Thứ Năm, 07/11/2024Mới nhất
Zalo

Những sự thật đằng sau vụ Kaka: Khi các tifosi bị lừa dối

Thứ Năm 11/06/2009 14:58(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Berlusconi đã hành xử trong vụ bán Kaka cho Real Madrid như thế ông đang bán một miếng thịt sống. Đằng sau thương vụ này là rất nhiều những điều bí ẩn và cứ khi nào vén được bức màn lên một chút, hình ảnh của Milan lại trở nên xấu xí hơn.

Ai đã nói dối trong vụ này?

Dĩ nhiên, Berlusconi. Trong khi Galliani khẳng định Milan phải bán Kaka để lấp các thâm thủng ngân sách, thì ông chủ của Milan vẫn tuyên bố sẽ gọi điện cho Kaka để thuyết phục anh ở lại, vì “HĐ chưa hề được kí kết”. Ông nói điều ấy đầu tuần trước và việc “gọi điện thuyết phục” chẳng qua là để câu thêm thời gian, vì vào cuối tuần, diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu và bầu cử địa phương ở Italia, nên Berlusconi không muốn gây sốc cho các tifosi.

Trên thực tế, cuộc đối thoại dự kiến diễn ra thứ hai tuần này, nghĩa là sau khi cuộc bầu cử hoàn thành, đã không được thực hiện. Không có cuộc điện thoại nào hết, vì ngay vào đêm chủ nhật, trong khi các hòm phiếu đang được kiểm, website của Real Madrid đã thông báo Kaka thuộc về Real (họ đăng tin này trước website của Milan 4 phút!). Thế mà, buổi chiều chủ nhật 7/6, Galliani vẫn nói cứng là “sẽ làm tất cả để giữ chân Kaka”, nhưng ngay tối hôm đó, ông ta đã cùng bố Kaka bay sang Madrid để hoàn tất HĐ. Theo các nhà phân tích Italia, những trò lừa bịp ấy không làm các tifosi Milan xiêu lòng. Hậu quả: Berlusconi và đảng của ông mất 2,5% số phiếu trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu!
 
Kaka cùng vợ và bé Luca

Kaka cũng chỉ là hàng “xôn”

Những cuộc tiếp xúc bí mật giữa Milan và Florentino Perez đã diễn ra từ đầu tháng 5, khi Perez đến Italia và 2 bên đã đạt được thỏa thuận chuyển nhượng từ thời điểm đó. Kaka đã biết việc này, và khi trận đấu cuối cùng của mùa giải với Fiorentina kết thúc, anh đã khóc như mưa trong phòng thay quần áo. Điều cần làm rõ là, 1) Tại sao Milan không thể bán Kaka với giá cao hơn nữa, mà lại đúng bằng số tiền mà Milan đã thâm hụt trong mùa bóng vừa kết thúc?, 2) Tại sao Milan phải vội vã bán đến thế, ngay khi mùa bóng khép lại, và trước khi cuộc bầu cử diễn ra, với những hậu quả không thể tránh được về mặt chính trị của Berlusconi, vừa là thủ tướng, vừa là chủ Milan?

Từ năm 2007, Berlusconi đã nhìn thấy Kaka như một món hàng được giá và cần phải bán, nhưng chưa thể bán, vì hoàn cảnh của đội ở Serie A và Champions League không cho phép ông làm điều ấy. Việc ông đánh cuộc vào sự trở lại của Shevchenko và việc mua Ronaldinho là nước cờ quan trọng để dần thay thế hình ảnh của Kaka, ít nhất là trong mùa bóng này. Rốt cục, Shevchenko không còn là Sheva. Ronaldinho bị Ancelotti đầy đọa trên ghế dự bị.

Sự có mặt của Man City vào đầu năm 2009 là một cơ hội không thể tốt hơn để Berlusconi bán đi Kaka với cái giá kỉ lục có thể giúp Milan bù lỗ và Kaka đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách là cầu thủ đắt giá nhất hành tinh. Nhưng Kaka chỉ muốn đến Real, và việc anh không đặt bút kí vào bản hợp đồng với Man City vào phút chót đã khiến thương vụ đổ bể, buộc Milan phải chọn phương án kém phù hợp hơn và được ít tiền hơn: bán cho Real Madrid, dù điều đó tiếp thêm sức mạnh cho đối thủ của họ ở Champions League mùa tới và tham vọng thực sự của Kaka (nếu rời khỏi Milan thì chỉ đến Madrid) không cho phép Milan có nhiều lựa chọn.

Perez nắm được điều ấy và vị chủ tịch của Real Madrid không chấp nhận việc Milan tăng giá lên 80 triệu euro như Galliani mong muốn. Ông ra điều kiện: Real chỉ mua Kaka với giá đúng bằng con số thâm hụt của Milan (68 triệu euro) và nếu Milan không chấp nhận, Perez sẽ không mua nữa. Điều đó có nghĩa là nếu không bán được Kaka, Milan sẽ phải tăng lương cho anh một lần nữa, điều họ không thể làm trong hoàn cảnh lương của Milan đã phình quá to sau sự có mặt của Ronaldinho. Những ông chủ của Milan cũng tính toán: Kaka vẫn là cầu thủ xuất sắc bậc nhất thế giới, nhưng giá trị của anh không còn được như năm 2007, do Milan liên tiếp thất bại ở Serie A và châu Âu, trong khi tần suất chấn thương của anh trong những năm qua đã tăng lên trông thấy do bị quá tải. Giá trị hình ảnh về tài trợ của Kaka cũng không cao bằng Ronaldinho. Vậy là Galliani hối hả bay sang Madrid để thương lượng với Perez ngay khi mùa bóng vừa chấm dứt: Milan run rẩy khi nghĩ đến việc Real sẽ hạ giá Kaka! Tiền vệ người Brazil, sau khi nói về tình yêu của anh với Milan, đã nói thẳng lí do anh đi: “Với số tiền chuyển nhượng của tôi, tôi đã cứu Milan”. Anh không nói dối.

Sức ép của gia đình

Một trong những lí do đằng sau quyết định bán Kaka mà Berlusconi không bao giờ nói ra, là các con của ông, những người nắm vai trò điều hành chủ chốt trong tập đoàn Fininvest của gia đình ông không muốn “ông già” của mình tiếp tục đầu tư hàng tấn tiền cho Milan nữa. Marina Berlusconi, con gái lớn của ông, chủ tịch Fininvest và Piersilvio Berlusconi, con trai thứ 2, phó chủ tịch Mediaset, đã nhìn Milan dưới góc độ kinh doanh nhiều hơn là bóng đá giải trí đơn thuần. Với họ, Milan là một cỗ máy ngốn tiền của của gia đình hơn là tạo ra lợi nhuận. Vậy là, Berlusconi phải bán Kaka đi dù biết rằng vụ này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và thu nhập của Milan ở mùa tới, vì mục tiêu lấp lỗ hổng tài chính hiện tại lớn hơn cả. Berlusconi cũng chỉ còn cách ấy tránh cho những mâu thuẫn của gia đình ngày càng bùng nổ, sau khi vợ ông đã đòi li dị ông.

Những lời nói dối trên thực tế chỉ là để che lấp đi sự thật. Sự thật nặng nề nhất là Kaka không còn ở Milan nữa, và số tiền mà Milan có từ việc bán đi Kaka và Gourcuff chưa chắc đã được tái đầu tư cho những thương vụ khác. Một số ngôi sao nữa có thể tiếp tục bị bán đi. Leonardo thể hiện rằng anh hết sức hào hứng khi nhận nhiệm vụ làm HLV Milan mùa tới. Nhưng có lẽ, sự hào hứng ấy cũng là giả tạo, để che giấu đi những bất ổn và lo lắng ẩn chứa trong lòng, mà có lẽ, một lúc nào đó, sẽ bùng lên.

Sau Kaka là những âu lo

Milan thời hậu Kaka giống như một con tàu sắp đắm. Vị thuyền trưởng Ancelotti đã bỏ đi sau 8 năm cầm lái. Người thủy thủ lâu năm nhất Maldini đã ở lại trên bờ, không đi biển nữa. Thuyền viên xuất sắc nhất là Kaka thì đã sang tàu khác. Không ngạc nhiên khi Maldini, người vừa giã từ con tàu, tuyên bố “sự ra đi của Kaka đã là một cú sốc nặng nề lên tinh thần của đội”. Cụ thể: Pirlo bắt đầu nói lấp lửng về tương lai trước sự chèo kéo của Chelsea và nhiều khả năng, Milan sẽ không từ chối đề nghị trị giá 30 triệu euro cho một cầu thủ đã 30 tuổi như anh. Người đại diện của Pato cũng khẳng định anh “không chắc chắn lắm về tương lai với Milan”, sau khi cũng bị Chelsea liên hệ. Có thể Pato chưa đi ngay, nhưng hiện anh không hài lòng với việc “chỉ” được lĩnh lương 2 triệu euro/năm.

Trong khi đó, trên các diễn đàn trên mạng, các CĐV đã chỉ trích Galliani và Berlusconi thậm tệ, cho rằng họ có lỗi trong việc bán Kaka và cười nhạo những lời biện bạch của Galliani (“Ông ta nói về thuế thu nhập ở TBN thấp hơn ở Italia, nhưng Milan vẫn trả cho Dida đến 4 triệu mỗi năm, lại còn đưa về Shevchenko và Ronaldinho”).

Về việc Milan định mua Dzeko của Wolfsburg để thay Kaka, Boban cho rằng, coi chừng Milan bị hớ. “Năm 2006, sau khi để Shevchenko sang Chelsea, Milan đã hối hả mua Oliveira với hy vọng anh sẽ là một số 7 mới và lấp đi khoảng trống mà Sheva đã để lại. Rốt cục Oliveira và Milan thất bại. Đừng để xảy ra một Oliveira thứ hai”.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Có thể bạn quan tâm

Video

Quyền trượng "thời gian" của Hansi Flick ở Barca

Quyền trượng thời gian của Hansi Flick ở Barca

Quyền trượng "thời gian" của Hansi Flick ở Barca

Theo thời gian, Hansi Flick dần đã có được một đội hình dày hơn ở Barça, sau khi những cầu thủ chấn thương dần bình phục và trở lại. Điều này cho phép chiến lược gia người Đức có thêm biên độ để xoay tua lực lượng, bảo vệ thể trạng các học trò trước nguy cơ bị quá tải. Song, đó không phải là lý do duy nhất khiến một số cầu thủ ở Barça phải ngồi dự bị.

Xem thêm
top-arrow
X