalez thứ hai sẽ xuất hiện trên sân Santiago Bernabeu.
Thậm chí vĩ cuồng hơn nữa, madridistas có quyền mơ về một ngày La Fabrica sẽ vượt mặt La Masia, sẽ lại trình làng một thế hệ kiệt xuất như La Quita del Buitre những năm vàng son cuối thập niên 80. Vĩ cuồng nhưng không phải là ảo tưởng khi không có gì là mãi mãi (nothin' lasts forever)!
(Theo Dân Trí)