Kể từ ngày Perez đặt bước chân đầu tiên vào "Nhà Trắng", 8 HLV đã đến rồi đi (hoặc chuẩn bị đi như Jose Mourinho). Không một ai trong 3 người này tại vị quá 3 mùa giải cùng Perez. Cá biệt, từ giai đoạn tháng 9/2004 đến tháng 12/2005, chiếc ghế kỹ thuật ở Bernabeu trải qua 4 đời khác nhau, và danh hiệu là con số 0 tròn trĩnh.
Real đang giống như "đội bóng Florentino Perez"
Độc tài kiểu Perez
8 HLV, người thành công có và kẻ thất bại cũng nhiều, nhưng tất cả có một điểm chung: đều phải nói lời chia tay vì không thể làm việc chung với Perez được nữa. Del Bosque, người thành công nhất, bị từ chối hợp đồng mới. Mourinho được cho thôi việc trước thời hạn 3 năm, và cái cách ông ra đi là hình ảnh thất bại.
Mou thành công hay thất bại, đó còn là câu chuyện dài, nhưng một thực tế là vài tháng trước Perez còn bảo vệ và đặt niềm tin lớn vào "Người đặc biệt". Perez luôn nói về "sự ổn định thể thao", nhưng ông không muốn xây dựng một "Alex Ferguson thứ hai" ở Bernabeu. Lý do: Perez không muốn một HLV quản lý quá nhiều vấn đề, và rồi ông có thể mất quyền kiểm soát phòng thay đồ. Khởi nguồn là vụ gạt Del Bosque khỏi đội hình vô địch.
Trong giai đoạn mà Perez nắm quyền quản lý cấp cao nhất, một sự kiện quan trọng khác còn diễn ra, đó là việc Jorge Valdano bị đá văng khỏi chiếc ghế TGĐ. Valdano không làm gì sai, thậm chí còn làm tốt mọi nhiệm vụ mà Perez giao phó, từ chuyển nhượng cho đến ký hợp đồng với các HLV.
Với Perez, Real luôn mua những ngôi sao hàng đầu thế giới, điều mà nhiều đời Chủ tịch khác của Real đã không làm được (hoặc không làm). Với Perez, lần đầu tiên trong lịch sử Real, một người đội trưởng được ví như huyền thoại sống - một trong những nhân tố vĩ đại nhất thế kỷ XXI ở Bernabeu - bị đối xử tệ bạc. Chúng ta đang nói đến Iker Casillas, thủ môn xuất sắc nhất 2012 và xuất sắc thứ hai thế kỷ XXI, nhưng đã không bắt chính trận nào từ 4 tháng nay.
Nếu chỉ những điểm trên thì chưa thể nói Perez là kẻ độc tài. Ông đã tự xây dựng lại điều kiện ứng cử tại "Nhà Trắng" khi đòi hỏi ứng viên phải đủ 20 năm nằm trong Hội đồng quản trị, và đảm bảo tài chính tối thiểu tương đương 15% ngân sách của đội. Riêng với điều luật mới này, Perez loại được biết bao đối thủ tiềm năng. Nếu không có sai lầm nào dẫn đến việc phải từ chức - như từng diễn ra mùa Xuân 2006 - chắc chắn Perez còn tại vị rất nhiều năm nữa.
Tiêu tiền và tiêu tiền
Perez được ví von là "sát thủ" với các HLV, nhưng không thể phủ nhận rằng rất ít vị Chủ tịch chi bạo như ông. Các HLV khi đến Bernabeu luôn được phê duyệt kế hoạch chi tiêu rất mạnh mà không phải tiếc tiền. Trong 3 mùa giải của Del Bosque (không tính mùa đầu tiên, khi còn Chủ tịch Lorenzo Sanz), Perez đã ném vào thị trường chuyển nhượng 240 triệu euro. Có thể kể đến Figo với 58,5 triệu euro (theo giá thị trường ở thời điểm đó), 76 triệu euro cho Zidane, hay 43 triệu euro cho Ronaldo "béo".
Carlos Queiroz, một vụ hớ lớn của Perez, cũng đã được chi đến 35 triệu euro cho bản hợp đồng duy nhất mang tên David Beckham. Mùa giải 2004-05, giai đoạn Bernabeu như một cái chợ, Perez chi gần 63 triệu euro cho 4 cầu thủ. Trong số này có 20 triệu euro để mang trung vệ Jonathan Woodgate về và.. giúp anh chữa bệnh.
Khi Perez trở lại "Nhà Trắng", Pellegrini được trao vào tay đội ngũ với 8 tân binh có giá lên đến 252 triệu euro. Đây cũng là kỷ lục mua sắm trong một mùa giải. Trong đó, Cristiano Ronaldo đã phá kỷ lục của một cầu thủ (94 triệu euro). Với Mourinho là 170 triệu euro cho 14 gương mặt mới để bổ sung đội hình. Nếu HLV Ancelotti đến Bernabeu ít ngày nữa, chiến lược gia người Italia cũng sẽ được Perez cấp tiền để xây dựng một kỷ nguyên mới.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)