Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Khi những người khổng lồ cần một đôi chân vững chắc

Thứ Hai 21/07/2014 16:32(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News
 Kỳ chuyển nhượng hè năm nay chứng kiến các đội bóng lớn đều có nhu cầu rất lớn để bổ sung hàng thủ. Bỗng dưng các hậu vệ được săn đón nhiều hơn cả các cầu thủ trên hàng công, nhưng ngẫm lại, đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Chưa bao giờ người ta thấy các ông lớn thiết tha việc mua hậu vệ như năm nay, từ những Barcelona, Liverpool, Manchester United đến Chelsea. Tất cả những đội bóng đó, thật đáng ngạc nhiên lại có một hàng thủ cực kỳ thiếu những ngôi sao và những cầu thủ có đẳng cấp thật sự để gánh vác trong trách phòng ngự. Tuy nhiên nếu như xét kỹ, đó chỉ là kết quả của một quá trình đã kéo dài, một sự bất hợp lý trong đội hình của các đội bóng lớn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân.

Puyol đã không còn đủ thể lực để chơi liên tục trong những trận cầu đỉnh cao
 

Thứ nhất, tình trạng “đầu voi đuôi chuột” này xuất phát từ chính ý thức của các đội bóng lớn. Hầu như đại gia nào cũng phải sắm cho mình một hàng công khủng với những ngôi sao có thể toả sáng và đem lại cho khán giả niềm vui khi đội nhà chiến thắng. Đó còn là cách các đội bóng lớn thể hiện “quyền uy” của mình với các đối thủ bằng các bản hợp đồng bom tấn, kèm theo đó là việc đánh bóng hình ảnh và thương hiệu của CLB.

Việc đưa về các ngôi sao tấn công tất nhiên không có gì sai, nếu không muốn nói là cực kỳ cần thiết. Thế nhưng xu hướng đua tranh của các CLB ngày càng khốc liệt, tới nỗi họ quá chú trong tới hàng công với đầy rẫy những ngôi sao của mình để rồi bỏ quên mất một hàng thủ đằng sau lưng vốn từ lâu đã không được chăm bẵm. Một ví dụ điển hình là Barcelona. Họ quá mải mê chạy đua với Real Madrid trong việc chiêu mộ những ngôi sao trên hàng công để rồi khi Puyol ra đi, họ không thể tìm nổi một người thay thế xứng đáng. Và kể cả khi đội trưởng của đội bóng đã chính thức treo giày, Barca vẫn tiếp tục chi tới hơn 80 triệu euro để mua Luis Suarez nhưng lại không thể bạo chi để có được một trong số những cái tên như Mats Hummels, Daniel Agger hay Jan Vertonghen.

 

Thứ hai, công tác đào tạo trẻ của các CLB cũng thiên về hàng công nhiều hơn. Các cầu thủ trẻ ở hàng công như tiền vệ hay tiền đạo thường bộc lộ tố chất sớm hơn các cầu thủ cùng trang lứa ở hàng phòng ngự, vốn đòi hỏi nhiều kinh nghiệm thi đấu. Vì vậy các đội bóng có thể nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư từ các cầu thủ trẻ ở hàng công hơn. Chưa kể giá của một cầu thủ tấn công cũng gấp 2 hoặc 3 lần giá trị của một cầu thủ phòng ngự. Điều này rõ ràng không chỉ ảnh hưởng tới các CLB lớn mà còn chi phối rất mạnh đến đường lối đào tạo trẻ của các CLB cỡ vừa và nhỏ, những nguồn cung cấp tài năng trẻ dồi dào cho các ông lớn.

Thứ ba, tuổi nghề của các hậu vệ cũng ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của các đội bóng. Như đã nói ở trên, một hậu vệ cần rất nhiều thời gian để trưởng thành và tích luỹ đủ kinh nghiệm để có thể thi đấu thành công, vì thế các cầu thủ phòng ngự thường có độ trễ để lên tới đỉnh cao sự nghiệp so với các tiền đạo, và đồng thời tuổi nghề của họ cũng dài hơn. Chính điều này đã tác động không nhỏ tới chính sách mua sắm của các đại gia. Họ thường sở hữu những trung vệ kiệt xuất trong đội hình, ví dụ như Vidic, Ferdinand của MU, Puyol của Barca hay Terry của Chelsea. Và đương nhiên những cầu thủ đó sẽ là những hòn đá tảng trước khung thành trong nhiều năm, dẫn tới việc các cầu thủ trẻ không có cơ hội để thi đấu và hàng thủ cũng ít có những sự bổ sung hơn là ở hàng công.

 

Với từng đó những lý do ở trên, dễ hiểu khi các ông lớn “khốn đốn” thế nào khi hàng loạt các trung vệ “rủ nhau” bỏ CLB vì những tác động khác nhau. Các đội bóng lớn vì thế cũng lại lao đầu vào TTCN để tìm ra cho mình những miếng ghép mới để lấp đầy vào những khoảng trống không nhỏ ở trước cầu môn đội nhà. David Luiz đã xác nhận kỷ lục chuyển nhượng không tưởng của một trung vệ với cái giá 50 triệu bảng. Các cầu thủ phòng ngự có “máu mặt” khác như Hummels, Miranda, Varane, Marquinhos, Vermaelen,… cũng trở thành hàng hot để các CLB săn đón.

Giá trị của các trung vệ đã được công nhận một cách thích đáng sau những năm tháng núp dưới bóng của các ngôi sao tấn công. Đó là điều tất yếu trong thời buổi mà trong bóng đá, sự chắc chắn nơi hàng thủ dần dần được ưu tiên nhiều hơn so với sự hoa mỹ trên hàng công.

Ở nước Ý, quê hương của lối đá phòng ngự catenaccio trứ danh, Inter Milan đã có thời được đặt với một biệt danh có đôi chút mỉa mai: người khổng lồ có đôi chân đất sét. Đó là bởi chủ tịch Massimo Moratti chỉ thích mua về những cầu thủ “hàng khủng” trên hàng công như Hernan Crespo, Alvaro Recoba, Adriano... để rồi đội bóng của ông luôn gục ngã vì một hàng thủ quá lỏng lẻo. Đó cũng là lý do Inter Milan đã phải đứng sau AC Milan, Juventus và nhiều lúc là cả AS Roma trong cuộc đua tới những danh hiệu. Chỉ khi Mourinho tới và đưa lối đá phòng ngự phản công ở Inter lên một tầm cao mới, đội bóng mới thực sự sánh ngang hàng với các đội bóng lớn với chức vô địch Champions League năm 2010.

 

Đó sẽ là một bài học mà các đội bóng lớn hiện tại có lẽ đã và đang thấm thía dần. Đã đến lúc hiểu rằng thành công trong bóng đá hiện đại được xây dựng trên một nền tảng phòng ngự vững chắc chứ không còn hoàn toàn dựa vào những ngôi sao với những phút giây mê hoặc với trái bóng nữa. Những người khổng lồ cần một đôi chân vững chắc để tiến bước đến vinh quang, nếu không họ sẽ vấp ngã bất cứ lúc nào, dù cho vật cản chỉ là một hòn đá nhỏ nhất. Thời của người Ý đã qua từ lâu, nhưng triết lý của họ thì chỉ mới bắt đầu lên ngôi mà thôi…

Thế Hưng

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X