Hứa hẹn một mùa bóng nữa Real Madrid và Barcelona tiếp tục thống trị trong cung điện xa hoa của họ, mặc kệ ngoài kia phần còn lại ở Liga. Những hy vọng mong manh mới được thổi bùng mùa trước đã nhanh chóng bị dập tắt, Liga có lẽ vẫn sẽ là câu chuyện của những nhà “độc tài”.
“Liga không phải là của chúng ta”
Mùa 2011-12, khoảng cách ấy là 30 điểm; mùa 2010-11 là 21 điểm và 2009-10 là 25 điểm. Trong 82 lần chức vô địch Liga được giương cao, có 54 lần thuộc về Real Madrid và Barca. Tính từ mùa 2004-05, chỉ một lần Real-Barca không chiếm cả hai vị trí dẫn đầu: mùa 2006-07, khi Villarreal cán đích ở vị trí thứ nhì, nhiều hơn Barca 10 điểm.
Liga mùa giải 2013-2014 vẫn là cuộc đua song mã Real-Barca? |
Hai năm trước, Malaga, từng lọt vào đến bán kết Champions League, bị Madrid hủy diệt 7-0 tại Liga. Huấn luyện viên khi ấy của Malaga là Manuel Pellegrini thú nhận ông chủ động đưa ra sân đội hình dự bị: “Cuộc chiến của chúng tôi không nằm ở đó”. Báo Marca mô tả: “hành quân đến Camp Nou và Bernabeu không khác gì một cuộc tra tấn”.
Tinh thần chung của phần còn lại ở Liga là như thế: nếu bạn không thể tránh cuộc tra tấn ấy, hãy “hưởng thụ” nó, với câu sáo ngữ cửa miệng :“Esta no es nuestra liga” (Liga không phải của chúng ta). Mùa giải đã được ấn định từ khi chưa bắt đầu, và chống lại Barca hay Real trong các cuộc đối đầu trực tiếp là một việc vô nghĩa. Cách đây hai năm, Chủ tịch Sevilla, Jose Maria Del Nino, thậm chí còn khẳng định : “Liga là đống rác rưởi lớn nhất ở Tây Ban Nha nói riêng, và thế giới nói chung”. 38 vòng đấu chỉ là một thể thức giả tạo, bởi cuộc chơi vốn đã không công bằng ngay từ đầu.
Mùa tới có gì mới?
Mùa trước, Atletico Madrid đã tiến đến rất gần Real và Barca trong quãng thời gian đầu mùa, và chỉ hụt hơi khi mùa đông đến. Tại Champions League, Malaga chơi khá thành công và cùng Barca vào đến bán kết. Real Sociedad cũng tiến bộ và giành quyền dự dự Champions League mùa này, trong khi Valencia, dù không còn là thế lực cạnh tranh chức vô địch như trong giai đoạn đầu thế kỷ, vẫn luôn là một đội bóng đáng gờm.
Khoảng cách giữa phần còn lại và Real-Barca đã được rút ngắn ba lần, từ 30 điểm xuống còn chín điểm, và đó là tia hy vọng về viễn cảnh một Liga giàu tính cạnh tranh hơn.
Nhưng tia lửa nhỏ bé ấy nhanh chóng tắt ngấm khi mùa chuyển nhượng tới. Barcelona mua Neymar về để “viện trợ” cho Lionel Messi. Real Madrid sắp hoàn tất thương vụ Gareth Bale. Trong khi đó, Atletico Madrid mất tay săn bàn số một Radamel Falcao cho Monaco. Malaga và Real Sociedad còn đau đớn hơn. Họ đã bán hai nhạc trưởng của mình là Isco và Asier Illarramendi cho Real Madrid. Valencia chia tay chân sút người Tây Ban Nha hay nhất Liga mùa trước, Roberto Soldado, còn Sevilla ngậm ngùi giã biệt tiền đạo giỏi nhất của họ, Alvado Negredo.
Nỗi ám ảnh lớn nhất không nằm ở những thất bại của phần còn lại trước Real và Barca trong các cuộc đối đầu trực tiếp, mà ở sự tuyệt vọng của họ. Mười tám đội còn lại bước vào mùa bóng mới với một niềm tin đã chết. Chức vô địch được mặc định thuộc về Real hoặc Barca. Đó là điều đang hủy hoại bóng đá Tây Ban Nha.
Sự dân chủ không phải chưa từng tồn tại ở Liga. Chỉ trong năm năm, từ 2000 tới 2005, ngôi vô địch đổi chủ bốn lần giữa Deportivo, Valencia, Real Madrid và Barcelona. Nhưng các đội bóng dám thách thức Real và Barca cứ lụi tàn đi từng ngày. Một ví dụ tiêu biểu là Villarreal của chính Pellegrini vào giữa những năm 2000. Năm 2006, họ vào đến bán kết Champions League và kết thúc mùa bóng ở vị trí á quân ở Liga, sau Real Madrid và hơn đội xếp thứ ba là Barca đến 10 điểm. Nhưng mùa 2011-12, họ kết thúc mùa bóng ở vị trí thứ 18 và chấp nhận xuống hạng, và mới giành được vé thăng hạng mùa này.
Cơ chế nào tiêu diệt sự cạnh tranh ở Liga?
Thật ra, Premier League còn nhàm chán hơn, với 4 đội thay nhau vô địch từ năm 1996 đến nay. Nhưng ít ra thì giải Ngoại hạng có quyền tự hào vì doanh thu từ tiền bản quyền truyền hình đã phân phối một cách tương đối công bằng: câu lạc bộ nhận tiền từ truyền hình nhiều nhất Premier League chỉ thu về gấp 1,6 tới hai lần so với đội nhận được ít nhất.
Tại Tây Ban Nha các câu lạc bộ tự thương lượng tiền bản quyền truyền hình. Kết quả? Real Madrid và Barcelona thường kiếm gấp 10 lần so với các đội thấp cổ bé họng (khoảng 140 triệu euro mỗi mùa so với 15 triệu euro của các câu lạc bộ nhỏ). Ngay cả những đội bóng từng thách thức họ là Valencia, Atletico Madrid… cũng chỉ kiếm được chừng 40 triệu euro mỗi mùa nếu lọt vào tốp bốn. Trong năm năm, Madrid và Barca có thể thu về nhiều hơn phần còn lại hơn nửa tỉ euro!
Chính sách ưu đãi về thuế trong nhiều năm cũng đã giúp Barca và Real hoạt động mà không cần quan tâm đến nền kinh tế Tây Ban Nha đang chật vật ra sao. Họ cùng với Osasuna và Atheltic Bilbao, vốn được xem là các đội bóng thuộc sở hữu của những hội viên, được hưởng ưu đãi về thuế nhờ chính sách dành cho các tổ chức xã hội phi lợi nhuận. Họ phải nộp thuế ít hơn và thậm chí được miễn trừ một số khoản thuế. Mới đây, Ủy ban châu Âu quyết định xắn tay điều tra chính sách ưu đãi vô lý này. Nhưng chờ cho đến khi ưu đãi này được tước bỏ, thì Real và Barca đã bỏ xa phần còn lại hàng năm ánh sáng.
Bóng đá Tây Ban Nha đã chết dần chết mòn trong nhiều năm chỉ để nuôi hai câu lạc bộ mạnh nhất của nó. Nguy hiểm hơn, các khán giả dường như chấp nhận điều đó. Một cuộc khảo sát từ năm 2007 cho thấy gần 60% người hâm mộ bóng đá Tây Ban Nha được hỏi đều tự nhận họ là cổ động viên của Real hoặc Barca. Tạp chí FourFourTwo từng tiết lộ một thống kê gây sốc: Một trận đấu không có Real và Barca vào năm 2011 chỉ thu hút được… 47 thuê bao truyền hình theo dõi.
Tiền, chính phủ và thị hiếu đã đứng về phía kẻ mạnh trong nhiều năm, bất chấp khủng hoảng nợ công đã khiến nền kinh tế Tây Ban Nha kiệt quệ, hàng chục câu lạc bộ chuyên nghiệp đứng bên bờ vực phá sản, cầu thủ bị nợ lương và đình công. Madrid và Barca là những sản phẩm bóng đá tinh túy nhất, nhưng cũng là những nỗi đau lớn của nền bóng đá này.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)