Khi Gerardo Martino trở thành tân HLV của Barca, không ít các cule tự hỏi: Tata là ai? Không chỉ khán giả mà ngay cả một số người ở Camp Nou cũng có rất ít thông tin về nhà cầm quân người Argentina này. Nhưng chỉ hơn một tháng rưỡi sau, chính xác là 50 ngày, tất cả các đổi khác.
Giờ đây, Tata Martino đã có đầy đủ quyền uy của một nhà cầm quân kỳ cựu tại đây, dù CLB xứ Catalunya là “một gã khổng lồ” khó trị bởi tầm vóc và những chiến tích của đội bóng được đánh giá là hay nhất thế giới. Để giành được quyền uy đó, ngoài tài năng cầm quân từng được thể hiện khi dẫn dắt đội tuyển Paraguay hầu như không có ngôi sao nào mà vẫn lọt vào tứ kết World Cup lần trước, Martino còn là một nhà quản lý phòng thay đồ xuất sắc, không theo nghĩa mưu mẹo, mà bằng sự giản dị và gần gũi với cả các học trò và người hâm mộ.
ata Martino dễ dàng kiểm soát được Barca |
Công việc, dễ gần và dễ mến
Mặc dù vẫn có câu “an cư mới lạc nghiệp”, nhưng do bận bịu với những trách nhiệm mới, HLV Gerardo Martino vẫn chưa có thời gian để tìm được một ngôi nhà ưng ý ở Barcelona. Để thuận tiện cho việc “ăn, ngủ, thở với bóng đá”, ông cùng những trợ lý chính từ Argentina sang như Jorrge Pautasso và Elvio Palorosso đã chọn khách sạn Princesa Sofia gần sân Camp Nou làm nơi trú ngụ. Cả ba người thường đến Ciutat Esportiva (Thành phố Thể thao) trên cùng một chiếc xe Audi do CLB cung cấp.
Còn chuyện mua nhà, ông quyết định gác lại cho đến tháng Mười, để giao cho bà xã Angelica tìm kiếm sau khi sang Barcelona sum họp với ông. Martino thường đến nơi làm việc từ rất sớm và không bao giờ quên thói quen chào hỏi những nhân viên ở trung tâm tập luyện, bắt đầu từ những người gác cổng. Thái độ cởi mở và bình dân của ông khiến ai cũng quý mến HLV này. “Các anh sẽ phát hiện Martino là một nhân cách lớn”, cựu cầu thủ của Real Madrid, Santiago Solari, có bố từng làm việc với Tata trong nhiều năm, tiết lộ với các nhân viên của trung tâm Sant Joan Despi trong một lần đến thăm nơi này.
Công thần cũng phải phục
Tuy nhiên, cần phải làm rõ, Martino không phải là một người “ba phải”. Ông luôn có những đòi hỏi khắt khe từ những nhân viên dưới quyền, chỉ có điều tất cả những yêu cầu của ông đều được truyền đạt và thực hiện thông qua sự thảo luận và đồng thuận chứ không phải sự áp đặt. Ông đặt vấn đề một cách rõ ràng, kể cả những chuyện tế nhị như chơi chính thức hay dự bị hoặc xoay tua cầu thủ, giải thích lý do tại sao phải như vậy, kể cả với những đại công thần như Xavi, Iniesta và Messi.
Thậm chí, ông còn chăm lo cả đến những chuyện hậu cần liên quan đến việc tổ chức đội bóng. Cách làm việc minh bạch, vừa dân chủ vừa tập trung đó đã khiến các ngôi sao vốn nhiều tài lắm tật cũng phải “tâm phục, khẩu phục” trước mỗi quyết định của nhà cầm quân người Argentina.
Mặc dù được nghiễm nhiên sử dụng văn phòng làm việc của người tiền nhiệm Tito Vilanova, nhưng cho đến lúc này ông vẫn chưa một lần đến đó. Ông chỉ thích làm việc trên sân cỏ, chứ ít khi chịu ngồi trước chiếc máy tính. Nhưng ông lại đọc báo giấy rất nhiều, hơn hẳn báo điện tử.
Tata biết rõ mình đang làm việc ở đâu, môi trường báo chí ở Tây Ban Nha như thế nào và chịu khó xem tivi, tất nhiên chủ yếu các chương trình bóng đá, hết trận đấu này đến trận đấu khác, giống như một con nghiện. Trong các buổi tập luyện, ông hoạt động liên tục, lúc thì thổi còi để nhắc nhở các cầu thủ, lúc dùng máy đo tốc độ, lúc ghi chép những chi tiết cần thiết, giống như cách Louis van Gaal vẫn làm, chỉ khác là không hò hét inh ỏi như HLV người Hà lan.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)