Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Pep Guardiola, xin gọi ông là vĩ nhân!

Thứ Ba 20/12/2011 06:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Đè bẹp "đội bóng của những vị thánh" Santos FC trong trận Chung kết ở Yokohama, Barca của Pep Guardiola lần thứ hai đăng quang ở giải VĐTG các CLB. Nói một cách hình ảnh, lần thứ 2 đứng trên đỉnh thế giới, chỉ trong vòng có 3 năm. Chiến thắng ấy cũng mang về cho Pep danh hiệu thứ 13 trong tổng số 16 danh hiệu mà ông có thể giành được. Nhưng Pep không chỉ có thế...

Năm 2009 là cú ăn sáu. Năm 2011 là cú ăn năm. Hơn 3 năm là 13 danh hiệu, trong tổng số 16 danh hiệu tối đa. Trong số 3 danh hiệu mà Barca của Pep "bỏ lỡ", 2 là những chiếc Cúp nhà Vua, những danh hiệu xếp cuối cùng trong danh sách ưu tiên (tất nhiên, sẽ có người phản đối điều này!?). Danh hiệu đáng kể nhất mà Pep đã để tuột là chức vô địch Champions League 09-10. Mùa giải ấy, Barca đã bị Inter Milan của Jose Mourinho đánh bại ở bán kết. Nhưng đó là một thất bại tới giờ vẫn gây tranh cãi. Rất nhiều mệnh đề bắt đầu bằng chữ nếu đã được đặt ra sau đó. Đáng kể nhất là mệnh đề: "nếu Barca không chấp nhận di chuyển bằng xe bus tới Milan, thì liệu họ có để thua trận thua đậm nhất dưới thời Pep, rồi không thể lật ngược thế cờ ở trận lượt về hay không"?

Pep Guardiola luôn nhìn xa hơn tất cả

Nhưng thôi, cứ để quá khứ và những mệnh đề ấy "ngủ yên". Bởi dù thế nào, thì Barca lúc này vẫn đang đứng trên tất cả. Chiến thắng với tỉ số hủy diệt 4-0 trước Santos chỉ là sự khẳng định của điều mà tất cả đều đã biết: Đây là Barca mạnh nhất trong lịch sử. Thậm chí, là đội bóng mạnh nhất trong lịch sử. Ngay bản thân Pep cũng đang bị "thuyết phục" về điều đó. "Tôi không biết liệu đây có phải là Barca xuất sắc nhất trong lịch sử hay không", vị HLV trẻ phát biểu với vẻ tự hào không giấu diếm trong buổi họp báo sau trận Chung kết. Ở đó, một lần nữa, ông lại chuyển hết vinh quang sang các học trò, "những chàng trai tuyệt vời, những cầu thủ vĩ đại" mà ông chỉ dám nhận là "có vinh dự" được làm việc cùng.

Tất nhiên, không ai phủ nhận chuyện đây là lứa cầu thủ xuất sắc nhất trong lịch sử Barca. Có ý kiến còn cho rằng họ là lứa cầu thủ hay nhất trong lịch sử bóng đá. Nhưng câu hỏi ở đây là liệu họ có làm được như những gì đã làm trong mấy năm qua, nếu người ngồi trên băng ghế huấn luyện không phải là Pep?

Napoleon của bóng đá

Ở tuổi 40, Napoleon đã là Vua của châu Âu. Ở tuổi 40, Guardiola, người sẽ kỷ niệm sinh nhật thứ 41 vào ngày 17/1 tới, thậm chí còn đặt cả thế giới dưới chân mình. Trước khi bị đánh bại ở trận Leipzig bởi Liên minh Sáu nước vào năm 1813, đội quân vĩ đại của Napoleon, Grande Armee, gần như là một thế lực bất khả chiến bại. Barca của Pep không phải là đội quân không thể bị đánh bại - hơn 3 năm qua, họ để thua không ít, cả những trận đánh nhỏ lẫn những trận chiến lớn (gặp Inter năm 2010 và Real ở Cúp Nhà Vua 2011 chẳng hạn). Nhưng vào thời điểm này, nếu Barca khiêm tốn nói rằng họ là đội thứ 2, thì chẳng có đội nào dám nhận mình là số 1. Thậm chí, bạn cũng có thể nói điều đó, với tất cả những đội bóng được cho là vĩ đại nhất trong lịch sử trò chơi.

Nhưng Pep và Barca sẽ đi vào lịch sử không chỉ bởi những chiến thắng và các danh hiệu - dù thành tích đoạt 13 chiếc Cúp trong hơn 3 năm quả thực là "vô tiền khoáng hậu". Pep sẽ đường hoàng bước vào ngôi đền thiêng của bóng đá thế giới, với tư cách người đã thay đổi, hay làm mới một lần nữa, cách người ta nhìn nhận về bóng đá. Những gì Guardiola đã làm ở Barca, từ việc đặt trọn niềm tin vào những cầu thủ "cây nhà lá vườn", tới chuyện Barca luôn nắm thế "độc quyền" với trái bóng bằng sự phối hợp nhuần nhuyễn và linh hoạt đáng kinh ngạc giữa các vị trí, rồi cách ông liên tục thổi lửa cho các học trò, những người chẳng còn gì phải chứng tỏ - như chính bản thân ông, đều là chưa có tiền lệ. Barca này không chỉ mạnh nhất, mà còn độc đáo.

Napoleon từng nói rằng "vinh quang thực sự của tôi không phải là thắng 40 trận đánh... Chỉ cần một trận Waterloo cũng có thể xóa hết những ký ức về tất cả những chiến thắng ấy... Thứ sẽ sống mãi, chính là Bộ quy tắc dân sự của tôi". Bộ quy tắc ấy đúng là đã sống mãi, trong hình hài những bộ luật dân sự đang được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Cái cách Barca được vận hành, chứ không phải là bản thân đội bóng này hay những danh hiệu, có lẽ cũng sẽ trường tồn như thế. Chỉ có điều, sau Pep, không biết có ai đủ khả năng "nhân bản" nó hay không...

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X