Tất cả đều nói rằng Liga đã trở thành cuộc chơi riêng của Real Madrid và Barca, và từ đó suy ra rằng những cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai đội bóng - vẫn được gọi là trận "Kinh điển" - chính là những trận đấu có tiếng nói quyết định tới chức vô địch. Nhận định này không sai, nhưng cũng không hẳn là đúng.
Với những người Real Madrid và Barca, "Kinh điển" là một nỗi ám ảnh trọn đời. Thắng được một trận "Kinh điển" đôi khi còn khiến người ta phấn khích hơn là đoạt chức vô địch Liga, và sự nghiệp của không ít cầu thủ, HLV đã được cứu vãn nhờ những chiến thắng ở "Kinh điển", hoặc ngược lại. Thế cho nên, không có gì đáng ngạc nhiên, hay đáng trách, khi hai đội sẵn sàng làm tất cả, hi sinh tất cả, để có thể là người chiến thắng trong trận "El Clasico". Tuy nhiên, sự xuất hiện của Pep Guardiola, rồi sau đó là Jose Mourinho, đã làm thay đổi tất cả. Pep xuất hiện, Barca chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trong các trận "Kinh điển". Mou xuất hiện, và người Madrid dần dần nhận ra rằng, với một Barca như thế, không thể bỏ hết trứng vào một rổ, nghĩa là không thể đặt cả vận mệnh của mình vào một trận đấu.Real Madrid đã có chiến thắng quan trọng trước Gijon
Tất nhiên, vị HLV người Bồ Đào Nha đủ tinh tế để biết rằng với giới Madridista, hai tiếng "Kinh điển" vẫn giống như một liều adrenalin mà mỗi lần được xướng lên có thể khiến tim họ đập mạnh hơn, máu chảy nhanh hơn, và mọi thứ khác đều không còn giá trị. Thế nên, ông chẳng dại nói ra điều họ chẳng muốn nghe. Nhưng qua thực tế những gì Real Madrid đã thể hiện, chúng ta có thể phần nào đoán được thông điệp mà Mourinho đã truyền tải và các cầu thủ đã tiếp thu. "Kinh điển" vẫn là một trận đấu đặc biệt, nhưng không phải là trận đấu quyết định chức vô địch. "Kinh điển" vẫn yêu cầu sự chuẩn bị tốt nhất và những nỗ lực cao nhất, nhưng bạn không thể để "Kinh điển" choán hết tâm trí trước ngày nó diễn ra cả tháng. "Kinh điển", suy cho cùng, chỉ là 3 điểm, mà lại là 3 điểm khó lấy nhất.
Chức vô địch, rõ ràng, không được quyết định ở Bernabeu, cũng chẳng được quyết định ở Camp Nou, trừ khi hai đội bước vào những trận đấu này với điểm số suýt soát nhau. Với Mourinho, với Real Madrid, chức vô địch, thực tế, có thể bị mất từ những trận đấu trên sân của Racing, hay Levante. Và chức vô địch có thể đoạt được ở Sociedad, hay ở Sporting Gijon mới đây. Đó là lý do sau serie 2 lần mất điểm liên tiếp, Mourinho đã làm những việc ông chưa từng làm, chẳng hạn tắt hết đèn trên xe bus để "xạc" các cầu thủ một trận, hay tổ chức bữa thịt nướng đầy tính biểu tượng ngay tại sân tập Valdebebas. Đó là lý do Mourinho ăn mừng như điên ở Anoeta. Đó là lý do Mourinho "chơi nhảy ngựa" với Callejon ở Mestalla. Và đó là lý do ông thúc các học trò bước vào El Molinon mang theo tinh thần của một trận Chung kết, dù "Kinh điển" đã ở ngoài ngõ.
Và Mourinho cũng thật hạnh phúc, khi có những học trò biết rõ ông muốn gì. Ở El Molinon, dù Mou đã tung vào sân với đội hình mạnh nhất có thể, Madrid vẫn không thể hiện được sự vượt trội thường thấy, phần vì những xáo trộn (không Xabi Alonso, Coentrao đá hậu vệ phải...), phần vì Gijon vẫn đầy khó chịu. Nhưng sự nỗ lực của từng cầu thủ - quyết tâm, chất quái của Di Maria, khát khao, sự sắc bén của Ronaldo, nỗ lực, sự mạnh mẽ của Marcelo; và những người khác nữa - đã giúp Madrid giải được bài toán khó Gijon với kết quả ấn tượng không ngờ. Cũng phải thừa nhận Madrid đã tiến bộ rất nhiều về mặt chiến thuật, khi dù bế tắc vẫn không từ bỏ lối chơi tấn công trung lộ để chuyển sang nhồi bóng, nhưng rõ ràng chính việc các cầu thủ không mang suy nghĩ "mệt quá, nghỉ thôi, 'Kinh điển' sắp tới rồi" mới quyết định kết quả này.
"Tôi đã đánh giá sai tiềm năng của họ", HLV Gijon Preciado phát biểu sau trận. "Các cầu thủ Madrid đã chiến đấu như những đứa trẻ trong từng pha bóng". Phải, Preciado đã sai. Ông đâu biết, Madrid bây giờ tranh vô địch trên những sân bóng như El Molinon, chứ không phải ở Bernabeu hay Camp Nou...
(Theo Thể Thao Văn Hoá)