Cuối năm 2012 vừa qua, trong trận đấu với Levante, lần đầu tiên trong lịch sử chứng kiến Barcelona ra sân với 11 cầu thủ trưởng thành từ La Masia. Lò đào tạo này vốn dĩ đã rất thành công, nhưng bước tiến đó khẳng định họ chưa dừng lại, đặc biệt trong năm 2013.
Kể từ khi luật Bosman ra đời kèm theo ảnh hưởng ngày càng lớn của sức mạnh đồng tiền, để chứng kiến một đội bóng xuất phát với đội hình gồm toàn bộ những cầu thủ “cây nhà lá vườn” chẳng khác nào một giấc mơ xa xỉ. Dẫu cho người Catalan luôn khao khát bảo tồn bản sắc và văn hóa thông qua biểu tượng là đội bóng con cưng của họ thì Barcelona cũng không phải là ngoại lệ.
Trong quá khứ, Los Blaugrana luôn xây dựng đội bóng dựa trên chiến lược trọng dụng những tài năng trẻ trưởng thành từ chính lò đào tạo của CLB. Tuy nhiên để chứng kiến Barca ra sân với 11 cầu thủ trưởng thành từ La Masia là giấc mơ cháy bỏng của người Catalan cho đến hiện tại. Trong chặng đường thực hiện hoài bão đó, cũng có thời điểm Barca mang đậm dấu ấn La Masia bị hủy hoại mà điển hình là dưới triều đại Louis van Gaal.
Messi-Xavi-Iniesta, những gương mặt tiêu biểu cho La Masia
Chiến lược gia người Hà Lan trong giai đoạn dẫn dắt Barcelona từ năm 1997 đến 2000 đã xây dựng chiến lược “Hà Lan hóa” đội bóng xứ Catalonia, đẩy ra đường hàng loạt tài năng trẻ. Sau đó, lần lượt từ Rijkaard rồi Guardiola dần xây dựng lại bản sắc La Masia để đến triều đại của Tito Vilanova thì giấc mơ đã trở thành hiện thực. Ngày 25 tháng 11 năm 2012 mãi mãi đi vào lịch sử Barcelona, ghi dấu một cột mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên chứng kiến 11 cầu thủ trên sân đều trưởng thành từ chính lò đào tạo La Masia.
Thực ra trong trận đấu với đối thủ Levante này, Tito Vilanova “chỉ” tung ra đội hình với 10 “sản phẩm La Masia”, nhưng chấn thương mà Dani Alves gặp phải đã tạo điều kiện cho tài năng trẻ Montoya vào sân và Barcelona với 100% cầu thủ từ La Masia xuất hiện. Không giống như những đội bóng lớn khác chủ yếu xây dựng đội hình nhờ việc chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu (hoặc chí ít cũng là những tài năng trẻ sáng giá), mặc dù thực hiện không ít những thương vụ đình đám tuy nhiên có thể khẳng định đào tạo tài năng trẻ chính là canh bạc lớn nhất của Barca trong vài thập niên trở lại đây.
Thực ra chỉ một số ít học viên của La Masia có cơ hội được khoác áo đội một Barcelona song mặt bằng chung chất lượng “sản phẩm” của lò đào tạo này ngày càng được nâng cao và tầm ảnh hưởng thì không có bất cứ lò đào tạo nào có thể so sánh. Bằng chứng là có tới 24 cầu thủ trưởng thành từ La Masia đang chinh chiến ở 4 giải đấu hàng đâu châu Âu (Premier League, La Liga, Ligue 1 và Serie A).
Dĩ nhiên tại Nou Camp thì đội một có tới 17 cầu thủ là sản phẩm của La Masia, trong đo duy chỉ có ba trường hợp của Alba (Valencia), Cesc Fabregas (Arsenal) và Pique (Manchester United) phải lưu lạc đến những đội bóng khác trước khi trở về chơi bóng cho Barcelona. Không những vậy, kể từ năm 2008 đến nay, đã chứng kiến tới 17 cựu học viên La Masia đã cùng Tây Ban Nha ít nhất một lần đăng quang tại các đấu trường Euro hay World Cup.
Với những cầu thủ thuộc biên chế Barcelona hiện tại, chắc chắn bất cứ ai cũng có thể dễ dàng “soạn” ra một đội hình gồm toàn những sản phẩm của La Masia. Nếu sắp xếp theo sơ đồ 4-3-3 quen thuộc của Los Blaugrana trong nhiều năm qua thì ta có Victor Valdes trong khung gỗ, Montoya chơi ở vị trí hậu vệ phải, Jordi Alba ở cánh đối diện, cặp trung vệ chắc chắn là Pique-Puyol, ba tiền vệ trung tâm Busquets-Xavi-Iniesta thì chính là bộ ba tiền vệ số một ở trung tuyến của Barca hiện tại mà không phải bàn cãi và cuối cùng trên hàng công là sự hiện diện của Fabregas, Pedro và siêu sao Lionel Messi.
Vai trò của La Masia
Bước ngoặt lịch sử đến với Barcelona khi danh thủ Johan Cruyff vào thời điểm sắp chia tay Nou Camp gợi ý cho chủ tịch Josep Lluis Nunez về việc xây dựng một lò đào tạo trẻ như Ajax Amsterdam. Đến khi ông trở lại Nou Camp (1988), lần này trong vai trò một huấn luyện viên thì kế hoạch này bắt đầu được xúc tiến mạnh mẽ. Vì La Masia những năm cuối thập niên 80 chưa lớn mạnh như hiện tại, do đó chiến lược xây dựng đội bóng thời điểm bấy giờ của Cruyff vào thời điểm này là chiêu mộ những cầu thủ xuất sắc nhất của xứ Catalonia và của thế giới để tái thiết sau 5 năm liên tiếp sống dưới cái bóng của đại kình địch Real Madrid.
Song hành với việc dẫn dắt đội một, Cruyff cùng ban lãnh đạo đội bóng cử các tuyển trạch viên lùng sục khắp mọi nơi để chiêu mộ những tài năng trẻ xuất sắc về đào tạo như nghệ nhân tìm “những viên ngọc thô về mài dũa”. Chiến lược này được duy trì và phát triển cho đến thời điểm hiện tại giúp cho Barcelona nhiều khi “đi chợ” mà chẳng cần phải bước ra khỏi “ngôi nhà” Nou Camp.
Điển hình chính là thế hệ cầu thủ kiệt xuất mà Barcelona đang sở hữu vào thời điểm hiện tại, một tập thể đã chinh phục tất cả mọi danh hiệu cao quý nhất có thể từ cấp đội CLB đến ĐTQG. Dám chắc rằng dù có cả một núi tiền đi chăng nữa thì cũng không thể “mua” được một dàn cầu thủ như vậy. Hay một ví dụ khác là trong quá khứ không ít ngôi sao mà Barcelona từng chi hàng chục triệu euro để chiêu mộ, đặc biệt là bản hợp đồng bom tấn Ibrahimovic nhanh chóng bị đào thải, còn hiện tại thì những Villa hay Alex Song đánh bạn với băng ghế dự bị nhiều hơn ra sân.
Mốc son chói lọi nhất mà La Masia cũng như Barcelona đạt được chính là kỳ tích vô tiền khoáng hậu tại lễ trao giải QBV năm 2010 khi Messi, Xavi và Iniesta chia nhau ba vị trí cao nhất. Trong lịch sử đã từng chứng kiến AC Milan hai lần thâu tóm cả ba danh hiệu QBV, QBB và QBĐ nhưng chuyện ba cầu thủ cùng trưởng thành từ một lò đào tạo chia nhau ba danh hiệu cao quý này thì chưa từng xảy ra.
Năm 2012 vừa qua, tuy Barcelona chỉ có được duy nhất một danh hiệu Copa del Rey nhưng những học viên La Masia vẫn để lại những dấu ấn đậm nét. Đầu tiên là góp công lớn giúp đội tuyển Tây Ban Nha trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Euro. Iniesta với màn trình diễn chói sáng tại kỳ Euro này được vinh danh là cầu thủ xuất sắc Euro cũng như xuất sắc nhất châu Âu.
Siêu sao Lionel Messi tuy trải qua một năm khan hiếm danh hiệu nhưng tiếp tục khiến cả thế giới phải kinh ngạc về khả năng của mình khi thiết lập hết kỷ lục vĩ đại này đến kỷ lục vĩ đại khác. Tiêu biểu nhất là danh hiệu Pichichi xuất sắc nhất lịch sử (kèm theo chiếc giày vàng) với 50 bàn thắng rồi kết thúc năm 2012 với 91 bàn thắng trong các trận đấu chính thức, vượt xa cột mốc 85 bàn của chân sút vĩ đại Gerd Muller. Không những vậy, trong một vài ngày tới, gala trao giải QBV FIFA 2012 sẽ được tổ chức và La Masia lại ghi dấu ấn đậm nét khi đóng góp 2 cựu học viên là Lionel Messi và Andreas Iniesta.
Danh sách những cựu học viên của La Masia chơi bóng tại các giải đấu lớn châu Âu:
Barcelona: Valdés, Puyol, Iniesta, Messi, Thiago Alcántara, Xavi, Bartra, Montoya, Dos Santos, Busquets, Pedro, Cuenca và Tello.
Trở về khoác áo Barcelona: Cesc Fabregas, Gerard Piqué và Jordi Alba.
Chơi bóng tại các giải đấu lớn tại châu Âu: Oriol Romeu (Chelsea), Iago Falqué (Tottenham, cho Southampton mượn), Bojan (Milan), Reina (Liverpool), Jordi Gómez (Wigan), Arteta (Arsenal), Motta (PSG).
Chơi bóng tại La Liga: Casado, Trashorras, Rubén Martínez, Sergio Rodríguez (Rayo Vallecano), Fernando Navarro, Botía (Sevilla), Marc Valiente, Peña, Lluis Sastre (Valladolid), Víctor Sánchez, Baena, Verdú, Sergio García (Espanyol), Giovanni Dos Santos, Fontàs (Mallorca), Víctor Rodríguez (Zaragoza), Nano (Osasuna).
(Theo Dân Trí)