Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Pep Guardiola: Qua nửa đài mây

Thứ Sáu 13/05/2011 12:13(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không cần phải đợi đến cú đánh đầu rạng rỡ của Keita trong đêm khải hoàn Ciudad de Valencia, cái tên Joseph Guardiola mới được các cules ghi vào thanh sử. Người đàn ông trầm tĩnh ấy không cần phải được so sánh từng điểm hơn kém với Johan Cruyff, để vươn cao trên đài mây phong thánh của riêng mình.

1. Với “Thánh Johan”, Pep đã luôn là một người học trò cưng. “Mắt xanh nhìn người”, trong nỗ lực tìm kiếm một sự thay thế cho Guillermor Amor chấn thương mùa 91-92, Cruyff đã thấy ở cậu trai 20 tuổi ấy dáng dấp thực thụ của một trụ cột nơi tuyến giữa, để rồi chỉ 21 tuổi, Pep đã mang áo số 10 dự trận chung kết Cúp C1 châu Âu cuối cùng. Ronald Koeman là người hùng, Hristo Stoichkov và Michael Laudrup là những ngôi sao, nhưng trước Sampdoria của Vialli và Mancini, Pep Guardiola vừa là sự bổ sung duy nhất cho hàng phòng ngự, vừa là ngòi nổ tấn công đầu tiên. Kể từ đó, Fernando Hierro của Real Madrid đã có một đối thủ cạnh tranh xứng tầm trong màu áo đội tuyển TBN.

Trận chung kết ấy là lễ tôn vinh sự kết hợp giữa tinh thần Catalunya phóng khoáng và tư tưởng rực lửa “phòng ngự trong vòng cấm của đối thủ” mà Cruyff mang tới từ thế hệ tổng lực của “những người Hà Lan bay”. Những trải nghiệm vô giá, nhưng hẳn là Pep không chỉ chịu ảnh hưởng của đêm chiến thắng đó, cũng như không chỉ học hỏi kinh nghiệm cầm quân của một người thày duy nhất là Johan Cruyff.

Guardiola đang vững chắc trên con đường trở thành một huyền thoại vĩ đại nhất Barcelona

2. Trong huyết quản của Pep vẫn luôn là dòng nhiệt huyết đặc trưng của khí chất Barca với những cấu trúc bất biến được hun đúc bởi sự trường cửu của La Masia. Song, bài học về sự khắc nghiệt của đỉnh cao mà Barca nhận được từ AC Milan năm 1994, hay những năm tháng lăn lộn trên chiến trường Serie A khốc liệt cũng đã góp những phần không nhỏ để tạo nên một tính cách Guardiola hiện tại. Đã chiến đấu bên cạnh một Roberto Baggio “nên thơ”, để bảo vệ sự sinh tồn cho một Brescia mỏng mảnh, người ta không thể không hiểu tầm quan trọng của chiến thắng, cũng không thể không biết sức mạnh của sự giảo hoạt.

Mourinho là một bậc thầy, nhưng trên mặt trận tâm lý chiến xuyên suốt 5 trận "Kinh điển", “Người đặc biệt” đã thật sự dưới cơ. Ở thượng phong, Pep “dĩ bất biến ứng vạn biến” để rồi bất thần trả đòn để giằng lấy lợi thế khi cục diện có nguy cơ thay đổi. Những màn trình diễn mẫu mực về nghệ thuật đối ngoại, và lần nào Mourinho cũng thua thiệt.

Pep không thường xuyên tự đặt mình vào tâm điểm chú ý của giới truyền thông, như Mourinho hiện tại, và như chính Cruyff năm xưa. Cũng giống lúc còn thi đấu, ông cống hiến nhiều hơn ở vị trí một người hùng thầm lặng. Và tư tưởng của ông cũng vậy. Barca lúc nào cũng kiểm soát rất nhiều bóng, nhưng không phải lúc nào cũng là để tìm kiếm bàn thắng. Pep không đòi hỏi các cầu thủ của mình “chơi nhanh hơn trái bóng”, mà hài lòng với sự nhuần nhuyễn của cả một guồng máy. Mùa này, Barca mới chỉ để thủng lưới 20 bàn.

3. Có lẽ không cần so sánh hai Barca “Dream Team” của hai thời kỳ, cũng không nên đặt cạnh nhau hai nhà cầm quân lỗi lạc của hai bối cảnh lịch sử khác biệt. Nếu bắt buộc phải “đem thành bại luận anh hùng”, như cách Mourinho ưa thích, thì dù mùa này Barca có siêu việt đến mấy, bảng thành tích của Pep vẫn kém “Thánh Johan”. Có thể là Pep đã thành công nhiều hơn trong một thời gian ngắn hơn, nhưng trước khi Cruyff đến Camp Nou, Liga đang quằn quại dưới gót sắt độc tài của “Lữ đoàn kền kền Madrid” suốt 5 mùa liên tiếp. Và lúc này, sau những kỳ tích, cũng chẳng ai dám chắc được màu sắc tương lai của Guardiola.

Họ là những tính cách khác nhau, những con người khác nhau, những kiểu cầm quân khác nhau, ngoại trừ việc đều tận lực cống hiến cho ngọn cờ Catalunya kiêu hãnh. Có điều, với Pep hiện tại, các cules hẳn sẽ ít có khả năng phải chứng kiến Barca thảm bại trong một trận chung kết Champions League, như khi Cruyff cố gượng tỏ vẻ thản nhiên: “Dù sao, đây cũng chỉ là một cuộc chơi!”

Một lần vô địch Liga nữa là Pep bắt kịp người thầy của mình. Song, đã đạp trên ngọn mây khi mới ở nửa chặng đường sự nghiệp, liệu ông còn đủ khát vọng để ở lại? Wembley là một điểm khởi đầu, Wembley có thể chứng kiến một lễ phong thánh, nhưng Wembley cũng có thể mang nghĩa chia ly…

Thầy và trò

Barca của Johan Cruyff: Vô địch Liga 4 lần liên tiếp (từ 1991 tới 1994); đoạt 1 Cúp Nhà Vua (1990); 3 Siêu Cúp TBN (1991,1992,1994), 1 cúp C1 (1991), 1 Cúp C2 (1989), 1 Siêu Cúp châu Âu (1992).
Barca của Pep Guardiola: Vô địch Liga 3 lần liên tiếp (từ 2009 tới 2011), đoạt 1 Cúp Nhà Vua (2009), 2 Siêu cúp TBN (2009, 2010), 1 Champions League (2009), 1 Siêu cúp châu Âu (2009), 1 Cúp VĐTG các CLB (2009)


  (Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X