Thứ Hai, 23/12/2024Mới nhất
Zalo

Hướng đến trận El Clasico: Barca sáng tạo lại hệ thống W-W?

Thứ Năm 11/11/2010 13:55(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Để đối phó với những đội lùi về quá sâu, Barcelona đang đẩy cả hai hậu vệ cánh lên, nhắc cho các chuyên gia về lịch sử chiến thuật bóng đá nhớ lại hệ thống 2-3-2-3 từng rất thịnh hành vào những năm 1930.

Bóng đá là một trò chơi tổng thể. Đẩy một cầu thủ lên thì bạn phải rút bớt một người lùi lại. Trao cho cầu thủ này trách nhiệm tấn công nhiều hơn thì phải san sẻ nhiệm vụ phòng ngự cho một người khác. Hệ thống ba hậu vệ giờ đã là lỗi thời khi bị cho là thiếu cân bằng và kém sức mạnh tấn công. Đội hình đang hợp mốt hiện giờ là các hệ thống một tiền đạo. Tuy nhiên, có một vấn đề phát sinh với những HLV ưa thích lối chơi tiền đạo cắm duy nhất: làm sao để bố trí hai hậu vệ cánh mà không làm ảnh hưởng đến thế trận phòng ngự.

Cả hai hậu vệ cánh dâng cao

Với những CLB thường sử dụng các cầu thủ chạy cánh có thể chuyển đổi, như Barcelona, vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng. Họ không chỉ sử dụng các cầu thủ chạy cánh để tạo thêm sức tấn công, mà còn để hỗ trợ phòng ngự khi các tiền đạo cánh dạt vào trung lộ. Sự vắng mặt của hậu vệ cánh như kiểu Dani Alves ở tuyển Argentina là một phần lý do giải thích tại sao Lionel Messi không thành công ở đội tuyển quốc gia như ở CLB. Với Barcelona, khi anh chuyển vào trung lộ từ cánh phải, Alves ngay lập tức dâng lên, và hậu vệ cánh của đối phương giờ đây phải để mắt đến cả Messi lẫn Alves, một nhiệm vụ chắc chắn là quá sức với bất cứ hậu vệ nào hiện giờ.

Sự vắng mặt của hậu vệ cánh như kiểu Dani Alves ở tuyển Argentina là một phần lý do giải thích tại sao Lionel Messi không thành công ở đội tuyển quốc gia như ở CLB

Điều tương tự xảy ra nếu Pedro đá cánh phải và David Villa bên cánh trái. Các tiền đạo cánh của Barcelona luôn tìm cách khai thác khoảng trống theo đường chéo với các hậu vệ cánh dâng cao của họ. Thông thường, nếu một hậu vệ cánh dâng cao, người kia sẽ phải lùi lại, để đảm bảo ít nhất có ba cầu thủ phòng ngự phía sau.

Tuy nhiên, Barcelona thường xuyên để cả hai hậu vệ cánh vượt qua vạch vôi giữa sân, một chiến thuật mạo hiểm, nhưng cần thiết trước các đối thủ chủ động lùi sâu khi phải đối phó với hàng công của HLV Pep Guardiola, vốn ngày càng nhiều trên khắp châu Âu. Với việc dạt cánh ở cả hai bên, Barcelona có thể chuyển đổi hướng tấn công từ cánh này sang cánh kia chỉ trong tích tắc. Để đề phòng cho các trường hợp bất trắc khi đối phương phản công với tốc độ cao, Guardiola để Sergio Busquets lùi sâu, trên thực tế không khác gì một trung vệ thứ ba.

Chiến thuật đó tất nhiên không có gì mới. Hầu hết đội bóng chơi với hàng phòng ngự hình thoi đều đã làm như thế. Tại Shakhtar Donetsk, trước khi họ chuyển sang hệ thống 4-2-3-1 như hiện giờ, Dario Srna và Razvan Rat đã được Mariusz Lewandowski giải phóng ở khu vực giữa sân. Tại Chelsea, Luiz Felipe Scolari thường xuyên để Mikel John Obi chơi lùi như một trung vệ thứ ba. Còn chính Barcelona cũng dùng Yaya Toure ở vị trí tương tự trong chiến dịch chinh phục Champions League mùa giải 2008-2009.

Ở cấp độ ĐTQG, Mexico trước và trong World Cup 2010 cũng chơi bóng tương tự, với sự thay đổi liên tục giữa hai hệ thống 4-3-3 và 3-4-3. Ricardo Osorio và Francisco Rodriguez đá trung vệ, còn Rafael Marquez chơi theo kiểu cũ, kiểu trước Chiến tranh thế giới thứ hai: lên xuống giữa hàng thủ và hàng tiền vệ. Paul Aguilar và Carlos Salcido đã hậu vệ biên dâng cao, nên về cơ bản hàng thủ chia làm hai phần, nhóm ba người và nhóm hai người. Efrain Juarez và Gerardo Torrado đã tiền vệ trung tâm, đằng sau bộ ba tiền đạo Giovanni dos Santos, Guillermo Franco và Carlos Vela. Cách mô tả chính xác nhất hệ thống này là 3-2-3-2, hay một cách khác W-W, như vào thời tuyển Italia của HLV Vittorio Pozzo vô địch World Cup 1934 và 1938.

Sáng tạo của Pozzo

Pozzo bắt đầu tham gia vào thế giới bóng đá khi ông đang theo học một khóa về sản xuất len ở thành phố Bradford, Anh vào thập niên đầu tiên của thế kỷ trước. Sau đó ông đi khắp các vùng Yorkshire và Lancashire để xem các trận bóng đá, rồi dần trở thành một CĐV của M.U, khi đó chơi với ba trung vệ Dick Duckworth, Charlie Roberts và Alec Bell. Theo Pozzo, tất cả các trung vệ phải chơi như Roberts, người có khả năng tung ra những đường chuyền dài, chính xác về phía hai cánh. Đó là tư duy bóng đá Pozzo mang theo trong cả sự nghiệp. Khi được tái bổ nhiệm làm HLV ĐT Italia năm 1924, ông ngay lập tức loại Fulvio Bernardini, một thầntượng của các CĐV ở thủ đô Rome, ra khỏi đội hình, vì trung vệ này là một người “cản phá” nhiều hơn là một cầu thủ “kết nối”.

Vì lẽ đó, Pozzo ghét cay ghét đắng hệ thống W-M mà bạn ông, Herbert Chapman, HLV của Arsenal, đã phát triển vào thời thay đổi luật việt vị năm 1925. Trong hệ thống đó, trung vệ, mà người ở Arsenal là Herbie Roberts, chủ yếu là người cản phá, luôn theo như hình với bóng trung phong của đối phương. Pozzo tìm được lựa chọn hoàn hảo cho vai trò mới trong đội bóng của ông ở Luisito Monti. Monti chơi cho tuyển Argentina ở World Cup 1930, nhưng sau khi gia nhập Juventus năm 1931, ông trở thành một oriundi, những cầu thủ Nam Mỹ gốc Italia và đủ điều kiện khoác áo thiên thanh. Đã 30 tuổi khi chuyển sang CLB mới, Monti quá cân và thậm chí sau một tháng luyện tập chăm chỉ, ông vẫn không đủ nhanh. Tuy nhiên, Monti chơi bóng rất tích cực và được đặt cho biệt danh Doble ancho (cánh đúp) do khả năng chuyền bóng cực kỳ chính xác ra hai cánh của ông.

Monti trở thành một trung vệ trung gian, centro mediano, không phải như kiểu của Charlie Roberts, nhưng cũng không giống Herbie Roberts. Ông lùi lại phía sau khi đối phương kiểm soát thế trận và kèm trung phong đối phương, nhưng dâng lên khi đội nhà có bóng. Mặc dù không hẳn là một trung vệ thứ ba như Marquez hay Busquets của thời hiện đại, Monti lùi sâu hơn các trung vệ ở thời đó để các hậu vệ cánh có thể dâng cao hỗ trợ các tiền đạo cánh. Về cơ bản, Italia chơi với đội hình 2-3-2-3, hay W-W. Nhà báo Mario Zappa của tờ La Gazzetta della Sport bình luận về đội bóng đó: “một mô hình tổng hợp tất cả các nhân tốt hay nhất của các hệ thống được ngưỡng mộ nhất”, mô hình đã mang đến thành công cho đội tuyển Italia.

Không có gì mới dưới ánh mặt trời?

Qohelet, nhà thông thái trong cuốn Thánh kinh của người Do Thái, Ecclesiates, nói: “Điều đã xảy ra sẽ lại xảy ra, điều từng được làm sẽ được làm lại, không có gì mới dưới ánh mặt trời”. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những gì lặp lại trong thế giới bóng đá hiện đại, ở Barcelona và Mexico, giống hệt với thời kỳ 1930, với Italia của Pozzo.

Những người bảo vệ hệ thống ba trung vệ tranh luận rằng để giúp đội bóng không phải phí hoài hai người khi gặp những đối thủ chỉ chơi với một tiền đạo, một trong số các trung vệ có thể dâng lên giữa sân. Tuy nhiên, Barcelona và Mexico đang làm ngược lại. Họ không đẩy một trung vệ lên tuyến giữa, mà sử dụng một tiền vệ phòng ngự như một trung vệ khi cần thiết.

Phong cách chơi bóng, do đó, cũng khác biệt rất nhiều, không chỉ vì bóng đá hiện đại diễn ra với tốc độ cao hơn hẳn so với những năm 1930. Barcelona gây sức ép và tìm cách giành lại bóng liên tục khi mất quyền kiểm soát, một cách phòng ngự chưa hề xuất hiện cho đến tận sau khi Pozzo vô địch World Cup lần thứ hai. Trong 20 phút mở màn ở Emirates tại Champions League mùa trước, Barcelona đã hoàn toàn áp đảo Arsenal. Sự khác biệt lớn nhất giữa hai đội bóng không phải là kỹ năng của từng cầu thủ, mà là khả năng tạo ra sức ép như một tổng thể.

Tương tự, các tiền vệ cánh chuyển đổi ngày nay giống như người ngoài hành tinh ở thời Pozzo. Italia khi đó sử dụng Enrique Guaita và Raimundo Orsi đá treo cánh trong suốt trận đấu: bám sát đường biên, tấn công và tạt bóng. Angelo Schiavio thì cố định ở vị trí trung phong, không lùi lại hay dạt cánh. Hai cầu thủ đá lót ở hai bên cánh, Attilio Ferraris và Luigi Bertolini, chỉ đơn giản ngăn cản các tiền đạo đối phương, thay vì dâng cao hay chuyển vị trí với tiền đạo cánh.

Dẫu vậy, điểm mạnh tổng thể của sơ đồ W-W, những hình tam giác trên khắp sân giúp các đội bóng muốn sở hữu bóng nhiều đạt được mục tiêu, vẫn như cũ. Có Busquets, Monti của thời hiện đại, trong đội hình, bên cạnh Carles Puyol và Gerard Pique không chỉ là để đáp ứng mục tiêu phòng ngự, nó còn giúp Barcelona xây dựng một bệ phóng tấn công. Trước một đối thủ 4-4-2 hay 4-2-3-1, Busquets có thể bị một tiền vệ trung tâm dâng cao của đối phương theo sát, hòng làm đứt đoạn nhịp điệu của Barcelona (một ví dụ của tình huống này là khi Kevin Keegan, lúc còn dẫn dắt Manchester City, để Antoine Sibierski kèm chặt Claude Makelele và đánh bại Chelsea). Lẽ đó, Guardiola thường kéo Busquets lùi sâu để anh có thêm khoảng trống phát động tấn công.

Để kết luận, trong khi chúng ta thường cho rằng Barcelona chơi với hệ thống 4-1-2-3 hay 4-2-3-1, trên thực tế, họ đang thể hiện bóng đá tấn công cuồng nhiệt qua sơ đồ 2-3-2-3, chỉ có điều, nhà đương kim vô địch La Liga đã có nhiều điểm khác biệt so với đội hình W-W của Pozzo gần 80 năm trước.
 
(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X