Sự khác biệt về lối chơi
Trên lý thuyết, rõ ràng James Rodriguez hoàn toàn phù hợp với Real Madrid. Đội chủ sân Bernabeu đã và vẫn đang vận hành đội hình 4-2-3-1, tuy nhiên kể từ sau sự ra đi của Mesut Oezil, Kền kền trắng vẫn luôn thiếu một cầu thủ số 10 thực sự để làm cầu nối giữa bộ ba Ronaldo - Bale - Benzema trên hàng công, và James Rodriguez là một sự lựa chọn tuyệt vời. 14 đường kiến tạo cùng vô số những đường chuyền quyết định cho Falcao và Berbatov ở Monaco mùa giải vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất cho khả năng cầm nhịp và phân phối bóng của James. Sơ đồ 4-2-3-1 cũng được cả Monaco và ĐT Colombia áp dụng, và với James, đây chẳng khác nào sơ đồ “tủ” của anh.
Thế nhưng trên thực tế vẫn có một sự khác biệt lớn giữa Real và những Monaco và ĐT Colombia. Ở Real, James Rodriguez vẫn đóng vai trò là cầu thủ kiến thiết, nhưng lối chơi sẽ khó có thể xoay quanh anh, bởi vẫn còn hai ngôi sao Ronaldo và Bale ở hai cánh. Hai cầu thủ này sẽ ít hỗ trợ cho James như những đồng đội của anh ở Monaco hay Colombia, mà thay vào đó họ sẽ sử dụng tốc độ và khả năng khoan phá để tìm khoảng trống. Nhiệm vụ của James là xoay sở và tỉa những đường chuyền vào nách giữa trung vệ và hậu vệ biên để tạo cơ hội cho đồng đội ở trên.
Ở dưới, James Rodriguez cũng khó lòng mong chờ một sự chắc chắn tuyệt đối từ bộ đôi Toni Kroos và Luka Modric (cặp tiền vệ trung tâm khả dĩ nhất lúc này của Real). Cả hai cầu thủ này đều có thiên hướng tấn công và việc không có một máy quét thực thụ ở dưới cũng sẽ làm giảm khả năng “tiếp đạn” cho James Rodriguez ở tuyến trên.
Rõ ràng khi thi đấu ở Real, nhiệm vụ của James Rodriguez sẽ khó khăn hơn nhiều, anh phải tăng cường khả năng độc lập tác chiến của mình nếu không muốn bị chìm nghỉm vì đói bóng hoặc thiếu người hỗ trợ. Isco là một bài học nhãn tiền về việc không thể thích nghi với sự khác biệt trong lối đá khi chuyển tới Real, và nếu số 10 của ĐT Colombia không thể tự thay đổi mình, tương lai của anh có lẽ cũng không khá khẩm hơn Isco là bao.
Bài toán James Rodriguez và Toni Kroos
Một tháng trở lại đây Real mang về một lúc hai trong số những tiền vệ trẻ sáng giá nhất thế giới, Toni Kroos và James Rodriguez. Đó là một niềm vui sướng với các CĐV của Los Blancos sau những ngày tháng đội bóng im hơi lặng tiếng từ đầu kỳ chuyển nhượng mùa hè.
Tuy nhiên tình cảnh đó cũng đặt ra cho HLV Ancelotti một bài toán hóc búa để có thể dung hoà được hai ngôi sao này trong đội hình của Real Madrid. Về lý thuyết, Kroos có thể đẩy về đá tiền vệ trung tâm, còn James Rodriguez sẽ đảm nhiệm vị trí tiền vệ tấn công. Thế nhưng thật ra Kroos và Rodriguez đều là những cầu thủ có khả năng cầm trịch trận đấu, sở hữu khả năng kiến tạo cũng như ghi bàn cực kỳ đẳng cấp, vậy ai sẽ là “nhạc trưởng” của đội bóng?
Nếu xét theo vị trí, James Rodriguez mang áo số 10 và anh cũng thi đấu ở vị trí “số 10”, nên đương nhiên anh sẽ là người lĩnh xướng hàng công. Tuy nhiên nên nhớ bộ ba tấn công của Real Madrid ở trên đều là những người châu Âu, họ chơi bóng theo kiểu châu Âu (kể cả Ronaldo, anh đã chơi thực dụng hơn nhiều kể từ khi chuyển sang Real). Lối chơi “đặc sản” của Real mùa vừa qua cũng là dựa vào những đòn phản công nhanh với tốc độ của Ronaldo và Bale, một lối chơi châu Âu điển hình, vì thế có thể Toni Kroos với sự lạnh lùng và chính xác của người Đức mới là nhân tố phù hợp nhất cho lối đá của Real Madrid.
Real, mồ chôn các ngôi sao
Real Madrid là nơi các ngôi sao hội tụ, nhưng cũng đã không ít vì tinh tú đã “tắt lịm” khi không thể chứng minh bản thân mình ở nơi đây. Có thể kể ra hai ví dụ điển hình nhất, Michael Owen và Kaka. Tại sao lại lấy hai cầu thủ này làm ví dụ?
Thứ nhất, giống như James Rodriguez, họ đều là những ngôi sao sáng trước khi gia nhập dải ngân hà của Real, và thậm chí tầm vóc của họ còn lớn hơn James nhiều khi cả hai đều đã đoat quả bóng vàng châu Âu trước khi cập bến Bernabeu.
Thứ hai, họ có những điểm tương đồng với James Rodriguez. Owen cũng tới Real từ khi còn rất trẻ, khi mới 25 tuổi, là biểu tượng và hy vọng của Liverpool cũng như cả nước Anh. Kết quả Owen thường xuyên phải làm bạn với băng ghế dự bị và ra đi chỉ sau nửa mùa thi đấu cho Real. Chỉ vẻn vẹn nửa mùa bóng đã làm sự nghiệp của Owen tan tành trong mây khói. Anh mãi mãi không thể tìm lại bóng dáng của một cầu thủ lớn và kết thúc sự nghiệp trong lặng lẽ.
Còn Kaka, anh đã từng làm mọi hàng thủ ở châu Âu phải khiếp sợ, là trái tim của một đế chế AC Milan hùng mạnh trước khi tới Real. Anh cũng là một người Nam Mỹ như James Rodriguez, cũng thi đấu ở vị trí tiền vệ công với khả năng kiến tạo cũng như dứt điểm thượng thặng. Thế rồi anh cũng dần lụi tàn ở Real Madrid, để rồi đội bóng coi anh như một người thừa và hắt hủi anh trở về Milan.
Suy cho cùng, một cầu thủ cần biết vượt qua chính áp lực đang đè nặng lên bản thân trước khi nghĩ tới những khía cạnh chuyên môn khác. Gia nhập Real Madrid đồng nghĩa với việc các cầu thủ phải chấp nhận những sức ép khủng khiếp từ những con người luôn tự hào về lịch sử CLB. Chỉ cần một vài trận đấu không tốt, một cầu thủ có thể bị đẩy lên băng ghế dự bị ngay lập tức và không còn cơ hội để khẳng định mình nữa. James Rodriguez dù gì cũng chỉ 23 tuổi, và anh cũng mới trải qua những giải đấu ít tính cạnh tranh như Bồ Đào Nha (Porto) hay Pháp (AS Monaco). Ai có thể tự tin rằng James có thể vượt qua được sức ép của người hâm mộ để mặc vừa chiếc áo số 10 mà bao huyền thoại đã để lại dấu ấn?
Những ai chứng kiến màn trình diễn chói sáng của James Rodriguez ở World Cup đều cảm thấy mừng cho anh khi được khoác áo một CLB lớn như Real Madrid. Đó là phần thưởng xứng đáng cho James bởi những làn suối tươi mát anh đem lại cho một kỳ World Cup có quá nhiều tính toán và những trận đấu khô khan. Nhưng những người hâm mộ cũng cảm thấy lo cho những thử thách trước mắt của chàng trai trẻ. Họ vẫn đang cầu nguyện cho anh và tự nhủ rằng: “James, đừng chết ở Madrid!...”
Thế Hưng