Thứ Sáu, 22/11/2024Mới nhất
Zalo

Liga BBVA: Chào thua, “Bố già” Perez!

Chủ Nhật 05/07/2009 10:12(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Không phải ngẫu nhiên mà ở Real Madrid, người ta gọi Florentino Perez là “Bố già”, mang dáng dấp của một ông trùm của bóng đá Tây Ban Nha. Đơn giản, bởi ông có biệt tài “muốn là được”. Sau Kaka và Cristiano Ronaldo, giờ đến lượt Karim Benzema gia nhập “Dải thiên hà” ở Bernabeu. Thêm một ngôi sao nữa cho đội hình “Galaticos version 2.0”.

Muốn là được

Kaka là ngôi sao lớn nhất của Serie A. Ronaldo là vì tinh tú sáng nhất của Premier League. Benzema là viên ngọc đẹp nhất của Ligue 1. Cả ba “báu vật” quý giá nhất của ba trong số năm giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu đã không hẹn mà gặp nhau ở Bernanbeu, trong một cuộc cách mạng được khởi xướng từ “Bố già” Perez, người đã từng tạo ra “Galaticos version 1.0” hơn năm năm về trước và không có đối thủ trong cuộc bầu cử Chủ tịch mới của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha hồi tháng Năm vừa qua. Một khi Perez muốn là sẽ có, bởi tiền chưa bao giờ trở thành vấn đề đối với nhà tài phiệt ngành xây dựng này.

HLV Alex Ferguson từng đỏ mặt, sửng cồ tuyên bố “đến một con virus cũng không bán cho Real Madrid”. Nhưng đó là Real Madrid dưới thời cựu Chủ tịch Ramon Calderon, còn khi Perez xuất hiện, mọi thứ xoay chuyển nhanh chóng đến kinh ngạc. Ferguson và M.U “chào thua” trước số tiền 80 triệu tính theo bảng Anh, 94 triệu tính theo euro và 133 triệu tính theo USD mà Real Madrid sẵn sàng trả để có được Ronaldo. Nếu không phải là Perez thì chắc chẳng ai dám “duyệt chi” số tiền kỷ lục nói trên để mua một ngôi sao, dù họ có tài năng đến mấy đi chăng nữa. Với Perez, khai niệm “giá cao” và “đắt” là hoàn toàn rạch ròi, cả trong vụ Kaka, Ronaldo hay Zinedine Zidane và Luis Figo trước đây. Ông nhận thấy tiềm năng thu lãi lớn từ những bản hợp đồng này nên không ngại ngần khi chi “tiền tấn”, điều đó có nghĩa ông không mua Kaka và Ronaldo với giá đắt, mà đã mua với đúng giá trị thực của họ, thậm chí ở một góc độ nào đó còn được xem là rẻ.

Tiếp sau Benzem, sẽ còn ngôi sao nào nữa cập bến Bernabeu

Sau khi làm “đóng băng” tạm thời thị trường chuyển nhượng bằng hai vụ “bom tấn” liên tiếp, Kaka và Ronaldo, Perez đã chính thức “khai thông” trở lại phiên chợ cầu thủ mùa Hè của châu Âu bằng vụ mua Karim Benzema của Lyon. Đội bóng Pháp không thể hiện quyết tâm giữ chân tài năng này ở sân Gerland bằng mọi giá, nhưng hàng ngày ông chủ Jean-Michel Aulas luôn bận rộn tiếp khách, không chỉ đoàn đàm phán đến từ Madrid mà còn từ Barcelona, Manchester và cả London. Đã có lúc tưởng chừng như đích đến của Benzema sẽ là Old Trafford nhưng cuối cùng, tiền và thói quen “mua bán nhanh gọn” của Perez đã khiến Lyon gật đầu.

Chỉ trong vòng một tháng đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Perez đã “đốt” hết hơn 200 triệu euro, trong đó 94 triệu cho Ronaldo, 65 triệu cho Kaka, 35 triệu cho Benzema, 15 triệu cho Raul Albiol... Giữ lúc bóng ma khủng hoảng kinh tế đang bao trùm cả thế giới thì tiêu tiền như nước họa chăng chỉ có Perez. Đến những đội bóng “Siêu nhà giàu” như Man. City hay Chelsea cũng chỉ dám “vung tay không quá trán”, mua sắm một cách nhỏ giọt, hướng đến những mục tiêu vừa phải. Nhưng đã làm cách mạng thì phải triệt để và dường như Perez chưa muốn dừng lại ở vụ Benzema. Ông cần thêm ít nhất một tiền vệ trung tâm nữa (Xabi Alonso của Liverpool?) và một hậu vệ cánh trái (Alvaro Arbeloa cũng của Liverpool?). Chưa kể, nhiều người còn khuyên Perez nên tống khứ Pepe, trung vệ Bồ Đào Nha đã làm “ô danh” màu áo trắng thiên thần của Real Madrid bằng những cú đá vào đùi và lưng Casquero của Getafe hồi tháng Tư vừa qua. Nếu làm vậy, Perez sẽ phải mua thêm một trung vệ nữa, bởi Paolo Cannavaro đã trở lại Juventus trong khi không thể tin vào Christoph Metzelder.

Sau mua là bán

Danh sách tân binh gia nhập Real Madrid ngày càng dài ra bao nhiêu thì những cái tên phải rời Bernabeu trong mùa Hè này cũng tăng lên bấy nhiêu. Có người đến thì ắt có kẻ phải đi, đấy là quy luật tất yếu bởi Rea Madrid không phải là chiếc túi thần kỳ có thể chứa hết mọi cầu thủ. Theo dự kiến sơ bộ, có khoảng 18 “món hàng” mà Perez đang muốn thanh lý càng nhanh càng tốt. Trong số này, đa phần là “sản phẩm” mà Calderon đã mang về Bernabeu những năm qua, gồm không ít ngôi sao đắt giá như Arjen Robben, Rafael van der Vaart, Wesley Sneijder hay Lassana Diarra. Mua thì đắt, nhưng bán thì chắc chắn phải rẻ, bởi hàng thanh lý có bao giờ được giá?

Đây là thời điểm rất thích hợp để những đọi bóng vừa tâm nhảy vào “xâu xé” Real Madrid. Bị Perez gạt đi vì không đủ “đẳng cấp Galatico” nhưng Robben, Sneijder hay Van der Vaart vẫn là ước mơ lớn đối với nhiều đối thủ khác. Ngay cả một tên tuổi lớn như Bayern củng tỏ ra quan tâm đến “hàng thải” của Real Madrid khi có sự xuất hiện của HLV người Hà Lan Louis van Gaal. Trong hoàn cảnh này, Bayern được phép ép giá Real Madrid nhưng có vẻ như đội bóng Đức hơi quá đáng khi muốn có một hoặc hai trong số ba cầu thủ Hà Lan - Robben, Sneijder và Van der Vaart - cộng thêm 60 triệu euro để đổi lấy Franck Ribery. Cần phải nói thêm, tiền vệ người Pháp cũng là mục tiêu mà Perez đang theo đuổi nhưng đang vấp phải thái độ quá cứng rắn từ Bayern, hoặc không bán, hoặc đã bán thì phải rất nhiều tiền.

Chơi khó Pellegrini?

Có được những cầu thủ như Real Madrid đang sở hữu là niềm mơ ước cả đời người của bất kỳ nhà cầm quân nào. Không ít người đã nghĩ rằng Manuel Pellegrini may mắn khi được Perez “chọn mặt, gửi vàng”. Chủ tịch của Rea Madrid đã chi ra ba triệu euro để “câu” ông về Bernabeu từ El Madrigal của Villarreal. Nhưng thực tế, liệu Pellegrini có hạnh phúc với cuộc sống mới ở Madrid, khi mà công việc ông phải đảm nhận luôn đi kèm với sức ép thành tích vô cùng khủng khiếp (Real Madrid không được phép thất bại, trong mọi trận đấu, trên mọi giải đấu), bên cạnh sức ép về mặt lối chơi (Galaticos không thể đá “cù nhầy” để giành chiến thắng, mà phải đá đẹp và cống hiến nhưng hiệu quả).

Có một thực tế phải thừa nhận là việc mua sắm gần như hoàn toàn do Perez thực hiện và phục vụ ý tưởng “thần thánh hóa” Real Madrid của chính ông. Pellegrini có rất ít vai trò trong những vụ chuyển nhượng của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, có chăng cũng chỉ được tham vấn đôi câu gọi là “có lệ”. Perez đã đặt ông vào vị thế của một người chơi xếp hình, phải sắp xếp những mảnh ghép được mua về với giá cắt cổ thành một đội hình bách chiến, bách thắng. Về mặt này, có lẽ Jose Mourinho là người hiểu Pellegrini hơn ai hết, bởi chiến lược gia người Bồ Đào Nha cũng từng rơi vào hoàn cảnh tương tự đồng nghiệp người Chile (Mourinho còn may mắn hơn vì được hoạch định mục tiêu mua sắm).

Không ai đảm bảo được rằng, đội hình toàn ngôi sao của Real Madrid sẽ chơi ăn ý với nhau, tạo nên một tập thể thống nhất. Cũng không ai dám chắc được rằng, một ngày nào đó Kaka và Ronaldo sẽ không có sự xung đột về mặt lối chơi và tầm ảnh hưởng lên phàn còn lại của đội bóng. Lẽ tự nhiên, rừng chỉ có một hổ nhưng “hổ” ở “rừng Bernabeu” dường như không ít hơn con số hai. Đó cũng chính là mối nguy lớn có thể phá hỏng “Galaticos version 2.0” mà Perez đã mất cả “núi” tiền để xây đắp nên.

Những hợp đồng của Perez

Cầu thủ Từ Giá Năm

1. Cristiano Ronaldo M.U 94* 2009
2. Zinedine Zidane Juventus 76 2001
3. Kaka Milan 65 2009
4. Luis Figo Barcelona 58 2000
4. Ronaldo Inter 43 2002
6. Benzema Lyon 35 2009
7. David Beckham M.U 35 2003
8. Sergio Ramos Sevilla 27 2005
9. Robinho Santos 24 2005
10. Júlio Baptista Sevilla 20 2005
11. Jonathan Woodgate Newcastle 20 2004
12. Raúl Albiol Valencia 15 2009
13. Michael Owen Liverpool 12 2004
14. Antonio Cassano Roma 6 2006
15. Pablo García Zaragoza 4 2005
16. Thomas Gravesen Everton 4 2005


(Theo Thể Thao Văn Hóa)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Lịch để bàn bóng đá 2025 - Đậm chất thể thao, đong đầy cảm xúc!

Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7. Số lượng có hạn

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X