Thành công của Pep Guardiola trong trận El Clasico năm nay không chỉ nằm ở việc không bắt chặt các cầu thủ vào một sơ đồ cố định, mà còn nằm ở quyết định sử dụng Alexis Sanchez thay cho David Villa.
Sẽ nhiều người bất ngờ khi biết rằng cú đánh đầu nâng tỷ số lên 3-1 của Cesc Fabregas chỉ là lần thứ 3 trong trận đấu anh chạm bóng trong vòng cấm. Trong quan niệm của số đông, Fabregas ra sân với tư cách của một tiền đạo cắm. Nhưng thực chất, anh đã chơi đúng vị trí “đặc sản” của người Tây Ban Nha: media punta, thuật ngữ chỉ những người như Cesc hay David Silva, lai giữa tiền đạo và tiền vệ, liên tục di chuyển giữa 2 tuyến.Guardiola đã rất cao tay trong trận El Clasico
Và thực chất, vai trò của anh không phải là ghi bàn, mà là thu hút hàng phòng ngự của Real Madrid, để Messi và Alexis Sanchez hoạt động. Biểu đồ thể hiện vị trí hoạt động của Fabregas trận này thoạt nhìn khá giống với Mesut Oezil, một tiền vệ trung tâm của Real Madrid, trải trên phạm vi rất rộng. Ở một góc độ nào đó, thay vì 4-3-3 trên danh nghĩa, Barca đã đá 4-3-1-2 với cả 2 cầu thủ đá cao nhất đều dạt cánh. Chỉ khác ở một điểm: khi cần, Fabregas có thể dâng lên ghi bàn.
Trước trận đấu này, người ta ra sức ca tụng cái mà giới truyền thông Tây Ban Nha gọi là “trivot” của Jose Mourinho, một lối bố trí trung tâm hàng tiền vệ với 3 người, 1 là tiền vệ có xu hướng tấn công (Oezil hoặc Kaka), 1 là tiền vệ tranh chấp (Lass hoặc Pepe) và người còn lại là tiền vệ kiến thiết có xu hướng chơi sâu Xabi Alonso. Trong serie Kinh điển mùa trước, Barca không ghi được một bàn bóng sống nào khi đối đầu với “trivot” (được Mourinho sử dụng 3/4 trận), chỉ ghi bàn khi Real bị đuổi người hoặc từ chấm đá phạt đền.
Người ta tin rằng Pep sẽ lại gặp khó khăn một lần nữa. Nhưng cuối cùng, ông đã hóa giải bài toán với quân bài gây rối Fabregas.
Việc sở hữu những cầu thủ đa năng khiến một sơ đồ cố định với Barca gần như không tồn tại. Trong trận đấu đêm qua, Dani Alves chủ yếu chơi với vai trò một tiền vệ cánh. Người có nhiệm vụ đánh chặn những pha lên bóng từ cánh trái của Real (hay cụ thể hơn là Ronaldo) là Carles Puyol. Nghĩa là lại một lần nữa có thể thay đổi quan niệm về sơ đồ của Barca. Từ sơ đồ “gốc” 4-3-3, khi Alves dâng lên, lại trở thành 3-4-3 (hay 3-4-1-2 như đã chỉ ra ở trên). Tóm lại, việc phân tích Barca đã ra sân với sơ đồ nào là gần như vô nghĩa. Họ không có, nhưng lại có rất nhiều.
Thành công của Pep Guardiola trong trận El Clasico năm nay không chỉ nằm ở việc không bắt chặt các cầu thủ vào một sơ đồ cố định, mà còn nằm ở quyết định sử dụng Alexis Sanchez thay cho David Villa. Đó là một quyết định dũng cảm trong một trận đấu lớn, khi những gì Villa có thể làm cho Barca đã được chứng minh qua thời gian, còn Sanchez là tân binh, mới quay lại sau chấn thương và tỏa sáng ở 2 trận trước.
Việc ông cho Villa ngồi dự bị một vài trận gần đây đã khiến giới truyền thông ồn ào, và Guardiola vẫn phải giữ gìn không khí phòng thay đồ bằng cách tuyên bố: “Vấn đề chỉ là thể lực”. Nhưng cuối cùng, Pep vẫn quyết định tin tưởng Sanchez, người đã mang về cho ông bàn thắng gỡ hòa.
(Theo báo Bóng Đá)