Trong khi Barcelona và Real Madrid quẳng ra thị trường chuyển nhượng hàng núi tiền phục vụ những kế hoạch “tranh bá đồ vương” mùa tới, thì toàn bộ phần còn lại của Liga chỉ có thể móc hầu bao một cách rón rén. Với một số đội bóng, chuyện giữ chân những trụ cột đã đủ trở thành những thách thức đích thực, nan giải và thậm chí là không có hy vọng thành công.
“Gạo quế, củi châu”
Atletico Madrid đã nỗ lực đến tận cùng, nhưng xem như chắc chắn là họ sẽ không thể giữ chân Sergio Aguero. Dù có thu lại được bao nhiêu tiền, sự ra đi của “El Kun” cũng sẽ là một đòn chí mạng giáng vào những tham vọng thăng tiến mà “El Atleti” ấp ủ. Gần như là toàn bộ sức mạnh tấn công của Atletico Madrid mùa rồi, Aguero sẽ để lại một khoảng trống không thể tức thời san lấp. Mùa tới, nhiều khả năng người ta sẽ thấy một “Los Rojiblancos” vật vã hơn cả mùa này, và thậm chí thiếu sức chiến đấu hơn hẳn so với Valencia mất đi Villa và David Silva.
Valencia tưởng như đã quen với khốn khó, nhưng thời cuộc một lần nữa lại đẩy họ vào bão giông. Joaquin đã sang Malaga, và Juan Mata, ngôi sao tầm cỡ duy nhất còn lại ở Mestalla, cũng đang rục rịch “chuyển bến”. Gánh nặng nợ nần đã khiến Valencia phải bán đi những gương mặt sáng giá nhất ở mùa hè trước, và hiện tại, cho dù có muốn giữ Mata, họ cũng không đủ tiềm lực tài chính để đền đáp một cách công bằng cho những cống hiến của anh, chứ chưa nói tới việc từ chối những lời đề nghị quyến rũ, cho cả anh lẫn CLB.
Bên cạnh “Los Che”, Villarreal cũng đang làm hết sức để không phải chia tay với Giuseppe Rossi, hòng duy trì được tiềm lực như hiện tại. Nhưng Rossi cũng không còn thiết tha với sân El Madrigal, bằng chứng là việc anh đã sửa soạn sẵn hành trang vào đầu mùa chuyển nhượng, khi Barca còn giữ liên lạc. Lúc này, quanh anh vẫn là những viễn cảnh tươi đẹp khác, với Tottenham hay với Juve.
Quằn quại với những hiểm hoạ mất mát còn có Espanyol, đội bóng lưu giữ niềm kiêu hãnh bằng những bàn thắng của Osvaldo, hay Sevilla, những người phải năn nỉ Kanoute đừng vội chia tay để rong chơi “dối già”. Ngoại trừ sự “hào sảng” của Real Madrid và Barcelona, cũng như không kể đến “hùng tâm tráng chí” của Malaga, Liga chỉ còn là một bối cảnh nhọc nhằn với những cân nhắc tính toán chi ly, cho dù chỉ để duy trì chút “tiện nghi” đã từng sở hữu.
Giông bão chực chờ
Không gian ngột ngạt và tù đọng này khác xa với những gì đã từng hiện hữu trong thập niên trước, khi Liga luôn tồn tại những kẻ thách thức tiềm tàng, với khả năng tài chính đủ để “đấu tranh” và với những gương mặt sẵn sàng tạo nên đột biến. Valencia ít nhất còn có Villa, Sevilla có Luis Fabiano, Atletico có Fernando Torres, Villarreal có Riquelme, hay ngay cả Zaragoza cũng đã từng sở hữu một “lữ đoàn Argentina” (với Aimar, D’Alessandro, anh em nhà Milito).
Khung cảnh ấy cũng hoàn toàn không giống với những giải đấu hàng đầu châu Âu thời cực thịnh, như Serie A của vàng son quá khứ với “bảy chị em”, hay Premier League bây giờ, với những đợt tấn công mãnh liệt của Manchester City và Tottenham vào “Big Four”. Real Madrid và Barca không phải đối mặt với những sự cạnh tranh dữ dội như vậy, và sự mơ mộng, tính lãng mạn cũng như những nét hấp dẫn của Liga đã giảm đi một cách đáng kể, so với chính nó một thập kỷ trước.
Được hỗ trợ bởi sự bất bình đẳng về thu nhập, cái hố phân cách giàu nghèo càng lúc càng rộng, và đến lúc này, những đội bóng hạng trung của Liga chẳng những không đủ tiềm lực để “tân trang”, mà còn quá vất vả trong việc bảo toàn tiềm lực. Những ngôi sao hàng đầu đều muốn tương lai của mình được bảo đảm bởi những tập thể sẵn sàng chinh phục, chứ không phải là các đội bóng lay lắt tìm cách tồn tại qua ngày. Bởi thế, thật khó tin Rossi sẽ chấp nhận từ bỏ Villarreal để đến với Atletico, một CLB đồng cảnh ngộ, và có lẽ Piatti, khi sang Valencia, cũng đang mong chờ những bậc thang tiếp nối của sự nghiệp.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm sẽ tạo nên xung đột để tự giải quyết, nhưng đỉnh điểm của mâu thuẫn quyền lợi ở Liga là bao giờ?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)