Khi Lionel Messi được xướng tên cho danh hiệu Quả bóng Vàng FIFA 2010, bất cứ ai chứng kiến cũng phải sửng sốt, Messi cũng ngỡ ngàng không kém...
2010 không phải là năm Messi đặt nhiều dấu ấn, đặc biệt về thành tích sân cỏ. Chân sút người Argentina thua xa Iniesta, Xavi và cả Sneijder, người không có tên trong danh sách rút gọn của Quả bóng Vàng FIFA 2010.
Và theo thông lệ, nếu trong một năm có World Cup, thì người chiến thắng luôn là cầu thủ được nâng Cúp Vàng Thế giới. Năm 2009, Messi được tiên đoán sẽ thâu tóm cả Quả bóng Vàng châu Âu lẫn Cầu thủ xuất sắc nhất Thế giới (bắt đầu hợp nhất thành Quả bóng Vàng FIFA từ năm nay), thì phần thưởng mà anh vừa giành được tạo nên những dư luận trái chiều là điều đương nhiên. Tuy nhiên, các nhà báo thể thao, HLV và đội trưởng các ĐTQG có những lý do rất thuyết phục để đặt Messi ở vị trí cao nhất.Có thể chiến thắng của Messi không thât sự thuyết phục nhưng ở đời, làm gì có ai hoàn hảo 100%
Khi chia ra 5 tiêu chí để “so bó đũa, chọn cột cờ”, Messi đã thống lĩnh cả 5. Trong suốt năm 2010, Messi ghi cho Barcelona 42 bàn/36 trận tại La Liga, nhiều hơn bất cứ cái tên nào thuộc 5 giải đấu mạnh nhất châu Âu. C.Ronaldo (Real Madrid) chơi đa năng và toàn diện hơn nhưng cũng chỉ dừng ở mức 36 bàn/37 trận. Di Natale (Udinese, 28/37), Tevez (Man City, 26/34) hay Dzeko (Wolfsburg, 25/34) còn thua kém xa Messi về hiệu suất ghi bàn.
Messi cũng là tay kiến thiết số 1 tại châu Âu trong năm 2010 với 15 đường chuyền thành bàn tại La Liga, bỏ xa các chuyên gia “mồi bóng” như Nani (Man United) hay Oezil (Real) - cùng được 12 lần giúp đồng đội ghi bàn. Messi khéo léo, điều đó là tất nhiên. Do đó, anh cũng là cầu thủ sở hữu tỷ lệ phần trăm đường chuyền đến đích cao nhất, với 56,7%, hơn C.Ronaldo (51,50%), Xavi (49,7%) và Iniesta (49,3%).
Tại đấu trường Champions League, Messi càng không có đối thủ khi ghi 12 bàn/12 trận, hơn cả Eto’o (8 bàn/13 trận) - người đã nâng cao chiếc cúp vô địch Champions League hồi tháng 5/2010. Chính những yếu tố vượt trội, xuất sắc ấy đã che lấp những “khiếm khuyết nhỏ” của Messi trong năm 2010. Anh không tỏa sáng tại bán kết Champions League 2009/10, không ghi nổi một bàn thắng tại World Cup 2010 khiến Argentina phải dừng chân tại tứ kết.
Nhân vô thập toàn. Messi đã nhận được 22,65% phiếu bầu, vượt qua Iniesta (17,36%) và Xavi (16,48) để trở thành cầu thủ thứ 9 trong lịch sử, sau Di Stefano (1957, 1959), Johan Cruyff (1971, 1973, 1974), Beckenbauer (1972, 1976), Kevin Keegan (1978, 1979), Rummenigge (1980, 1981), Platini (1983, 1984, 1985), van Basten (1988, 1989, 1992), Ronaldo (1997, 2002), hơn 1 lần có vinh dự được nâng cao Quả bóng Vàng và là cầu thủ thứ 6 được nhận danh hiệu này 2 lần liên tiếp.
“Tôi thực sự không nghĩ mình sẽ giành Quả bóng Vàng FIFA 2010. Tôi thấy Andres (Iniesta) và Xavi cũng xứng đáng nhận phần thưởng cao quý này. Tuy nhiên, BTC có những tiêu chí riêng để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Xin cám ơn tất cả!”, Messi rất xúc động khi được tuyên bố chiến thắng.
Sneijder đã thắng nếu...
Nếu theo hệ thống bầu chọn cũ của Ballon d’Or (chỉ có phiếu bầu của các nhà báo) thì giải thưởng danh giá và uy tín này đã được trao cho Wesley Sneijder, người giúp ĐT Hà Lan lọt vào chung kết World Cup 2010 và cùng Inter đoạt cú ăn ba lịch sử (Champions League, Scudetto và Coppa Italia), thay vì Lionel Messi.
Theo hệ thống bình chọn mới, các nhà báo thể thao uy tín trên thế giới do France Football đứng ra mời làm đại diện, HLV và đội trưởng đến từ 208 LĐBĐ trực thuộc FIFA có quyền bỏ phiếu. Người chiến thắng là người nhận được số phiếu bầu cao nhất của 3 thành phần giám khảo nói trên.
Với riêng giới truyền thông, Sneijder nhận được 7,70% phiếu bầu, nhiều hơn Andres Iniesta (7,53%) và Xavi (5,96%). Trong khi, Messi chỉ xếp thứ 4 với 4,38% phiếu ủng hộ.
Xavi lỡ hẹn bóng Vàng lần thứ 3
Những lá phiếu bầu đem lại nỗi tiếc nuối lớn trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng FIFA 2010 khi Xavi lại không thể trở thành người chiến thắng. Vậy là, đóng góp phi thường của anh trong chức vô địch World Cup ngoạn mục của Tây Ban Nha, giúp Barca trở thành CLB số 1 hành tinh, lại bị xem nhẹ!
Xavi sắp sang tuổi 31 tuổi. Anh đã 3 lần về 3 tại cuộc đua Quả bóng Vàng. Điều đó có nghĩa, đây có thể là cơ hội cuối cùng để nhạc trưởng tài ba nhất bóng đá hiện tại có được phần thưởng cao quí nhất của đời cầu thủ. Song, sự bất công dường như đã trở thành một phần của cuộc chơi. Lịch sử bóng đá đã được chứng kiến rất nhiều siêu sao kiệt xuất nhưng chưa từng giành Quả bóng Vàng (châu Âu và FIFA). Dưới đây là những ví dụ tiêu biểu:
- Ferenc Puskas: Huyền thoại được đánh giá chỉ xếp sau Di Stefano trong thế hệ của mình, dẫn dắt ĐT Hungary tung hoành ở World Cup 1954, lại chưa từng lọt vào Top 3 trong cuộc bầu chọn Quả bóng Vàng.
- Just Fontaine: Đến giờ, vẫn không hiểu tại sao một tiền đạo ghi tới 13 bàn chỉ trong kỳ World Cup 1958 lại không trở thành cầu thủ bóng đá xuất sắc nhất năm đó (xếp thứ 3 tại Quả bóng Vàng 1958).
- Raul Gonzalez: Không thể hiểu nổi tại sao huyền thoại số 1, kỷ lục gia số 1 của CLB số 1 hành tinh trong thế kỷ XX lại không có danh hiệu Quả bóng Vàng trong bộ sưu tập vĩ đại của mình.
- Paolo Maldini: Thành tích 25 mùa giải, 900 trận chơi ở đẳng cấp cao nhất; cùng 5 chức vô địch châu Âu, 4 lần dự World Cup chưa đủ để trung vệ hàng đầu của AC Milan được tôn vinh.
- Alan Shearer: “Sát thủ” đáng sợ nhất trong thập niên 90 thế kỷ trước, “Chiếc giày vàng EURO 1996”, cỗ máy ghi bàn số 1 lịch sử Premiership, chỉ giúp Shearer giành được Quả bóng Đồng 1996.
- Dennis Bergkamp: “Cầu thủ tài nghệ nhất” của lịch sử bóng đá thế giới như nhiều người đánh giá nhưng chỉ biết tới Quả bóng Bạc và Quả bóng Đồng.
- Michel Laudrup: Huyền thoại số 1 của bóng đá Đan Mạch, tượng đài lớn tại Nou Camp, cầu thủ xử lý bóng và sở hữu nhãn quan chiến thuật bậc thầy thế giới cũng bị Quả bóng Vàng bỏ rơi.
(Theo báo Bóng Đá)