Lần đầu tiên trong 10 năm, Raul Gonzalez đã không có mặt trong đội tuyển Tây Ban Nha khi không bị chấn thương, cũng chẳng phải vì lý do treo giò. Raul không có mặt vì một lý do rất đơn giản: Luis Aragones nghĩ rằng cần phải loại cầu thủ mang áo số 7 ra ngoài, rằng đã đến lúc cần phải đặt niềm tin vào những cầu thủ trẻ hơn, giàu khát khao hơn, và ghi bàn... nhiều hơn.
Raul đáng bị quên lãng?
Không hẹn mà gặp, cả 2 thất bại của đội tuyển Tây Ban Nha tại 2 giải đấu lớn nhất vừa qua, VCK EURO 2004 và World Cup 2006 đều được người ta quy về một cái tên, chỉ một cái tên mà thôi: Raul Gonzalez.
Raul không còn là “bất khả xâm phạm” ở ĐT Tây Ban Nha
Quả đúng như vậy, tại mùa hè Bồ Đào Nha và mùa hè nước Đức, "chú bò tót" TBN đều xuất hiện trước sự e dè của các đối thủ, với lòng kỳ vọng dâng cao hơn bao giờ hết của người hâm mộ. Nhưng tại Bồ Đào Nha, TBN đã bị loại ngay từ vòng đấu bảng, dù cho họ là ứng cử viên số 3 cho danh hiệu vô địch. Tại nước Đức, lại một kết cục tương tự với một kịch bản theo kiểu "đầu voi, đuôi chuột": kết thúc vòng bảng trên ngôi đầu rồi bị loại ngay ở vòng đấu knock-out đầu tiên.
Và cả ở 2 thất bại này, năm 2004, Inaki Saez phải trả giá bằng việc từ chức HLV để trở lại dẫn dắt đội U21, Luis Aragones thì mất hết tự tin nhưng bị RFEF ép buộc phải ở lại. Tuy nhiên, có một điểm chung rằng, TBN bị loại vì không biết cách đưa bóng vào lưới đối phương, mà trong đó, chủ yếu là Raul đã không còn biết cách ghi bàn.
Suốt cả một kỳ EURO 2004, Raul dù đá chính trong cả 3 trận vòng bảng nhưng vẫn không ghi một bàn thắng nào, khiến cho TBN ngậm ngùi rời cuộc chơi với chỉ 2 lần sút tung lưới đối phương. Sang đến World Cup 2006, trong tổng cộng 9 bàn thắng của đội nhà, Raul chỉ đóng góp có duy nhất 1 bàn trong một trận đấu quá dễ dàng trước Tunisia.
Với phong độ đáng thất vọng như vậy, việc Raul liên tục có mặt trong đội tuyển TBN, rồi lại còn liên tục đá chính dường như đã bắt đầu trở thành chuyện "khó coi", dẫu cho Raul đã thực sự là một huyền thoại của Seleccion ở độ tuổi 29 của mình, nhất là khi bóng đá TBN đã sản sinh ra hàng loạt chân sút trẻ hơn và xuất sắc hơn.
Đó là những Fernando Torres, là David Villa, rồi Mista, Reyes, Luis Garcia. Torres đã là trụ cột không thể thay thế của Atletico Madrid, David Villa luôn là chân sút TBN nguy hiểm và xuất sắc nhất La Liga, Luis Garcia thi đấu xuất sắc trong màu áo Liverpool.
Không có Raul, những chân sút trẻ, tài năng như Villa hay Torres mới có nhiều cơ hội thể hiện
Trong khi đó, Raul còn là nỗi thất vọng lớn tại Real Madrid với chuỗi ngày thảm hại kéo dài suốt 2 năm vừa qua. Raul được ra sân nhờ những "lý do" nào đó bên trong hậu trường, dẫu cho trên sân cỏ, anh không còn biết ghi bàn. 2 bàn thắng vào lưới Dinamo Kiev, bàn thắng vào lưới Atletico Madrid, mới chỉ là những bàn thắng đầu tiên của Raul sau quãng thời gian tịt ngòi kéo dài hơn 300 ngày có lẻ.
Vì thế, có gì lạ đâu khi Raul đã không còn là một siêu cầu thủ từng khiến Roman Abramovich phải "lân la" tiếp cận ban lãnh đạo Real Madrid để đưa ra một lời đề nghị tương xứng: 100 triệu euro cho chữ ký của Raul. Giờ đây, nếu Real Madrid có vì một lý do nào đó cắt hợp đồng để Raul tự kiếm việc làm thì e rằng sẽ khó có đội bóng nào rước anh về, dù sẽ không mất một xu phí chuyển nhượng nào.
Với chừng đó lý do, liệu đã đủ để thông cảm cho Luis Aragones trong quyết định loại bỏ Raul khỏi danh sách tham dự trận quyết đấu với Thụy Điển (07/10) và trận giao hữu với Argentina (11/10), nhất là sau những sức ép mà ông phải gánh chịu kể từ thất bại 2-3 trên sân Bắc Ailen, thất bại khiến ông suýt mất việc, còn Raul đã tịt ngòi khi ra sân với băng đội trưởng trên tay trong trận đấu thứ 102 của mình cho tuyển TBN.
Người TBN vẫn nhớ... Raul
Trong suốt 2 năm qua, khi đội tuyển thất bại, khi Raul chơi tồi, điều đầu tiên mà người TBN lên tiếng là công kích dữ dội Raul. Người ta đã gọi Saez là hèn nhát chỉ vì tại VCK EURO 2004, ông đã không dám loại bỏ Raul để đặt niềm tin vào Fernando Torres, Albert Luque hay Morientes. Tại World Cup 2006 cũng vậy, Luis Aragones bị đặt dấu hỏi lớn về khả năng cũng chỉ vì niềm tin mà ông đặt vào Raul.
Tuy thế Raul vẫn là chân sút số 1 của ĐTQG Tây Ban Nha
Thế nhưng ngay sau khi Raul đã bị loại, người ta lại... nhớ cầu thủ mang áo số 7 này. "Trận đấu đầu tiên không có đội trưởng" - tờ Marca đã nói như vậy về cuộc đối đầu Thụy Điển - Tây Ban Nha tại Solna vào ngày 07/10 tới đây.
Mà cũng phải thôi, kể từ trận ra mắt tại đội tuyển TBN vào ngày 09/10/1996, khi mới 19 tuổi, Raul đã trở thành một trụ cột không thể thiếu của đoàn quân Furia Roja trong suốt thời gian qua. 44 bàn thắng sau 102 trận, với một hiệu suất đáng nể 0,43 bàn/trận, đang là chân sút vĩ đại nhất mọi thời đại của đội tuyển TBN (hơn người đứng thứ 2 là Hierro tới 15 bàn), là cầu thủ khoác áo đội tuyển nhiều thứ 2 sau thủ môn Zubizarretta (126 trận).
Tại cả 2 lượt trận play-off đi và về tại vòng loại World Cup 2006 trước Slovakia, Raul cũng đã có đóng góp rất lớn vào chiến thắng với tổng tỷ số 6-2 của đội nhà, mặc dù anh không trực tiếp ghi bàn.
Sau đúng 10 năm kém 2 ngày "có" Raul, lần đầu tiên, người Tây Ban Nha phải làm quen với "cuộc sống không có Raul", mà lại trong trận đấu được xem là trận chung kết của bảng B vòng loại World Cup 2006 ngay trên sân Thụy Điển, rõ ràng, đây sẽ là cuộc kiểm chứng thực sự xem liệu người TBN có thể tồn tại mà không có cầu thủ đội trưởng của mình hay không?
5 chân sút vĩ đại nhất ĐT TBN | |||
Cầu thủ | Bàn thắng | Số trận | Hiệu suất |
Raúl | 44 | 102 | 0,43 |
Hierro | 29 | 89 | 0,33 |
Morientes | 26 | 43 | 0,60 |
Butragueño | 26 | 69 | 0,38 |
Di Stefano | 23 | 31 | 0,74 |
(Theo VTC)