Trong đội hình Barca hiện tại, có 14 cầu thủ được đôn thẳng từ học viện La Masia lên đội một (17 người nếu tính cả các trường hợp mua lại). Trên khắp châu Âu, và cả thế giới, không nơi nào cung cấp cầu thủ nhiều như trung tâm đào tạo trẻ của Barca.
CIES, trung tâm nghiên cứu bóng đá có trụ sở ở Neuchatel (Thụy Sĩ), vừa thực hiện cuộc điều tra về xuất thân của các cầu thủ chuyên nghiệp đang thi đấu tại châu Âu, cụ thể hơn là 5 giải VĐQG mạnh nhất, gồm Tây Ban Nha, Anh, Đức, Italia và Pháp. Những số liệu thống kê cho thấy, 2.286 cầu thủ chuyên nghiệp tại lục địa già lúc này thì La Masia cung cấp tổng cộng 38 người.
Dưới cái bóng La Masia
Nghiên cứu của CIES dựa trên quá trình đào tạo của các CLB theo ba giai đoạn khác nhau, có độ tuổi giữa 15-21. Đây là độ tuổi được xem là quan trọng nhất trong quá trình đào tạo trẻ, quyết định đến thành bại của chính cầu thủ lẫn học viện. Trong hồ sơ của CIES, có 2.286 cầu thủ, trong đó 2.170 người trong cả sự nghiệp được đào tạo ở duy nhất một CLB. Có 116 trường hợp quá trình đào tạo đứt quãng, khi sang một CLB khác.
Tổng cộng, có 805 trung tâm đào tạo trẻ của các CLB đang cung cấp cầu thủ cho cả châu Âu. Barca là CLB dẫn đầu lục địa già và cả thế giới với 38 cầu thủ. Riêng trong đội hình một của Barca hiện tại, có 14 thành viên do chính học viện La Masia đào tạo và đưa thẳng lên đội một. Họ là Valdes, Bartra, Montoya, Pedro, Jonathan Dos Santos, Iniesta, Messi, Busquets, Puyol, Xavi, Muniesa, Thiago, Cuenca và Tello.
Ngoài ra, có thể kể thêm 3 cầu thủ khác cũng từng xuất thân từ La Masia, nhưng trưởng thành ở một đội bóng mới rồi mới quay trở lại Camp Nou, gồm Pique, Fabregas và Jordi Alba. Pique đi khỏi La Masia năm 2014, và tiếp tục được đào tạo với môi trường M.U. Fabregas rời La Masia khi mới 16 tuổi, trước khi trở thành đội trưởng Arsenal. Alba đổi chỗ ở liên tục, khi từ La Masia chuyển sang Cornella, và trưởng thành với Valencia.
Ở sân chơi La Liga, La Masia còn đóng góp 17 cầu thủ cho hàng loạt CLB, gồm Casado, Trashorras, Ruben Martinez, Sergio Rodriguez (Rayo Vallecano); Fernando Navarro và Botia (Sevilla); Marc Valiente, Pena, Lluis Sastre (Valladolid); Victor Sanchez, Baena, Verdu, Sergio Garcia (Espanyol); Giovanni Dos Santos và Fontas (Mallorca); Victor Rodriguez (Zaragoza); Nano (Osasuna).
Những cầu thủ trưởng thành từ La Masia còn dạt sang Anh, với một số cái tên Oriol Romeu (Chelsea), Iago Falque (Tottenham, hiện khoác áo Southampton theo hợp đồng mượn), Reina (Liverpool), Jordi Gomez (Wigan), Arteta (Arsenal). Thiago Motta đang chơi bóng tại PSG. Người cuối cùng là Bojan, trong màu áo Milan ở Serie A.
Trong số 38 cầu thủ La Masia, có 36 trường hợp “sản phẩm chính thống” (productos primarios), khi toàn bộ quá trình đào tạo (15-21 tuổi) đều gắn bó với nơi này. Chỉ có hai người, Cuenca và Tello, được xem là “sản phẩm hạng hai” (productos secundarios), khi thay đổi nhiều nơi. Dù vậy, họ đều trưởng thành dưới màu áo Barca B, trước khi được đưa lên đội một, khác với Pique, Cesc và Alba.
Sự thống trị của Tây Ban Nha
Trong khi La Masia dẫn đầu về cung cấp cầu thủ, các CLB Tây Ban Nha cũng thống trị trên khắp châu Âu. Ngoài La Masia của Barca, còn có 3 trung tâm khác ở xứ bò tót nằm trong top 10, gồm Real Madrid (29), Sociedad và Atletico Madrid (cùng 21). Như vậy, 4 học viện lớn nhất TBN hiện cung cấp cho châu Âu lực lượng lên đến 109 người.
Ngay cả bóng đá Pháp, vốn được xem là nơi đào tạo và cung cấp cầu thủ cho châu Âu, cũng không sánh được với TBN. Trong vài năm qua, Lyon nổi lên như lò đào tạo tốt nhất nước Pháp, nhưng vẫn còn kém Barca 7 người. M.U đứng thứ 4 châu Âu, bằng với Stade Rennais của Pháp, khi có 24 cầu thủ đang đá rải rác ở lục địa già. Bayern Munich “sản xuất” 23 cầu thủ. Atalanta đã chứng minh chỗ đứng của trung tâm đào tạo trẻ của Italia, khi là CLB duy nhất thuộc Serie A nằm trong top 10.
Trong top 30, Boca Junior là CLB duy nhất ngoài châu Âu, với 15 cầu thủ. Điều này là dễ hiểu, vì đội bóng Argentina được xem là trung tâm xuất khẩu cầu thủ hàng đầu Nam Mỹ. River Plate đã sa sút, nên số cầu thủ từ đây sang châu Âu không nhiều, và đội bóng này đứng hạng 37. Ajax còn mờ nhạt hơn khi chỉ đứng thứ 42.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)