Thứ Sáu, 15/11/2024Mới nhất
Zalo

Real Madrid đã đánh đổi những gì để đưa Gareth Bale về Bernabeu?

Thứ Sáu 04/10/2013 16:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đó là một buổi trưa thứ Hai, ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng, Gareth Bale cuối cùng cũng bước lên bục sân khấu ở Santiago Bernabeu.

Khá lo lắng, cầu thủ đắt giá nhất lịch sử nói những lời đầu tiên bằng tiếng Tây Ban Nha. Sau đó anh làm vài động tác tâng bóng, không đẹp mắt cho lắm. Hôm đó đã là một ngày dài với Bale, bắt đầu ở trung tâm y tế của CLB lúc 8h30, cho tới buổi trưa, khi 20.000 CĐV chờ đợi anh ở Bernabeu, một cảm giác “siêu thực”, như chính lời cầu thủ người xứ Wales.

Tottenham thu đến 100 triệu euro từ vụ bán Bale cho Real Madrid.
 

Siêu thực chính là từ thích hợp cho bối cảnh này. Còn có thể giải thích thế nào cho những "điên loạn" trong mùa Hè? Nhưng câu hỏi chính là bằng cách nào và tại sao Real có thể lao vào cuộc mua sắm điên loạn đó. “Người ngoài cứ tưởng trong ban lãnh đạo CLB ai cũng biết tường tận về chữ ký này”, một nhân vật cấp cao giấu tên ở Bernabeu nói. “Sự thật là hầu như không ai biết… chúng tôi cũng chỉ đọc trên báo, coi đó là tin đồn nhảm, cười khẩy và đùa cợt với nhau. Nhưng chúng tôi cũng không thể rõ được. Thật ra, chúng tôi hầu như chẳng biết gì”.

Thỏa thuận được chốt lại vào chiều Chủ nhật. Không nhiều đội bóng làm được như Madrid, nhưng cho những thỏa thuận lớn nhất, tiến trình là giống nhau ở khắp nơi trên thế giới. Khi Madrid mua về Cristiano Ronaldo, họ đã chuẩn bị nhiều tháng trời, nhưng đó vẫn là một hợp đồng “siêu thực”. Ramon Calderon, Chủ tịch Real khi đó, mất 5 tháng bày binh bố trận để đưa được ngôi sao người Bồ về Bernabeu. “Tính bí mật của một thỏa thuận là điều quyết định đến thành công”, ông nói sau đó.

Những rắc rối của một hợp đồng lớn

“Quý vị biết đấy, các cánh cửa không tự mở”, một nhân vật khác trong ban lãnh đạo Real nói. Ông giải thích về quá trình hậu cần: những cuộc gọi thâu đêm suốt sáng. “Khâu hậu cần và tổ chức căng thẳng hơn nhiều so với những buổi ra mắt và các trận đấu”. Bạn cần hàng nghìn CĐV trong sân, hàng trăm bảo vệ ngoài cổng, những nhân vật cộm cán trên khán đài VIP, bảo vệ trong sân và mọi thứ khác. Ngay cả Madrid cũng sẽ thấy chật vật.

Đó là chưa kể bạn muốn truyền thông cả thế giới có mặt ở đó. Rồi còn khâu chuẩn bị trước ở cửa hàng của CLB: mang ngay tới lố áo đầu tiên có in tên Bale, treo ngay ngoài khu vực dễ thấy nhất. Rất nhiều người sẽ cần áo mới để có chữ ký của ngôi sao lớn, với nhiều kích cỡ khác nhau nữa.

Rồi ai đó sẽ phải gọi cho trung tâm y tế của CLB, để sẵn sàng cho mọi bất trắc, và kênh truyền hình của CLB, và các kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, ghi hình, và phiên dịch viên và hàng hà sa số những điều lặt vặt, nhưng cực kỳ quan trọng, khác.

Nhưng trước hết, phải có cầu thủ ở đó đã. Phòng khách sạn 5 sao đã được đặt trước, phải thuê máy bay, phải dọn sẵn đường băn ở sân bay quân sự Torrejon, bãi đáp phổ biến của máy bay tư nhân ở phía bắc thành phố. Trong trường hợp của Madrid, tổng quản sẽ là Javier Coll, cựu cầu thủ bóng rổ chu đáo, điển trai, đáng tin cậy, nói tiếng Anh tốt và sẵn sàng đứng sau cánh gà.

Mỗi CLB đều có 1, 2 hay 3 người như thế. Họ đưa cầu thủ mới đi tìm nhà, mua sắm, tìm trường học cho con cái. Đôi khi mức độ hỗ trợ cầu thủ tỉ mỉ đến ngớ ngẩn. Một liên lạc viên nhớ lại anh từng nhận cuộc gọi từ cầu thủ khi bóng đèn nhà anh này bị cháy. Thường thì CLB sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo cầu thủ mới của họ thấy thoải mái. Họ thật sự làm tất cả. Một CLB Anh từng ký với một cầu thủ từ khối Đông Âu không có người phiên dịch hay đại diện, nên họ gọi cho trường đại học ở địa phương xem có sinh viên nào cùng quốc tịch với ngôi sao mới của mình hay không. Em trai của cầu thủ này cũng được đưa vào đội trẻ và những thành viên gia đình thì được bố trí các công việc khác nhau ở CLB.

Tại sao các CLB phá kỷ lục chuyển nhượng?

Tất cả bắt đầu với một ý tưởng lớn, yêu cầu chuyên môn, hay đơn giản là một cơ hội. Joan Laporta thừa nhận lời hứa mua David Beckham, đã đưa ông lên ghế Chủ tịch Barcelona năm 2003, là cực kỳ quan trọng, vì nó cho thấy tham vọng của người đàn ông trẻ, cho thấy ông có thể thỏa thuận được với một CLB như Manchester United. Dẫu rằng, rốt cuộc Barca không có Beckham, và thay bằng Ronaldinho.

Theo một giám đốc ở CLB, khi họ biến Zlatan Ibrahimovic thành cầu thủ đắt giá nhất trong lịch sử CLB, thỏa thuận chỉ có thể đạt được bởi Inter rất muốn có Samuel Eto’o. Khi Real Betis biến Denilson thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới, Chủ tịch Manuel Lopera cho rằng đó là cách đưa ra tuyên bố rõ ràng nhất: tiền không phải là vấn đề. Nhưng những người khác nghĩ ông đã phát điên, rốt cuộc, họ đã đúng (Denilson kết thúc sự nghiệp ở… Việt Nam).

Về phần Chủ tịch Madrid Florentino Perez, người đã tiến hành thỏa thuận Ronaldo kế thừa từ Calderon (bản thân ông này trước đó đã mua Luis Figo và Zinedine Zidane với giá kỷ lục thế giới), ông đã có sẵn tiền lệ. Từ thời xa xưa, Bernabeu đã rất quen các siêu sao, thời của Ferenc Puskas, Paco Gento và Alfredo Di Stefano. Những chữ ký của Perez trở nên dễ hiểu.

Trước khi chạy đua chức Chủ tịch năm 2000, ông tiến hành một cuộc thăm dò với các CĐV Madrid. Cầu thủ họ muốn có nhất là Luis Figo, người có điều khoản giải phóng hợp đồng. Đạt được thỏa thuận cá nhân với anh, Perez khiến Barcelona không còn lựa chọn nào khác.

Năm Zinedine Zidane đoạt Quả bóng vàng, Perez gặp anh trong một bữa tiệc ở Monte Carlo và đã chuyền cho anh mảnh giấy ăn dưới gầm bàn với dòng chữ: “Cậu có muốn chơi cho Real Madrid?” Zidane chuyển lại: “Có”. Mùa Hè sang năm, Ronaldo là ngôi sao ở World Cup, và anh cũng đến.

Năm 1962, Bernabeu đưa về Amancio Amaro với giá kỷ lục thế giới. 1 năm sau, CLB đứng trên bờ vực phá sản. Nhưng Perez tin ở điều ngược lại. “Cầu thủ đắt giá nhất là cầu thủ rẻ nhất”, ông từng nói. Perez cũng tuyên bố Ronaldo Brazil “đã tự trả phí chuyển nhượng cho anh” với những đóng góp ở Madrid. Nhưng không phải mọi hợp đồng đều như thế. Kaka khiến Los Blancos tiêu tốn hơn 140 triệu euro và kinh tế gia bóng đá, giáo sư Gay de Liebana khẳng định rằng tuyên bố “tự trả phí chuyển nhượng” đơn giản là sai sự thật. “Để bù đắp khoản chi 100 triệu euro cho Bale”, Gay nói. “Ông ấy sẽ phải bán được 5 triệu chiếc áo đấu”.

Perez quả thật đã xóa sạch nợ cho Madrid bằng cách bán đi sân tập của CLB không lâu sau khi ông lên làm Chủ tịch. Theo con số chính thức của đội bóng, mức nợ của họ hiện chỉ hơn 100 triệu euro, nhưng các nhà tài chính ước đoán con số đó phải là gần 500 triệu euro. Khi Perez lên làm Chủ tịch mùa Hè 2009, CLB đã chi 295 triệu euro mua cầu thủ. Để xử lý vụ Ronaldo, họ đã phải vay ở 2 ngân hàng hơn 150 triệu euro.

Perez được cảnh báo rằng 100 triệu euro là quá cao với Bale, nhưng ông bất chấp. Đó là một mô hình phi lý trí. Chỉ bởi Madrid đã bỏ lỡ Neymar, họ phải có Bale. Kỷ lục thế giới cũng là một niềm tự hào. Rốt cuộc, giá của Bale, cũng như của Ronaldo trước đó, do bên bán, chứ không phải thị trường, quyết định.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn. 

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X