Thứ Tư, 24/04/2024Mới nhất
Zalo

Đối thủ lớn nhất của Barca: Atletico madrid đang trưởng thành từ quá khứ

Thứ Bảy 20/10/2012 08:29(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Những bàn thắng của Radamel Falcao đang đưa Atletico Madrid bay cao trên bảng xếp hạng. Từ chỗ là một đội bóng luôn thất thường, giờ đây thầy trò huấn luyện viên Diego Simeone trở thành đối trọng chính của Barcelona trong cuộc đua Liga mùa này. Để đạt được thành công, dù chỉ mới ở bước đầu ấy, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất La Liga đã phải đi một chặng đường rất dài.

Chấm dứt sự thất thường

Lần gần nhất Atletico Madrid có được sự khởi đầu tốt như vậy tại Liga, với 19 điểm sau bảy vòng đấu, là cách đây đã 17 năm. Đó cũng là mùa giải mà đoàn quân của cố chủ tịch Jesus Gil giành chức vô địch cuối cùng cho đến hiện tại. Thời điểm ấy, Atletico Madrid được xem là đội bóng bất ổn nhất tại Châu Âu với sự điên cuồng của Jesus Gil, trong cả việc mua sắm cầu thủ lẫn sa thải huấn luyện viên, dẫn đến một kết cục khá tất yếu là đội bóng của ông phải xuống hạng vào năm 2000.

radamel falcao
Radamel Falcao, linh hồn của Atletico Madrid-

Sau khi “Thánh Gil” từ nhiệm vào năm 2003, sự điên cuồng của Atletico cũng giảm bớt, nhưng người ta vẫn nhìn thấy sự bất ổn nơi đội bóng thủ đô với thói quen mua sắm cầu thủ và thay huấn luyện viên như thay áo. Trong chín năm qua, những ông chủ của Atletico đã mang về sân Vicente Calderon tổng cộng 105 cầu thủ và chín huấn luyện viên. Trong nhóm những câu lạc bộ thuộc hạng khá tại châu Âu, láng giềng của Real Madrid chính là đội bóng “sang” nhất với việc mang về và đẩy đi hàng loạt ngôi sao chỉ sau một hai mùa bóng. Việc thay đổi xoành xoạch các sơ đồ chiến thuật, những cầu thủ mang băng đội trưởng đã khiến sự thất thường dần trở thành một “truyền thống” của Atletico Madrid.

Đầu mùa giải này, Atletico lọt vào danh sách 23 đội vi phạm Luật công bằng tài chính của Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) và đang phải đối mặt với án phạt bị cấm thi đấu tại các cúp châu Âu. Cũng giống như lần họ phải xuống hạng năm 2000, đây được xem là hậu quả tất yếu của việc đầu tư thiếu hiệu quả. Có thể khẳng định trong thời gian tới, cho dù có tránh được án phạt của UEFA hay không, đội bóng thủ đô chắc chắn sẽ phải chi tiêu rất tiết kiệm cũng như dành sự tập trung thi đấu cho đấu trường quốc nội.

Thật ra, Atletico cũng đã có dấu hiệu cảnh tỉnh từ những mùa giải gần đây. Kể từ năm 2009, đội chủ sân Vicente Calderon đã giới hạn hẳn số lượng cầu thủ mà họ mua về mỗi mùa giải. Mùa hè năm ngoái, việc Atletico thực hiện bản hợp đồng bom tấn Falcao được xem như là điều tất yếu sau khi ngôi sao Sergio Aguero ra đi. Còn lại, những sự đầu tư của Atletico trong khoảng hai năm qua đều hướng đến sự tiết kiệm và ổn định với những bản hợp đồng “ăn chắc mặc bền” như Gabi, Raul Garcia, Adrian…

Mùa hè vừa qua, họ chỉ chi ra vỏn vẹn một triệu euro để mang về sáu cầu thủ, trong số đó chỉ có Garcia và Rodriguez là lọt vào đội hình chính. Điều đó có nghĩa đội ngũ nhân sự dưới tay huấn luyện viên Simeone hầu như không thay đổi so với mùa giải trước. Với một đội bóng có truyền thống thay phân nửa đội hình chính lẫn dự bị sau mỗi mùa giải thì đây quả là một bước tiến đáng kể trong việc xây dựng tính ổn định. Điều đó lý giải đà thăng tiến dữ dội của Atletico thời điểm hiện tại, khi mà cách đây năm tháng họ chính là những nhà vô địch của Europa League.

Sự ổn định của chính sách “siêu sao”

Dù mua về nhiều hay ít cầu thủ thì có một điều luôn nổi bật tại sân Vicente Calderon những năm qua, đó là sự hiện diện của những siêu sao hàng đầu thế giới. Với xu hướng ngày càng chìm trong sự thống trị của Real và Barca, phần lớn các đội bóng tầm khá của La Liga đều áp dụng chính sách xây dựng một đội ngũ ổn định với không một ngôi sao nào quá nổi bật, điều đó giúp họ tiết kiệm ngân sách và tránh nguy sơ sụp đổ khi để mất một cầu thủ quan trọng.

Nhưng những ông chủ của Atletico Madrid luôn nghĩ khác, đội bóng của họ tuy không thể cạnh tranh với gã làng giềng Real về mức độ hào nhoáng, nhưng cũng chẳng thể kém cạnh khi so sánh hai ngôi sao sáng nhất của hai nửa thủ đô Madrid tại mọi thời điểm. Khi Fernando Torres ra đi, Diego Forlan lập tức được mua về thay thế. Khi tiền đạo người Uruguay xuống dốc vì tuổi già, Aguero, người được mua về với cái giá rất đắt những năm trước đó, trưởng thành và tỏa sáng. Đến lúc Aguero kiên quyết rời bỏ đội bóng, ban lãnh đạo Atletico tiếp tục “cắn răng” bỏ ra 40 triệu euro cho Falcao dù tình hình tài chính của đội bóng đang không mấy sáng sủa.

Việc sở hữu một ngôi sao quá nổi bật có thể khiến đội bóng lâm vào tình cảnh lệ thuộc vào một cá nhân nhưng mặt khác, lại tạo nên một hiệu ứng mạnh mẽ về tinh thần. Sự bùng nổ của Falcao đang tạo nên một sức ép dữ dội lên mọi hàng phòng ngự phải đối mặt với anh. Nhiều lần trong mùa giải này, Atletico giành chiến thắng ở những phút cuối cùng của trận đấu, một phần nhờ vào sự hoảng loạn của đối thủ trước Falcao, giống như cái cách mà Lionel Messi liên tục cứu thoát Barca hồi đầu mùa giải. Bên cạnh đó, công việc của huấn luyện viên Simeone cũng dễ dàng hơn nhiều khi chỉ việc xây dựng một lối chơi xoay quanh tiền đạo người Colombia.

Trong khi Athletic Bilbao, Malaga và Valencia đều để mất những cầu thủ hàng đầu trong mùa hè vừa qua thì việc Atletico vẫn giữ chân được Falcao, xa hơn nữa là tạo nên một chính sách “bảo toàn ngôi sao” suốt những năm qua đã thực sự thể hiện được tham vọng mạnh mẽ của họ. Ở mùa giải này, đội bóng của Simeone được kỳ vọng là tập thể duy nhất có thể thách thức sự thống trị của Barca và Real, điều có vẻ như đã tạo nên sự hưng phấn lớn cho các cầu thủ Atletico Madrid. Với việc đã xây dựng được tính ổn định nơi các nhà đương kim vô địch Europa League cùng sự tỏa sáng rực rỡ của Falcao, Simeone thực sự đang có cơ hội rất lớn để chấm dứt cơn khát La Liga đã kéo dài hơn 16 năm của Los Rojiblancos.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X