Sau 3 trận liên tiếp phải ngồi ngoài ở Liga do án treo giò, Cristiano Ronaldo sẽ trở lại đội hình xuất phát của Real Madrid khi họ làm khách trước Schalke trong khuôn khổ lượt đi vòng 1/8 Champions League. Nhưng vấn đề đặt ra là sự trở lại của siêu sao người BĐN có thực sự tốt cho Real Madrid, vốn đang vận hành khá trơn tru dù thiếu vắng CR7?
Khi tất cả phải phục vụ Ronaldo
Có điểm gì chung giữa Barca của Pep Guardiola, Milan của Arrigo Sacchi, hay Liverpool thời Bob Paisley, những đội bóng vĩ đại nhất trong lịch sử? Câu trả lời: họ coi trọng sức mạnh tập thể hơn là sự xuất sắc của các cá nhân. HLV huyền thoại Valeriy Lobanovskyi cũng từng nói rằng mối liên kết giữa các cầu thủ quan trọng hơn bản thân họ. Còn Marcelo Bielsa, một trong những người đã định hình lên chiến thuật bóng đá thời hiện đại, thì nói rằng “chẳng có cá nhân nào có thể tự định đoạt số phận trận đấu”.
Nhưng ở những đội bóng có Ronaldo, tất cả phải phục vụ anh. Trong trận Chung kết Champions League với Chelsea năm 2008, Ronaldo chơi bên cánh trái hàng tiền vệ và chính anh là người mở tỷ số cho Man United. Và trong 30 phút đầu tiên, Ronaldo hoàn toàn áp đảo Michael Essien, hậu vệ phải của Chelsea. Nhưng sau đó, Essien bắt đầu qua mặt Ronaldo, khi siêu sao người Bồ không còn tích cực tranh chấp nữa, và một trong số những tình huống đó đã dẫn đến bàn gỡ hòa của Frank Lampard. Chelsea đã chơi hay hơn đối thủ trong hiệp 2 và hiệp phụ bởi sự vượt trội của Essien trước Ronaldo.
Một ví dụ tiêu biểu nữa: trận lượt đi vòng 1/8 mùa 2008-09 với Porto, Ronaldo đá cánh trong khi Wayne Rooney chơi trung phong, và hệ quả là hậu vệ cánh Aly Cissokho đã gây ra vô số vấn đề cho Man United. Nhưng ở trận lượt về, Rooney hoán đổi vị trí với Ronaldo, và Cissokho “tắt điện”.
Đó là lý do tại sao Sir Alex Ferguson sau đó thường sử dụng Ronaldo trong vai trò của một trung phong, bởi ở vị trí đó, sự thiếu kỷ luật chiến thuật của cầu thủ này không còn ảnh hưởng nhiều tới đội bóng nữa. Hay nói cách khác, Man United phải thay đổi để thích nghi với Ronaldo, cho dù Sir Alex là một HLV rất cứng rắn.
Ronaldo phải hy sinh nhiều hơn
Thật khó để tưởng tượng ra rằng Ronaldo sẵn sàng chấp nhận vai trò của một cầu thủ chạy cánh như Samuel Eto'o đã làm cho Inter ở Bán kết Champions League 2010 với Barca, hay xả thân cho tới khi kiệt sức như Didier Drogba trong trận Chung kết với Bayern Munich năm 2012.
Trong những tình huống 1 đối 1 với hậu vệ đối phương, Ronaldo là không thể ngăn cản. Anh dứt điểm siêu đẳng bằng cả hai chân và chơi đầu tốt. Một cầu thủ gần như hoàn hảo. Nhưng ở những trận đấu lớn, trước các đối thủ mạnh nhất, lối chơi thiếu kỷ luật của Ronaldo lại trở thành điểm yếu để đối thủ khai thác. Vì thế, Ronaldo là một vũ khí lợi hại của Real, nhưng anh cũng có thể là “gót chân Achilles” của họ.
Nhưng tại sao Real vẫn chấp nhận Ronaldo, thậm chí còn tôn vinh anh là số 1? Đơn giản bởi đó là chính sách “Galacticos” của đội bóng Hoàng gia, vốn coi trọng các ngôi sao hơn là hệ thống. Đó là lý do tại sao HLV huyền thoại Arrigo Sacchi đã rời Bernabeu chỉ sau một mùa được bổ nhiệm làm giám đốc bóng đá (2004-05) bởi ông phàn nàn về sự tồn tại của cái gọi là “Dải ngân hà”.
Ronaldo đã ghi 235 bàn chỉ trong 231 trận cho Real Madrid, nhưng vấn đề đặt ra là liệu những thống kê ấn tượng đó có đáng để đội bóng áo Trắng phải hy sinh nhiều thứ khác? Nên nhớ, với Ronaldo, Real mới giành được một danh hiệu đáng kể là chức vô địch Liga mùa 2011-12, quá nhỏ bé so với tầm vóc của đội bóng áo Trắng cũng như phí chuyển nhượng kỷ lục của CR7.
Theo Thể Thao Văn Hoá