Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Pep Guardiola: Từ cậu bé nhặt bóng trở thành thần tượng

Thứ Bảy 13/02/2010 13:48(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
Xuất phát là một cậu bé nhặt bóng trong các trận đấu của Barcelona, Pep Guardiola được chọn vào cho đội trẻ, rồi lên đội một, giữ băng thủ quân và gặt hái thành công. Sau khi treo giày, Pep lại bắt đầu sự nghiệp cầm quân từ đội trẻ, rồi lên đội một và giành được cú ăn sáu vĩ đại.

Chặng đường đầu

Guardiola gia nhập lò đào tạo La Masia lừng danh của Barcelona vào năm 1984 ở tuổi 13. Đến nay, người ta vẫn còn giữ được một tấm ảnh Guardiola tranh thủ chạy vào sân sau khi trận đấu giữa Barcelona và Gothenbury tại bán kết Cúp C1 1986 vừa kết thúc để xin chiếc áo đấu của thần tượng Victor Munoz. Đâu ai ngờ rằng sau này, Guardiola còn thành công rực rỡ hơn Munoz cả trên cương vị cầu thủ lẫn HLV.

Hai năm sau đó, một sự việc xảy ra đã làm thay đổi cuộc đời Pep và lịch sử của Barcelona: Johan Cruyff được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội bóng xứ Catalonia. Ngay trong tuần đầu tiên làm việc, Cruyff đã xuống sân tập của đội trẻ để theo dõi các mầm non thi đấu. Kết thúc hiệp 1 của một trận đấu tập, Cruyff đến hỏi Carles Rexach (HLV đội trẻ) xem chàng trai gầy gò thi đấu ở cánh phải của hàng tiền vệ là ai. “Guardiola, thằng bé được lắm” là câu trả lời của Rexach.

Guardiola là "kiến trúc sư" của "cú ăn sáu" vĩ đại mà Barca giành được


Cruyff làm ngơ câu trả lời ấy và yêu cầu Rexach bố trí Pep chơi như một tiền vệ trụ trong hiệp 2. Cần phải nói rõ, vào thời ấy tiền vệ trụ là một vị trí rất khó chơi vì đòi hỏi cầu thủ phải có khả năng công thủ toàn diện và bao quát trận đấu. Kết quả là trong hiệp 2, Pep tỏa sáng ở vị trí khó chơi ấy. Hai năm sau (1990), Guardiola xuất hiện ở đội một và bắt đầu hành trình trở thành một trong những tài năng lớn nhất mà Barcelona đã từng sản sinh ra.

Thành viên “Dream Team”

Giữa một dàn những tuyển thủ lừng danh như Andoni Zubizaretta, Bakero, Txiki Begiristian, Goikoetchea và các siêu sao nước ngoài Ronald Koeman, Michael Laudrup, Hristo Stoitchkov, Pep vẫn khẳng định được chỗ đứng của mình bên cạnh 3 người Catalonia khác là Albert Ferrer, Sergi Barjuan và Miguel Nadal. Đấy cũng chính là đội hình “Dream Team” đã cùng nhau giành 4 chức vô địch Tây Ban Nha liên tiếp từ 1991 đến 1994 cùng danh hiệu Cúp C1 năm 1992. Sau khi Romario xuất hiện, Barcelona tiếp tục chơi trận chung kết Cúp C1/Champions League một lần nữa vào năm 1994, nhưng để thua AC Milan 0-4.

Các thành viên của “Dream Team” ấy đã trở thành thần tượng của biết bao thế hệ cầu thủ sau này. Nhưng ở Pep vẫn có gì đó thật đặc biệt, khiến ông được người Catalonia yêu mến và tôn trọng. Cứ sau mỗi chiến thắng, Pep đều quấn trên người lá cờ Catalonia để khẳng định tình yêu và lòng trung thành với quê hương xứ sở. Dáng hiền rất gầy gò, Pep vẫn chinh phục được mọi người bằng cách thi đấu cực kỳ thông mình. Ông truyền đạt những ý tưởng phức tạp của Cruyff đến các đồng đội bằng những đường chuyền độc đáo. Pep rất ít khi ghi bàn nhưng lại có vô khối đường chuyền làm tan tành ý đồ phòng ngự của đối phương.

Ít phô diễn kỹ thuật, Pep chọn cách đơn giản nhất để xử lý một pha bóng, thường là những đường chuyền ngay khi bóng vừa đến chân và di chuyển tới vị trí thuận lợi để có thể nhận được đường chuyền ngược lại. Sau này, người Tây Ban Nha gọi đấy là lối chơi “tiqui-taca” nổi tiếng. Thời gian ấy, những Cesc Fabregas, Xavi Hernandez, Mikel Arteta, Andres Iniesta dõi theo và mơ ước mình được chơi giống Pep. Sau này, cả 4 tiền vệ đó đều khẳng định lối chơi khôn ngoan của họ có được là nhờ học theo thần tượng Pep Guardiola.

Ra đi và trở về

Rất nhiều người đã bị sốc lúc Pep quyết định chia tay Barcelona vào năm 2001 sau khi chơi 479 trận trong 12 mùa và giành 16 danh hiệu khác nhau. Trong cuộc họp báo sau trận gặp Celtic, trận cuối cùng trong màu áo Barcelona, Pep nói: “Tôi đã đi một chặng đường dài. Tôi rất vui, hạnh phúc và tự hào. Tôi không thể đòi hỏi gì hơn sau khi đã có những năm tháng thành công rực rỡ. Tôi xuất hiện ở Barcelona không phải để thay đổi lịch sử  CLB, mà để thay đổi lịch sử của riêng mình”. Cũng không ít người bảo rằng một trong những lý do khiến Pep chia tay đội bóng là sự xuất hiện của Xavi Hernandez. Bây giờ, Xavi là một trong những tiền vệ hay nhất thế giới, thậm chí còn xuất sắc hơn cả Pep khi xưa.

Những năm tháng ở Italia chỉ làm cho nỗi nhớ Catalonia của Pep càng thêm da diết. Pep không thành công tại Brescia lẫn AS Roma trước khi đá những năm tháng cuối cùng của đời cầu thủ tại Al-Ahli (Qatar) và Dorados Al Sinaloa (Mexico). Năm 2006, Pep chính thức giải nghệ. Barcelona chỉ chờ có thế. Năm 2007, họ bổ nhiệm ông làm HLV đội trẻ. Năm 2008, trong nỗ lực tìm người thay Frank Rijkaard vừa bị sa thải, Joan Laporta đã nghĩ đến Jose Mourinho nhưng rốt cuộc đã bổ nhiệm Pep Guardiola vì vị trí đặc biệt của người hùng này trong lòng công chúng. Đó là một quyết định dũng cảm đã làm thay đổi lịch sử của Barcelona.

Quanh bản hợp đồng 1 năm

Có lẽ không cần phải nhắc lại Pep đã cùng Barcelona giành những danh hiệu gì và chinh phục biết bao người yêu bóng đá ra sao trong khoảng một năm rưỡi qua. Pep đã bước đúng trên con đường tuyệt vời mà người thầy - người bạn lớn Johan Cruyff từng đi, tức là thành công ở cương vị cầu thủ rồi huấn luyện. Pep còn thành công hơn Cruyff, lối chơi của Barcelona hiện quyến rũ hơn xưa, Pep sử dụng các tài năng trẻ còn triệt để hơn.

Vì thành công của Pep, mọi người Barcelona đều mong mỏi ông ở lại. Niềm hy vọng ấy trở thành một thứ áp lực khủng khiếp đặt lên Pep và Barcelona. Ngày sinh nhật lần thứ 39 của ông hôm 18/1 bỗng trở thành một dịp thuận tiện để hơn 14.000 CĐV lên Facebook chúc mừng và kêu gọi Pep ở lại với đội chủ sân Nou Camp. Khi Pep đến một nhà hát để xem kịch, khán giả ở đó nhận ra ông và thay vì thưởng thức nghệ thuật, họ quay sang kêu gọi Pep hãy ký bản hợp đồng mới. Ngày 20/1, Pep chính thức công bố quyết định ở lại Barca thêm 1 năm.

Bản hợp đồng 1 năm ấy quá ngắn ngủi trong khi Barcelona đang đi trên một lộ trình thành công. Có ý kiến cho rằng Pep đang nhắm đến chiếc ghế HLV trưởng của M.U khi Alex Ferguson nghỉ hưu vào mùa Hè 2011. Pep thì lý giải rằng ông không thích những bản hợp đồng dài hạn vì muốn kiểm soát niềm tin mà tất cả dành cho mình. Pep phát biểu như thế là nói thật lòng mình rồi. Cruyff vĩ đại là thế, rốt cuộc cũng bị Barcelona sa thải sau 2 mùa giải không thành công. Rijkaard từng một thời được yêu mến là thế, rốt cuộc cũng phải ra đi không kèn không trống.

Pep hiểu cái gì cũng có khởi đầu và phải đi đến kết thúc. Ông muốn kết thúc trong trọn vẹn để nhường chỗ cho những người mới và khởi đầu mới. Vì cách suy nghĩ này mà Pep đã ra đi khỏi Barcelona khi biết sự nghiệp cầu thủ sắp sửa thoái trào. Rồi sẽ có những người khác thay Pep và thành công như thế. Biết đâu đó cũng là một cậu bé nhặt bóng đang chực chờ xin chữ ký của những Xavi hay Messi?

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X